Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) trong phiên làm việc chiều 25/10.
Trong đó, ông nhắc đến việc bổ sung Chương III đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý nhà nước đối với một số loại hình giao dịch mới xuất hiện, vượt qua sự điều chỉnh của các quy định pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành.
Cụ thể, Dự thảo Luật đã bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù như (1) giao dịch từ xa, (2) cung cấp dịch vụ liên tục, (3) bán hàng trực tiếp bao gồm các hình thức bán hàng tận cửa, bán hàng đa cấp và bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên.
Tuy nhiên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm các khái niệm về giao dịch đặc thù thật sự rõ ràng, mạch lạc, đặc biệt là các hình thức bán hàng trực tiếp.
Liên quan đến nội dung này, ông Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung hợp đồng theo mẫu đối với giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử và giải quyết tranh chấp trực tuyến đối với các giao dịch tiêu dùng giá trị nhỏ và giao dịch điện tử vì các giao dịch qua môi trường điện tử, nền tảng thương mại điện tử có đặc thù riêng.
Ý kiến khác cho rằng, một số quy định trong dự thảo Luật chỉ phù hợp với các giao dịch, kinh doanh, tiêu dùng có tính “truyền thống” mà chưa tính đến mô hình kinh doanh có yếu tố mới, công nghệ mới hoặc trong điều kiện chuyển đổi số.
“Vì vậy, cần nghiên cứu bổ sung quy định phù hợp với nền kinh tế số, môi trường kinh doanh số để bảo vệ người tiêu dùng trong các giao dịch điện tử”, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Huy cũng nhắc tới đề nghị của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc tiếp tục rà soát các nội dung liên quan, đối chiếu với các quy định trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).
Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, có ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần có những quy định cụ thể và rõ hơn, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa khi giao dịch trên môi trường không gian mạng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho các bên, xây dựng văn hóa tiêu dùng lành mạnh; bổ sung các quy định về việc giao dịch trên môi trường mạng cần áp dụng tiêu chuẩn, kỹ thuật liên quan.
Về các giao dịch đặc thù giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh (Điều 37), có ý kiến đề nghị tách hình thức bán hàng đa cấp ra khỏi bán hàng trực tiếp vì bán hàng đa cấp không phải là hình thức bán hàng trực tiếp.
Hơn nữa, cần điều chỉnh riêng hình thức bán hàng đa cấp vì đây là hình thức ngày càng phát triển, có nhiều yếu tố tiềm ẩn vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng.
Đặc biệt, báo cáo thẩm tra dành nhiều thời gian cho nội dung giải quyết tranh chấp. Dự thảo đang quy định 4 phương thức giải quyết tranh chấp, trong đó thương lượng, hòa giải là phương thức được sử dụng phổ biến nhất, chiếm 80% phương thức xử lý các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, kết quả thương lượng, hòa giải nhiều khi không được các bên nghiêm túc thực thi do giá trị pháp lý của biên bản thương lượng, hòa giải thành là không cao.
Hai phương thức Trọng tài và Tòa án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc khá dài, chi phí cao trong khi giá trị các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thường thấp.
10 năm qua, số vụ việc được giải quyết thông qua trọng tài và tòa án rất ít, đặc biệt các vụ việc do hội đại diện cho người tiêu dùng về các vụ án công cộng rất ít, chỉ có 1 đến 2 vụ.
Đây là lý do một số đại biểu Quốc hội lo ngại, các quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn chưa thực sự rõ ràng, chặt chẽ để có cơ sở áp dụng thủ tục rút gọn. Dự thảo Luật chỉ quy định điều kiện “vụ án đơn giản”, nhưng không có tiêu chí thế nào là “đơn giản”.
Bộ luật Tố tụng dân sự quy định “các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài…” nhưng dự thảo Luật không quy định về điều kiện này.
Dự thảo Luật lấy căn cứ giá trị giao dịch là dưới 100 triệu đồng, tuy nhiên, dù có thể giao dịch ở mức đó nhưng thiệt hại gây ra lớn hơn gấp nhiều lần, liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau cần phải xác minh, làm rõ thêm…
Hơn nữa, mức giá trị tranh chấp này kế thừa Luật hiện hành đã được xây dựng từ cách đây khá lâu (gần 12 năm).
Do đó, đề nghị chỉnh lý quy định tại khoản 2 Điều 70 và Điều 78 của dự thảo Luật cho phù hợp, bảo đảm khả thi; đồng thời đề nghị báo cáo rõ nguyên nhân của tình trạng không có vụ việc nào được áp dụng thủ tục rút gọn để có cơ sở đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên. |
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã bổ sung, hoàn thiện 9 nhóm nội dung chính.
Đó là, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương; Hoàn thiện quy định về bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; Bổ sung một số trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng; Hoàn thiện quy định về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung;
Bổ sung quy định về một số giao dịch đặc thù, Hoàn thiện quy định về giao dịch trên không gian mạng; Hoàn thiện quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hoàn thiện quy định về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh; Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.