Môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, người dân được hưởng lợi

Môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, người dân được hưởng lợi

Dự thảo Luật Cạnh tranh: Quan ngại đi ngược mục tiêu

(ĐTCK) Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp quan ngại một số quy định tại Dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi thực hiện, thậm chí đi ngược mục tiêu của Luật.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội cho rằng, những quy định về độc quyền nhà nước trong dự thảo luật cần được cụ thể hóa.

“Độc quyền của Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia là cần thiết, nhưng nếu không quy định rõ về vấn đề này sẽ dẫn đến bị lạm dụng, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân”, ông Tuấn nói và nêu ví dụ, một số ngành như điện, dầu khí đã kêu gọi tiến tới thị trường cạnh tranh, nhưng trong thực tế vẫn đang độc quyền.

Mặc dù theo nguyên tắc là Nhà nước quy định và điều tiết giá cả, song các doanh nghiệp này vẫn lạm dụng vị thế thống lĩnh độc quyền để quyết định giá bán, thậm chí ngăn cản các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường bằng những quy định của họ.

Vì vậy, theo ông Tuấn, dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi cần có những quy định cụ thể và đầy đủ để điều tiết được cả ở những thị trường này.

Độc quyền của Nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc gia là cần thiết, nhưng nếu không quy định rõ về vấn đề này sẽ dẫn đến bị lạm dụng, ảnh hưởng tới quyền lợi của người dân

- Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội

Ông Tuấn cũng kiến nghị Ban soạn thảo Luật cần quy định bình đẳng về việc cấm vi phạm độc quyền đối với cả khu vực nhà nước, cơ quan nhà nước cũng như với doanh nghiệp và tư nhân, không nên có bất cứ sự phân biệt nào. 

Thừa nhận việc xây dựng một đạo luật cạnh tranh hoàn chỉnh như nhiều nước đã đi trước là một vấn đề rất khó, song ông Mai Xuân Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần quy định thêm vai trò của cơ quan công quyền đối với cạnh tranh, cũng như xem xét hành vi vi phạm của cơ quan nhà nước bình đẳng với các khu vực khác trong độc quyền và cải cách thủ tục hành chính.

Theo ông Hùng, liên quan tới vấn đề độc quyền nhà nước, nếu quy định không công bằng sẽ triệt tiêu cạnh tranh và gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng kiến nghị, Điều 29 của dự thảo Luật Cạnh tranh, quy định về kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền cần xác định rõ cơ sở nào để đưa ra các chính sách cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền. Nếu không, doanh nghiệp nhà nước độc quyền sẽ tự ý nâng giá, chứ không căn cứ trên quy luật cung - cầu thị trường.

Ở góc độ khác, một số doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng bày tỏ quan ngại về quy định miễn trừ đối với thỏa thuận cạnh tranh trong dự thảo luật.

“Để được hưởng miễn trừ cạnh tranh, doanh nghiệp lại phải làm hồ sơ đề nghị được hưởng miễn trừ, tạo ra cơ chế xin - cho để cấp chứng nhận cùng nhiều thủ tục xét duyệt, dễ tạo ra kẽ hở gây khó khăn cho doanh nghiệp”, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hà Nội nhận xét.

Tương tự, nhiều ý kiến lo ngại cho rằng, các quy định về tập trung kinh tế yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hồ sơ làm thủ tục xin phép tập trung kinh tế trước khi thực hiện sẽ tạo đất sống cho cơ chế xin - cho, cấp phép.

Theo quy định tại Dự thảo Luật Cạnh tranh, các hình thức tập trung kinh tế bao gồm sáp nhập, hợp nhất, mua lại và liên doanh giữa các doanh nghiệp.

Để được phép thực hiện các hoạt động này, dự thảo Luật Cạnh tranh yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hồ sơ xin thực hiện tập trung kinh tế với 9 loại giấy tờ, cơ quan thụ lý sẽ xem xét hồ sơ trong vòng 7 ngày, đề nghị doanh nghiệp bổ sung, sửa đổi hồ sơ trong vòng 15 ngày, sau đó thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế 30 ngày.

Tổng thời gian cho các thủ tục này tương đương khoảng 2 tháng. Chưa kể, nếu có trục trặc gì, rất có thể, thời gian xem xét kéo dài tới 1 năm hoặc lâu hơn nữa.

Theo các doanh nghiệp, mua bán cổ phần, cổ phiếu trực tiếp hay gián tiếp, mua bán sáp nhập là hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Do đó, cần áp dụng cơ chế hậu kiểm, chứ không thể đặt ra cơ chế xin phép trước rồi mới được làm đối với các hoạt động kinh doanh bình thường của doanh nghiệp.

“Để xử lý hành vi vi phạm cơ quan giám sát cạnh tranh, cần theo dõi thường xuyên. Nếu vi phạm ngưỡng tập trung kinh tế thì có chế tài xử lý hành vi vi phạm, chứ không thể áp dụng theo kiểu đưa toàn bộ doanh nghiệp vào cơ chế xin – cho. Trong khi theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp hoàn toàn được quyền làm những việc pháp luật không cấm”, đại diện một doanh nghiệp kiến nghị.

Tin bài liên quan