“Cấm cửa” rót vốn vào CTCK là cứng nhắc
Trong khi một số ý kiến cho rằng, dự thảo quy định Quỹ hưu trí tự nguyện không được đầu tư vào cổ phiếu của các CTCK là cần thiết để phòng ngừa rủi ro, thì không ít quan điểm nhìn nhận, quy định này là cứng nhắc, can thiệp vào hoạt động đầu tư của công ty quản lý quỹ (QLQ).
Quỹ hưu trí tự nguyện được gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế
Giám đốc điều hành bộ phận giao dịch QLQ của một công ty QLQ lớn, có trụ sở tại TP. HCM nhìn nhận, theo dự thảo Thông tư, hoạt động đầu tư của Quỹ hưu trí tự nguyện đã bị kiểm soát chặt theo các hạn mức khác nhau. Sau khi được DN bảo hiểm uỷ thác hoặc thuê đầu tư tài sản, quản lý danh mục đầu tư các tài sản của Quỹ hưu trí tự nguyện, về lý thuyết, công ty QLQ được phép triển khai các hoạt động đầu tư khá đa dạng, bởi được đầu tư vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu DN, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng… Tuy nhiên, trên thực tế, tùy diễn biến của nền kinh tế vĩ mô, cũng như tiêu chí hoạt động đầu tư của các công ty QLQ, mà không phải lúc nào công ty QLQ cũng có thể lựa chọn được danh mục đầu tư phù hợp. Với cách nhìn này, cơ hội để công ty QLQ triển khai các hoạt động đầu tư không nhiều. Bởi vậy, việc dự thảo “cấm cửa” Quỹ hưu trí tự nguyện không được đầu tư vào cổ phiếu của các CTCK là có phần cứng nhắc, làm hạn chế cơ hội đầu tư của công ty QLQ, nhất là trong bối cảnh sản phẩm, dịch vụ được phép đầu tư còn nghèo nàn.
Nếu Ban soạn thảo e ngại rủi ro, mà đưa ra quy định trên là chưa thuyết phục. Lý do là bởi khi triển khai các hoạt động đầu tư, công ty QLQ phải tuân thủ các quy định rất chặt chẽ, để không chỉ đảm bảo yêu cầu lợi nhuận, mà còn phải đáp ứng các chỉ tiêu an toàn tài chính, quản trị rủi ro theo các quy định của Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Đặc biệt, công ty QLQ còn phải chịu “trách nhiệm với bất kỳ sai sót hoặc tổn thất nào gây ra từ việc quản lý tài sản Quỹ hưu trí tự nguyện theo hợp đồng uỷ thác của DN bảo hiểm nhân thọ”, như dự thảo Thông tư quy định.
Để vừa thỏa mãn nguyên tắc cẩn trọng trong hoạt động của Quỹ hưu trí tự nguyện, cũng như tạo cơ hội đầu tư đa dạng, qua đó cải thiện hiệu quả đầu tư cho Quỹ, thay vì cấm hoàn toàn đầu tư vào cổ phiếu CTCK, theo ý kiến của một số công ty QLQ, pháp luật nên cho phép đầu tư, nhưng với tỷ lệ thấp trong thời gian đầu. Trên cơ sở thực tiễn triển khai, nếu hiệu quả đầu tư và phòng ngừa rủi ro được chứng minh, đồng thời đáp ứng nguyên tắc thận trọng trong hoạt động của Quỹ hưu trí tự nguyện, cũng như các đòi hỏi khác của cơ quan quản lý, thì sẽ nâng dần tỷ lệ đầu tư vào cổ phiếu CTCK cho phù hợp, tránh can thiệp quá sâu vào hoạt động đầu tư của công ty QLQ.
Công ty QLQ bị… đánh đố
Theo dự thảo Thông tư, Quỹ hưu trí tự nguyện được gửi tiền tại các tổ chức tín dụng không hạn chế, nhưng không quá 20% giá trị tài sản đầu tư của Quỹ vào một tổ chức tín dụng thuộc nhóm 1 và 10% vào một tổ chức tín dụng thuộc nhóm 2 theo đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước. Với quy định này, theo phó tổng giám đốc một công ty QLQ, chẳng khác nào… đánh đố công ty QLQ. Lý do là bởi dự thảo đưa ra quy định nương theo một quy định khác, nhưng chưa được định hình. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước chưa bao giờ chính thức định kỳ công khai danh sách tổ chức tín dụng thuộc nhóm 1 hay 2 là các tổ chức nào. Trong trường hợp Thông tư về Quỹ hưu trí tự nguyện được ban hành và có hiệu lực, nhưng Ngân hàng Nhà nước chưa công bố tên các tổ chức tín dụng thuộc nhóm 1 và 2, thì công ty QLQ phải căn cứ vào đâu để triển khai hoạt động đầu tư?
Nhiều ý kiến nhận xét, dự thảo Thông tư khi được triển khai sẽ tạo thêm “đất dụng võ” cho công ty QLQ trong đa dạng hóa cơ hội triển khai các sản phẩm, dịch vụ, nhưng nếu dự thảo được ban hành mà vẫn tồn tại một số quy định chưa ổn như hiện tại, thì sẽ “bó tay, bó chân” hoạt động của công ty QLQ.