Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi: Bỏ quy định Hiệp hội quản lý đại lý bảo hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngày 28/9/2021, để chuẩn bị các báo cáo thẩm tra trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 dự kiến diễn ra trong tháng 10 tới, Ủy ban Kinh tế Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp toàn thể với hình thức họp trực tuyến để thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi.
Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi: Bỏ quy định Hiệp hội quản lý đại lý bảo hiểm

Theo Báo cáo số 340/BC- CP tiếp thu, giải trình chi tiết ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) hôm 24/9, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến và chỉnh lý một số điều khoản của dự thảo Luật.

Liên quan đến việc quản lý đại lý bảo hiểm đang thu hút nhiều sự quan tâm, Chính phủ cũng tiếp thu ý kiến của Ủy ban Kinh tế khi điều chỉnh chức năng quản lý đại lý.

Theo đó, chức năng quản lý đại lý bảo hiểm sẽ do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện; không quy định tên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp để đảm bảo bao quát được các tổ chức xã hội nghề nghiệp nếu có.

Quy định về chế độ báo cáo bắt buộc (khoản 3, Điều 11) sẽ chuyển sang trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và lược bỏ quy định về tên “Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam“ tại điều này, đồng thời bổ sung thêm trách nhiệm của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc ban hành các quy tắc, chuẩn mực để áp dụng chung cho các thành viên.

Cụ thể, khoản 3, Điều 11 được quy định như sau: “Tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật về hội, có trách nhiệm tuân thủ quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm và chịu sự giám sát của Bộ Tài chính. Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm ban hành Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp, các quy tắc, chuẩn mực để áp dụng chung cho các thành viên của tổ chức...”

Như vậy, nếu dự thảo Luật được thông qua, chức năng xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin quản lý đại lý bảo hiểm sẽ không do Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) quản lý như hiện nay.

Theo dự thảo Luật trước đó, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam có trách nhiệm thực hiện các công việc như xây dựng, cập nhật hệ thống thông tin quản lý đại lý bảo hiểm; quản lý, sử dụng và bảo mật thông tin theo quy định pháp luật…

Nhưng đến khi thẩm tra, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, việc quản lý và bảo mật thông tin, chế độ báo cáo bắt buộc được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật, thuộc chức năng quản lý nhà nước, trong khi Hiệp hội Bảo hiểm là tổ chức nghề nghiệp của các doanh nghiệp bảo hiểm, nên Ủy ban này đề xuất việc xây dựng và quản lý thông tin về đại lý bảo hiểm sẽ do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không quy định tên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp tại dự thảo Luật (tương tự như nhiều luật khác).

Được biết, các nội dung trên được tiếp thu từ ý kiến của một số chuyên gia bảo hiểm khi được hỏi ý kiến để hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Quốc hội.

Ông Đỗ Hồng Sơn, Giám đốc CTCP Tư vấn dịch vụ bảo hiểm Việt Nam - một trong những người được lấy ý kiến góp ý hoàn thiện báo cáo thẩm tra của Quốc hội trước đó đã đề xuất loại bỏ khoản 3, Điều 11 này vì cho rằng, IAV có lợi ích mâu thuẫn với đại lý bảo hiểm và không một Luật Kinh doanh bảo hiểm nào trên thế giới có quy định chức năng nhiệm vụ của một hội nghề nghiệp.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Sơn cho biết, cần xem lại toàn bộ quy định của Luật có liên quan đến Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam. Hiệp hội được thành lập dựa trên quy định về Hội, lợi ích của các thành viên lập nên nó (chính là công ty bảo hiểm) nên nếu được quy định chức năng nhiệm vụ trong Luật liệu có phải thiên vị không? Nếu sắp tới ra Hội Phụ trợ bảo hiểm, Hội Đại lý bảo hiểm, Hội Môi giới bảo hiểm có đưa chức năng hay nhiệm vụ của các Hội này vào Luật?

Ông Sơn cũng đề nghị Chính phủ sớm có lộ trình hỗ trợ đại lý bảo hiểm xây dựng hội nghề nghiệp để chính hội nghề nghiệp này quản lý đại lý bảo hiểm.

Tin bài liên quan