Cũng dễ hiểu, bởi nếu dự thảo này được thông qua với mức tăng thuế và lộ trình tăng khá sốc, “nồi cơm” của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực này sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Huỳnh Vương Nam, Trưởng phòng Thuế giá trị gia tăng, Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, Dự thảo Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt sửa đổi sẽ điều chỉnh khoảng 10% mức thuế cho một số mặt hàng rượu bia, thuốc lá và dự định đưa một số mặt hàng khác vào diện chịu thuế như dịch vụ tin nhắn trúng thưởng, nước ngọt có gas không cồn, sửa đổi quy trình về xăng, condensate, nap-ta…
Việc bổ sung mặt hàng nước ngọt có gas không cồn vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, theo các doanh nghiệp kinh doanh nước ngọt có gas, là chưa đủ bằng chứng thuyết phục. Bởi tại thời điểm hiện nay, số người sử dụng loại nước ngọt này tại Việt Nam chưa lớn, nên chưa rõ tác động bất lợi đối với người tiêu dùng.
TS. Mason Cobb, đại diện Amcham cho rằng, quy định nước ngọt có gas không cồn sẽ bị đánh thuế, còn nước ngọt không có gas không cồn sẽ không bị đánh thuế là một sắc thuế áp đặt lên nước uống có gas (CO2). Những người ủng hộ quy định này cho rằng CO2 không tốt cho sức khỏe, nhưng nhiều nghiên cứu khoa học đã được công bố và rút ra kết luận rằng, CO2 không có hại cho sức khỏe và trong một vài khía cạnh CO2 còn có lợi cho sức khỏe. Các nước khác trên thế giới cũng không dựa trên CO2 để áp thuế.
“Đồ uống có gas không gây loét dạ dày cũng như không có bằng chứng về tác hại từ nước có chứa CO2, dù rằng các thức uống có đường nói chung có thể là có vấn đề, chẳng hạn như béo phì. Chính vì thế, bất cứ điều luật nào nhắm vào đối tượng đồ uống có gas đều không có cơ sở khoa học”, TS. Mason Cobb nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Văn Nam, đại diện Công ty Kiểm toán Price Water House Coopers Việt Nam, hiện một số nước trên thế giới áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho tất cả các loại đồ uống, nhưng không một nước nào chỉ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho nước ngọt có gas không cồn. Việc áp dụng thuế như vậy, theo ông Nam, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này, mà còn có thể góp phần tăng lạm phát, vì giá nước uống này tăng có thể làm giá các mặt hàng thực phẩm và đồ uống bán kèm tăng theo.
Đối với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá, bình luận về quan điểm của Bộ Tài chính là để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ người hút thuốc lá đến năm 2020 ở mức 39% so với 47% dân số hiện nay, ông Phạm Kiến Nghiệp, Tổng thư ký Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá không thể làm giảm người hút, mà vô tình kích thích buôn lậu thuốc lá vào nội địa. Đây là vấn đề nhiều nước đang phát triển khác cũng gặp phải.
Đại diện Tổng công ty Thuốc lá Sài Gòn cho rằng, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng giá bán sản phẩm, hạn chế tiêu dùng và tăng thuế để tăng thu và điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp thuốc lá sẽ phải thu hẹp sản xuất - kinh doanh, đi ngược với mục tiêu tăng trưởng. Hết quý I/2014, doanh thu nhiều nhãn thuốc lá hợp pháp đã giảm 30%. Vị đại diện này đã đặt câu hỏi, nếu tình hình như vậy thì doanh nghiệp có được xây dựng kế hoạch doanh thu năm sau thấp hơn năm trước hay không?
“Tăng thuế vì mục tiêu giảm cầu, để bảo vệ sức khỏe cộng đồng là không khả thi. Bởi lẽ thị trường thuốc lá Việt Nam đang tồn tại thị trường thuốc lá hợp pháp và buôn lậu”, vị này bày tỏ.
Đại diện Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương đề nghị không tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá đến năm 2015, nếu có tăng thì mức tăng vừa phải để doanh nghiệp tránh những cú sốc về chính sách.
Ủng hộ quan điểm của Bộ Tài chính là tăng thuế, nhưng theo Luật sư Nguyễn Tăng Liêm, việc này phải có lộ trình. Theo đó, Bộ Tài chính nên tăng thuế từ năm 2016 và chỉ tăng đến 85% vào năm 2018.
Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Bia rượu và nước giải khát Việt Nam, mức thuế đối với mặt hàng này như hiện nay là hợp lý. Nếu có tăng phải có lộ trình, chứ tăng ngay từ 1/7/2015 là rất khó khăn cho doanh nghiệp, vì các doanh nghiệp khi xây dựng phương án đầu tư đều có lộ trình cụ thể.