Dự thảo các luật thuế sửa đổi: Nên đánh giá tác động trước khi tính thu bao nhiêu

Dự thảo các luật thuế sửa đổi: Nên đánh giá tác động trước khi tính thu bao nhiêu

(ĐTCK) “Cần đánh giá kỹ càng về tác động của việc điều chỉnh các luật thuế trước khi tính xem chúng ta sẽ thu được bao nhiêu”.

Đó là nhận xét của ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế về việc Bộ tài chính lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 5 luật thuế, gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên.

Điều chỉnh để cơ cấu lại nguồn thu

Theo ông Ánh, cách làm lần này rất phù hợp khi gộp sửa đổi 5 luật vào một luật, giúp thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, các cam kết kinh tế của các hiệp định thương mại.

Đặc biệt, khá nhiều nội dung là hướng tới điều chỉnh hành vi, cách thức hoạch định chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp, cả hành vi tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư của các các gia đình.

Cũng theo ông Ánh, tổng quy mô thuế, phí hàng năm dao động 20  - 25% GDP. Thuế, phí có tác động đến toàn xã hội, nên thu hút sự quan tâm của nhiều người. Việc lựa chọn các sắc thuế có vai trò trụ cột, then chốt trong vấn đề thuế, phí nên việc điều chỉnh như vậy sẽ giúp cơ cấu lại khoản thu ngân sách nhà nước.

Chúng ta phải có những đánh giá kỹ càng về tác động của điều chỉnh chính sách trước, sau đó mới đánh giá về tác động đến khoản thu của ngân sách nhà nước

- Chuyên gia Vũ Đình Ánh

Còn bà Lê Thị Mai Liên, Trưởng ban Chính sách tài chính công, Bộ Tài chính lại nhận xét, việc điều chỉnh là để thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất trong chính sách pháp luật, nhất là các luật mới được thông qua như Luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Luật Đầu tư, Luật Khoáng sản... Khắc phục những tồn tại, hạn chế của 5 luật đã ban hành.

Các chuyên gia nhận định, thực chất của việc tăng thuế giá trị gia tăng là đánh vào túi tiền người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là đơn vị thu hộ.

"Để đánh giá được những tác động, chúng ta phải xem xét mức độ chia sẻ của người dân với doanh nghiệp. Ngoài ra, các yếu tố vĩ mô khác như lãi suất, lạm phát cũng ảnh hưởng đến hình thành giá.  

Người có thu nhập thấp là đối tượng dễ bị tổn thương, nên khi điều chỉnh chúng ta cũng cần có những lưu ý, chính sách hỗ trợ cho họ”, bà Liên cho biết.

Đánh giá tác động là việc không thể không làm

Mặc dù đều thừa nhận và đánh giá cao dự thảo luật sửa đổi, nhưng các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý cũng bày tỏ không ít các băn khoăn. 

Theo ông Đào Huy Giám, Tổng thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF), nguyên Trưởng cơ quan đại diện Thương mại Việt Nam tại WTO, doanh nghiệp và người dân luôn kỳ vọng một hệ thống thuế hoàn chỉnh.

Về mặt kỹ thuật thì, lần sửa luật này là khá gần so với thời gian ban hành luật, nên chúng ta cũng cần phải cân nhắc để tránh phải điều chỉnh liên tục.

Dự thảo các luật thuế sửa đổi: Nên đánh giá tác động trước khi tính thu bao nhiêu ảnh 1

Về thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp và người dân có nhiều quan ngại, chúng ta cần nêu mục đích rõ ràng, phương pháp tổng thể và minh bạch để người dân và doanh nghiệp hiểu rõ.

“Tôi đề nghị nên tiếp tục giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ để tạo sự động viên. Nếu được thì để mức 12 - 15% là hợp lý”, ông Giám nhấn mạnh.

Việc đánh giá tác động của những điều chỉnh về chính sách thuế có vai trò quan trọng trong việc đưa ra những quyết sách.

Theo các chuyên gia, nên đánh giá tác động thật kỹ càng, từ câu chuyện tác động đến kinh tế xã hội về mặt tổng thể cho đến việc ảnh hưởng đến từng nhóm dân cư.

Với doanh nghiệp và nền kinh tế, việc điều chỉnh chính sách thuế sẽ tác động tới các biến sỗ vĩ mô, lạm phát, cán cân thanh toán, cán cân thương mại, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nên kinh tế. 

“Chúng ta phải có những đánh giá kỹ càng về tác động của điều chỉnh chính sách trước, sau đó mới đánh giá về tác động đến khoản thu của ngân sách nhà nước”, ông Ánh nhấn mạnh. 

Trong khi đó, ông Giám lại đưa ra một góc nhìn khác về cơ cấu nguồn thu: “Nên cân nhắc về cơ cấu nguồn thu thuế giá trị gia tăng. Hiện nay, chúng ta đang chủ yếu thu từ hàng hóa, vì có vẻ nó dễ thu, nhưng xu hướng phát triển thì nên tập trung vào nguồn thu thuế giá trị gia tăng từ dịch vụ. Điều này cũng phù hợp với việc giảm khó khăn cho người thu nhập thấp, vì những người thu nhập cao sử dụng dịch vụ nhiều hơn”.

Việc minh bạch hóa thông tin đều được nhìn nhận có vai trò quan trọng trong việc tạo dựng lòng tin của doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội.

Theo các chuyên gia, luật phải tạo được niềm tin, không chỉ trong dân mà cả với người thực thi. Việc tạo nguồn thu là cần thiết, nhưng chi đúng, chặt chẽ, có giám sát để tạo nên động lực cho xã hội là điều rất cần thiết. Bài học về sự lãng phí, thiếu minh bạch từ các dự án BOT là kinh nghiệm quý cần được xem xét.

Cũng với đề xuất để minh bạch hóa cách làm, quản lý nguồn thu, ông Ánh đề xuất: “Đợt điều chỉnh lần này là để đạt hai mục tiêu là giải quyết quy mô của từng sắc thuế và bài toán cơ cấu thu ngân sách nhà nước, nhưng việc quản lý thuế và các sắc thuế sẽ quan trọng hơn. Tôi đề nghị bổ sung nội dung liên quan đến quản lý thuế để đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả nguồn thu”.

Tin bài liên quan