Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Thu hẹp phạm vi thu hồi đất cho nhà ở thương mại

0:00 / 0:00
0:00
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất đã thu hẹp phạm vi thu hồi đất cho nhà ở thương mại, bỏ quy định thiếu rành mạch về cơ chế dân sự và hành chính.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng ban soạn thảo dự án luật.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng ban soạn thảo dự án luật.

Thu hẹp phạm vi thu hồi đất cho nhà ở thương mại, bỏ quy định thiếu rành mạch về cơ chế dân sự và hành chính, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất đã có chỉnh sửa đáng chú ý.

Bỏ trường hợp thu hồi khi có 80% người có đất thu hồi đồng ý

Mở đầu phiên họp toàn thể lần thứ 9 diễn ra trong hai ngày 29 và 30/9 tại Quảng Ninh, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tiến hành thẩm tra dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (dự thảo).

Đây là dự thảo mới được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thẩm tra sơ bộ của Uỷ ban kinh tế, ý kiến của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Trưởng ban soạn thảo dự án luật cho biết, hồ sơ dự án luật đã được bổ sung phần thuyết minh, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động chính sách, đặc biệt là đã so sánh tính thống nhất với các luật khác có liên quan.

So với dự thảo được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chuyên đề ngày 22/9 vừa qua, dự thảo lần này đã có một số thay đổi.

Theo đó, quy định nhà nước thu hồi hay quy định cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại đã không còn trong các vấn đề được tách riêng để xin ý kiến.

Liên quan đến vấn đề này, khi thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Kinh tế đã tỏ rõ quan điểm là việc đưa dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại thuộc dự án thu hồi để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là không phù hợp. Nhiều ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với cơ quan thẩm tra.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, dự thảo đã quy định rõ nội hàm dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là: các dự án phát huy nguồn lực, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thực hiện chính sách về phát triển hạ tầng, đô thị, nông nghiệp, nông thôn; giải quyết các vấn đề chính sách xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản văn hóa, phân bổ công bằng, hài hòa giá trị tăng thêm từ đất, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, nhằm phát triển kinh tế của đất nước, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Đây là những quy định mang tính phổ quát, ông Hà nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Bộ trưởng cho biết, quy định điều kiện thu hồi đất đối với dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở để tạo quỹ đất đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất để Nhà nước thu được giá trị tăng thêm điều tiết lợi ích tổng thể cho toàn xã hội và người sử dụng đất; thực hiện điều tiết thị trường thông qua quan hệ cung - cầu;... Đối với dự án lấn biển phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư; dự án sử dụng đất cho hoạt động khoáng sản thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép cho hoạt động khoáng sản.

Dự án chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn phải thuộc trường hợp cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, khu dân cư bị ô nhiễm môi trường, có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của người dân; hoặc để di dời các công trình, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc trường hợp phải di dời do ô nhiễm môi trường theo quy định hoặc để bố trí tái định cư; khu dân cư bị xuống cấp nghiêm trọng về hạ tầng và không phù hợp với quy hoạch .

Không quy định trường hợp thu hồi khi có 80% người có đất thu hồi đồng ý như trong dự thảo luật trước, ông Hà cho biết.

Xin ý kiến ba vấn đề

Thay vì 5 vấn đề như ở tờ trình lần thứ nhất, tờ trình ngày 27/9 chỉ còn ba vấn đề được tách riêng để xin ý kiến, do còn có quan điểm khác nhau trong quá trình xây dựng luật.

Thứ nhất là mở rộng hạn mức nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân.

Bộ trưởng Hà cho biết, đa số ý kiến thống nhất với dự thảo luật mở rộng không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân đồng thời giao hội đồng nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường và khả năng đất đai để quy định hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình cá nhân cho phù hợp.

Có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trong luật đất đai mà giao địa phương quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Vấn đề thứ hai được xin ý kiến là mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa.

Đa số ý kiến thống nhất như dự thảo luật, không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa. Đồng thời có quy định để kiểm soát việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp của các tổ chức kinh tế hộ gia đình cá nhân sau khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc mở rộng đối tượng là tổ chức kinh tế được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa vì có tác động đến chủ trương đảm bảo đất sản xuất cho người nông dân. Đồng thời tổ chức kinh tế không phải chuyển sang hình thức thuê đất.

Vấn đề thứ ba được xin ý kiến là bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm.

Bộ trưởng Hà thông tin, đối với trường hợp trả tiền thuế đất hằng năm theo hướng cho phép chuyển nhượng thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê và bổ sung quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm quá trình thảo luận còn có ý kiến khác nhau.

Đa số ý kiến thống nhất như dự thảo luật, bổ sung quyền chuyển nhượng, thế chấp tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm để đẩy mạnh thương mại hóa quyền sử dụng đất cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm, theo tinh thần của Nghị quyết 18 - NQ/TƯ.

Có ý kiến đề nghị không quy định nội dung này vào dự thảo luật vì nếu quy định như vậy sẽ thiếu công bằng giữa các trường hợp thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hàng năm. Nhà đầu tư có thể lợi dụng chính sách để vay vốn ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ dẫn đến mất an toàn hệ thống tín dụng, lợi dụng để chuyển nhượng mà không có đầu tư.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi mới nhất gồm 16 chương 245 điều, trong đó giữ nguyên 28 điều, sửa đổi, bổ sung 184 điều, bổ sung mới 41 điều và bãi bỏ 8 điều, sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư vào tháng 10 tới.

Tin bài liên quan