Ông Trịnh Văn Quyết

Ông Trịnh Văn Quyết

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi: Tạo vị thế bình đẳng cho DN tư nhân

Ở góc nhìn là một đại diện tiêu biểu cho khu vực kinh tế tư nhân đầy năng động của Việt Nam, ông Trịnh Văn Quyết, Tổng giám đốc Cty Luật SMiC và Chủ tịch Tập đoàn FLC đã có những chia sẻ tâm huyết.

Ông Quyết cho rằng, đây là một trong những nội dung sửa đổi lớn nhất của Dự thảo Hiến pháp mới, ghi nhận những thay đổi về chất trong tư duy quản lý kinh tế của Đảng và Nhà nước.

 

Ở góc độ một DN dân doanh, theo ông nếu cách thể hiện như trong Dự thảo được Quốc hội chấp nhận thì sẽ mang lại ý nghĩa như thế nào?

 

Tôi cho rằng nếu Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi nêu trên thì đây là một dấu mốc mang tính lịch sử, đánh dấu sự chuyển biến quan trọng trong quan điểm và nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế.

 

Là một tập đoàn kinh tế tư nhân, cũng như các DN tư nhân khác, chúng tôi cảm nhận rõ những bất hợp lý về đối xử đối với các loại hình DN. Một mặt chúng ta hô hào các thành phần kinh tế là bình đẳng, mặt khác Nhà nước lại duy trì những đặc quyền và ưu đãi riêng dành cho các DNNN trong tiếp cận vốn, đất đai, cơ hội kinh doanh và các nguồn lực quan trọng khác. Cạnh tranh với các chàng “khổng lồ” lại còn được ưu đãi hơn quả thực rất khó cho các DN dân doanh phát triển.

 

Chúng tôi vẫn luôn mong chờ một sự thay đổi thực sự, một sự thay đổi không chỉ trong chính sách mà đặc biệt là trong công tác thực thi chính sách trên thực tế.

 

Việc Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi này sẽ gửi một thông điệp mới đến hàng trăm nghìn DN tư nhân, tạo ra niềm tin và kỳ vọng mới cho thành phần kinh tế năng động nhất và đưa lại hiệu quả nhất trong nền kinh tế hiện nay.

 

Vậy còn quan điểm của một luật sư, thưa ông ?

 

Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất, là văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống văn bản pháp luật của bất kỳ nước nào trên thế giới. Là một đạo luật gốc, Hiến pháp ghi nhận và tạo lập những nền tảng chính sách cho các đạo luật cụ thể. Để tạo ra sự thay đổi cơ bản trong cả hệ thống pháp luật, trước hết cần phải sửa đổi Hiến pháp. Tôi hi vọng đề xuất sửa đổi nói trên sẽ sớm được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở cho những thay đổi căn bản trong hệ thống các văn bản pháp luật kinh doanh hiện nay của VN.

Hi vọng là vậy, nhưng tôi vẫn băn khoăn rằng cho dù Hiến pháp có ghi nhận sự thay đổi lớn ở trên nhưng liệu có đảm bảo được rằng hệ thống văn bản luật, văn bản dưới luật và đặc biệt là các hành vi pháp lý của các cơ quan quản lý thể hiện được quan điểm bình đẳng thực sự giữa các thành phần kinh tế ở trên thực tế ?

 

Việc Quốc hội thông qua nội dung sửa đổi này sẽ gửi một thông điệp mới đến hàng trăm nghìn DN tư nhân, tạo ra những niềm tin và kỳ vọng mới.

Dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này còn thiếu một cơ chế “bảo hiến” thực sự mà giới luật sư và nghiên cứu luật pháp đã bàn luận rất nhiều. Cách đây hơn hai mươi năm, Đảng và Nhà nước đã nói đến chủ trương xây dựng nhà nước pháp quyền, trong đó đề cao tính thượng tôn pháp luật. Đến nay, Đảng và Nhà nước vẫn nhất quán theo đuổi chủ trương này và ngày càng khẳng định rõ quyết tâm hơn. Tuy vậy, trên thực tế có không ít đạo luật, văn bản dưới luật và hành vi quản lý trái với Hiến pháp nhưng vẫn có hiệu lực áp dụng như thường.

 

Từ điểm mới, tích cực này, ông nghĩ gì về cách thức sửa Hiến pháp ?

 

So với các lần sửa đổi Hiến pháp trước đây, sửa đổi lần này ghi nhận một sự cởi mở và quyết tâm chính trị mới của Đảng và Nhà nước trong việc mở rộng quyền dân chủ, tham gia ý kiến của nhân dân. Tuy vậy, theo tôi, Đảng và Nhà nước cần mạnh dạn hơn một bước nữa. Đó là tiến tới không chỉ lấy ý kiến góp ý của người dân mà còn phải lấy biểu quyết của người dân về những nội dung trong bản hiến pháp. Lý do cơ bản là hiến pháp chính là văn kiện của người dân một nước trao quyền cho nhà nước.

 

Trên thế giới, người ta có thể lấy ý kiến của người dân thông qua trưng cầu dân ý. Người dân được hỏi có chấp nhận phương án sửa đổi này không, hay họ lựa chọn phương án nào. Cách thứ hai mà các nước phát triển thường làm là thông qua đại biểu của người dân để xây dựng hiến pháp. Nếu theo cách này thì sẽ có một quốc hội hay nghị viện lập hiến. Nghị viện lập hiến bao gồm những đại diện của người dân, nói tiếng nói của họ xây dựng hay sửa đổi hiến pháp. Xong việc thì nghị viện lập hiến sẽ giải tán và các nghị viện được bầu sau đó, các cơ quan quản lý sẽ chỉ dựa vào bản hiến pháp đã được thông qua để xây dựng và ban hành các đạo luật.

 

Ở VN, nếu thực hiện theo cách thứ hai thì sẽ vướng Hiến pháp hiện tại khi quy định Quốc hội là cơ quan lập hiến và lập pháp. Nhưng tôi cho rằng cách thứ nhất vẫn khả thi. Quan trọng vẫn là quyết tâm và cách thức tổ chức trên thực tế.