Dự thảo nới room: hai câu hỏi ngỏ

Dự thảo nới room: hai câu hỏi ngỏ

(ĐTCK) Thông tin về việc UBCK đã chính thức trình dự thảo quy định mới về tỷ lệ đầu tư tối đa (room) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) lên Chính phủ, khiến TTCK khởi sắc ngay từ phiên đầu tuần.  

Hàng loạt chuyên gia, nhà môi giới giải thích rằng, sự khởi sắc của TTCK có nguyên nhân từ kỳ vọng của nhà đầu tư về việc nới room. Tuy không thể đo chính xác ảnh hưởng của thông tin mới về room đến sự khởi sắc của TTCK là bao nhiêu phần trăm, nhưng chắc chắn, đây là thông tin nhạy cảm, được thị trường chờ đợi nhất từ nay đến hết năm 2013.

Cũng tiếp nhận thông tin về phương án nới room mới, nhưng góc nhìn thận trọng hơn, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đặt ra hai câu hỏi ngỏ: nếu Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định mới về room đúng theo dự kiến vào cuối năm 2013, liệu có thể nới room ngay với các DN hết room hay không?

Sở dĩ có câu hỏi này là bởi, dự thảo về room đưa ra nhiều điểm mới, nhưng có những điểm bắt buộc phải có hướng dẫn chi tiết hơn, mới có thể triển khai được.

Điểm đầu tiên (và cũng là điểm được kỳ vọng nhất) là dự kiến cho phép nới room từ 49% lên 60% tính trên số cổ phiếu có quyền biểu quyết với các DN niêm yết đủ điều kiện.

Tuy nhiên, điều kiện để các DN được nới room đến 60% là như thế nào, hồ sơ, thủ tục DN phải chuẩn bị ra sao, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định…, chưa được công bố (bản dự thảo). Vì thế, nhà đầu tư thận trọng cho rằng, khi Chính phủ chấp thuận việc nới room lên 60%, vẫn sẽ cần phải có một khoảng thời gian để hoàn thiện hướng dẫn pháp lý, mới có thể thực thi quy định này. Hiện nay, toàn TTCK Việt Nam có khoảng 20 DN đã kịch room ở mức 49%, nhưng DN nào trong số này sẽ được nới room, bao giờ được nới room…, là chưa thể dự báo được.

Thứ hai, dự thảo nới room của UBCK đưa ra một quy định mới, đó là dự kiến trao quyền cho DN được phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết, cho phép nhà ĐTNN được mua đến 100% loại cổ phiếu này. Tuy loại cổ phiếu này đã được đề cập tại Điều 78, Luật Doanh nghiệp, nhưng việc hướng dẫn DN phát hành, đăng ký lưu ký, đặc biệt là giao dịch trên TTCK Việt Nam vẫn phải chờ Thông tư của ngành chứng khoán hướng dẫn. Bên cạnh đó, việc các DN có chọn phát hành loại cổ phiếu này hay không, hay nhà ĐTNN có mặn mà mua loại cổ phiếu này hay không, cũng là câu hỏi ngỏ.

Không thể phủ nhận chuyển động tích cực về pháp lý trong dự thảo nới room của UBCK khi mở ra những hướng đi mới cho khối CTCK, công ty quản lý quỹ, DN niêm yết. Tuy nhiên, hai câu hỏi ngỏ trên cũng rất đáng quan tâm, xử lý.

TTCK là thị trường nhạy cảm, luôn phản ứng rất nhanh với thông tin, đặt trách nhiệm lên vai nhà quản lý phải làm sao để quy định mới về room nói riêng, các văn bản pháp lý khác nói chung, cần được chuẩn bị kỹ về hạ tầng pháp lý, để đủ khả thực thi ngay khi được ban hành.

Theo tìm hiểu của ĐTCK, tại UBCK, song song với việc hoàn thiện dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009/QĐ-TTg về room, cũng đang xây dựng dự thảo Thông tư để hướng dẫn, làm rõ những vấn đề mới. Hy vọng dự thảo hướng dẫn sẽ sớm được công bố để khích lệ và củng cố kỳ vọng của nhà đầu tư về một sự chuyển biến thực, khi quy định về room được nới rộng.

>>Phương án mới về nới room

>>Triển vọng nới room cho khối ngoại

>>Hứng khởi với kỳ vọng nới room