Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Từ Nghị trường tới thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Một hệ thống chính sách pháp luật đủ 'tốt', đủ 'chắc' và hạn chế được tình trạng rườm rà, nhũng nhiễu thì doanh nghiệp sẽ chẳng phải lo nghĩ quá nhiều với những biến số kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước”.

Đây là lời chia sẻ ruột gan từ lãnh đạo cấp cao một doanh nghiệp với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, khi doanh nghiệp ông đang trong “vòng xoáy” thanh kiểm tra một số dự án bất động sản liên quan tới nguồn gốc đất đai.

Cũng bởi thực trạng đất đai có lịch sử không rõ ràng, hồ sơ, bản vẽ không chính xác, không được cập nhật đầy đủ… đã gây ra nhiều vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, chuyển đổi công năng sử dụng đất, nhất là dự án chuyển đổi đất lúa sang đất công nghiệp… xuất phát từ Luật Đất đai và một loạt sắc luật liên quan khác đang cản trở nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Chính vì vậy, việc Quốc hội chuẩn bị cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đang diễn ra là một trong những thông tin rất được quan tâm.

Nói như ông Phạm Hoàng Trung, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Constrexim số 1 (Confitech), cả quy trình thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, từ lúc bắt đầu có chủ trương đầu tư, HĐND ra nghị quyết, UBND tỉnh/thành phố và sở, ban ngành lập dự án, quyết định thu hồi - giao đất, đấu thầu, đấu giá…, mỗi dự án phải mất tối thiểu 3 năm để hoàn thành thủ tục đầu tư.

“Thủ tục pháp lý càng chậm, tiến độ dự án càng kéo dài, từ đó ảnh hưởng tới nguồn cung sản phẩm ra thị trường”, ông Trung nhấn mạnh.

Theo thống kê mới nhất của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), nguồn cung bất động sản tiếp tục xu hướng giảm trong quý III/2022, nguồn hàng mới chủ yếu thuộc phân khúc trung - cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người dân có nhu cầu ở thực. Tỷ lệ hấp thụ trong kỳ chỉ đạt 33,5% - giảm mạnh so với giai đoạn nửa đầu năm, lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Những bất cập của Luật Đất đai 2013 cùng với sự mâu thuẫn, chồng chéo với những sắc luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư đang tạo thành “điểm nghẽn” đối với hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung, việc triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất nói riêng.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên hiệp Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhiều dự án phải nằm yên trong nhiều năm bởi sự chồng chéo, thậm chí xung đột giữa các sắc luật liên quan tới đất đai. Khảo sát thực tế của VCCI tại Bắc Ninh cho thấy, quy trình của một dự án đầu tư có sử dụng đất trên thực tế khác nhiều so với trên giấy. Dự án phải đi lòng vòng qua các sở, ngành và ở mỗi sở, ngành phải trải qua rất nhiều khâu khi thực hiện thủ tục hành chính.

TS-LS. Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty Luật Vietthink cũng cho hay, những bất cập của Luật Đất đai 2013 cùng với sự mâu thuẫn, chồng chéo với những sắc luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư đang tạo thành “điểm nghẽn” đối với hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung, việc triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất nói riêng.

“Nhiều lãnh đạo địa phương nói rất run tay khi ký quyết định liên quan tới đất đai vì không biết đúng, sai thế nào, dẫn tới tâm lý đùn đẩy trách nhiệm, mà khi chính quyền e ngại thì doanh nghiệp chỉ còn biết đứng im chờ đợi”, ông Vinh nói.

Thực tế, không chỉ các thành viên thị trường, mà cả đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự sốt ruột trước những khó khăn mà các doanh nghiệp lĩnh vực địa ốc đang đối mặt hiện nay. Chia sẻ tại nghị trường Quốc hội, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho hay, qua nhiều lần tiếp xúc cử tri, trao đổi với các doanh nghiệp thì được biết nhiều doanh nghiệp lo ngại về khả năng hoạt động liên tục, do khó tiếp cận vốn. Theo ông Hiếu, tính liên tục trong hoạt động sản xuất - kinh doanh vô cùng quan trọng, có ý nghĩa sống còn không chỉ với doanh nghiệp, mà cả chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nền kinh tế.

“Vấn đề nổi cộm hiện nay là thủ tục hành chính vẫn còn nhiêu khê, cho dù đã giản lược khá đáng kể so với giai đoạn trước. Thực tế cho thấy, nhà đầu tư phải đi nhiều bước hơn, đến gặp nhiều cơ quan hơn. Nếu chúng ta nhìn theo từng sắc luật riêng thì có vẻ rất hợp lý, tiếp cận có vẻ rất toàn diện, nhưng thử để các sắc luật song song với nhau thì sẽ thấy phát sinh nhiều vấn đề, chẳng hạn cùng một cơ quan, nhưng để thực hiện 3 đạo luật, nhà đầu tư phải đến làm việc 3 lần, hay cùng một vấn đề, nhà đầu tư vừa phải xin ý kiến cơ quan này, vừa phải xin ý kiến ở cả cơ quan khác… Vì vậy, cần có sự hài hòa giữa các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng để đơn giản hóa, rút ngắn thời gian hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho doanh nghiệp, nhà đầu tư”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Tin bài liên quan