Sẽ không có quyền sở hữu tài sản
Dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Dự thảo Luật Đầu tư PPP đang được xin ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách để tiếp tục hoàn thiện.
Trước đó, thảo luận tại phiên họp tháng 3/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, một số ý kiến đã rất lo ngại quyền tiếp nhận dự án của bên cho vay tại Dự thảo Luật Đầu tư PPP (quy định tại Điều 55) là “quá to”. Theo đó, bên cho vay có quyền tiếp nhận một phần hoặc toàn bộ các tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP đã hình thành theo hợp đồng, trong trường hợp nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp dự án PPP không thực hiện được các nghĩa vụ quy định tại hợp đồng PPP hoặc hợp đồng vay vốn
Một số phân tích khác cho thấy, quy định này chưa phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Đất đai.
Tiếp thu ý kiến góp ý, Dự thảo Luật Đầu tư PPP mới nhất đã sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1, Điều 55 theo hướng, trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP vi phạm các nghĩa vụ theo hợp đồng cấp tín dụng đã ký kết với bên cho vay, bên cho vay sẽ có quyền đề xuất cơ quan có thẩm quyền của dự án chỉ định một nhà đầu tư khác thay thế và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, cơ quan ký kết hợp đồng để thực hiện quyền tiếp quản dự án.
Đồng thời, Điều 55 cũng quy định, bên cho vay thực hiện thủ tục xử lý nợ, tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật về tổ chức tín dụng thông qua việc chuyển hợp đồng cấp tín dụng, tài sản bảo đảm tiền vay cho nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ định.
“Với quy định này, trong thực tế, sẽ không phát sinh trường hợp bên cho vay (kể cả trong nước hay nước ngoài) có quyền sở hữu tài sản của dự án, cũng như quyền sử dụng đất”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định.
Nhiều chỉnh sửa quan trọng khác
Ngoài những chỉnh lý trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho biết, lĩnh vực đầu tư PPP tiếp tục thu hẹp, chỉ tập trung đầu tư PPP ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, quan tâm đến các dự án lớn có tính liên kết vùng miền, tính lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.
Theo đó, không còn trụ sở cơ quan nhà nước, lĩnh vực đầu tư PPP gồm: giao thông - vận tải; nhà máy điện, lưới điện; cung cấp nước sạch; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý chất thải; y tế; giáo dục - đào tạo.
Về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu, bên cạnh mức 200 tỷ đồng do Chính phủ đề xuất, còn có phương án thứ hai là giao Chính phủ quy định chi tiết quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP không thấp hơn 100 tỷ đồng đối với từng lĩnh vực như đầu tư cơ sở hạ tầng, giáo dục - đào tạo, y tế..., hoặc theo địa bàn như đô thị, đồng bằng, miền núi, vùng sâu vùng xa.
Liên quan đến nguồn vốn thực hiện dự án PPP, có đại biểu đề nghị, quy định tỷ lệ mức vốn Nhà nước hỗ trợ dự án không quá 49% tổng mức đầu tư dự án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, mức này sẽ khó kêu gọi đầu tư. Vì vậy, Dự thảo không quy định tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án PPP, mà tùy theo tính chất của từng dự án, căn cứ phương án tài chính cụ thể của dự án được nghiên cứu và khả năng bố trí vốn đầu tư công theo từng thời kỳ, sẽ bố trí mức vốn nhà nước phù hợp.
Đáng chú ý, liên quan đến cơ chế về chia sẻ rủi ro, Dự thảo đã xác định, không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước. Cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu sẽ được xem xét trên cơ sở kiểm soát doanh thu theo từng thời kỳ của dự án.
Dự thảo quy định mới về chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp
Trong Dự thảo Luật Đầu tư PPP mới nhất, quy định chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng dự án PPP cũng có điểm mới. Dự thảo đã bổ sung quy định nhà đầu tư phải góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước.
Đồng thời, Dự thảo quy định rõ trường hợp liên danh, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư được xác định bằng tổng năng lực, kinh nghiệm của các thành viên liên danh. Nhà đầu tư đứng đầu liên danh phải có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 30%, từng thành viên trong liên danh có tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% trong liên danh.