Có những cổ phiếu trên UPCoM tăng giá mạnh khiến tâm lý đầu cơ trỗi dậy

Có những cổ phiếu trên UPCoM tăng giá mạnh khiến tâm lý đầu cơ trỗi dậy

Đu sóng trên UPCoM dễ mắc kẹt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá trị giao dịch trên thị trường UPCoM trong nhiều phiên đã vượt qua sàn HNX, khi không ít cổ phiếu có sóng, giá tăng mạnh, nhưng gần đây có dấu hiệu điều chỉnh.

Kể từ ngày 6/6/2024, cổ phiếu MVN của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP (Vinalines) tăng liên tục từ dưới 20.000 đồng/cổ phiếu lên trên 70.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 21/6. Trong tuần qua, cổ phiếu này có những phiên giao dịch “tàu lượn”, tăng trần, giảm sàn trong 1 phiên, với mức biến động lên tới 30%, đóng cửa phiên 28/6 tại 53.000 đồng/cổ phiếu.

Tương tự, cổ phiếu LIC của Tổng công ty Licogi - CTCP tăng từ 19.000 đồng/cổ phiếu ngày 17/6 lên 32.000 đồng/cổ phiếu ngày 21/6, đến ngày 28/6 giảm còn 24.500 đồng/cổ phiếu.

Trong cùng khoảng thời gian, cổ phiếu SJG của Tổng công ty Sông Đà - CTCP tăng từ 13.400 đồng/cổ phiếu lên 23.300 đồng/cổ phiếu, đến ngày 28/6 giảm còn 16.500 đồng/cổ phiếu; cổ phiếu TVN của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP tăng từ 7.000 đồng/cổ phiếu lên trên 9.000 đồng/cổ phiếu, sau đó cũng điều chỉnh, xuống 8.200 đồng/cổ phiếu.

Xét thời gian dài hơn, cổ phiếu VGI của Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel liên tục lập kỷ lục khi tăng từ dưới 30.000 đồng/cổ phiếu lên trên 100.000 đồng/cổ phiếu trong vòng 5 tháng.

Biên độ dao động giá trên UPCoM là 15%, nên với những cổ phiếu có sóng, giá thường tăng nhanh và mạnh, giúp nhà đầu tư gia tăng tài sản nhanh chóng. Tâm lý đầu cơ trỗi dậy khiến nhiều nhà đầu tư vốn không quan tâm tới thị trường UPCoM cũng đánh liều “thử vận may”.

Chẳng hạn, câu chuyện về những nhà đầu tư kiếm bộn tiền khi mua cổ phiếu VGI đã kích thích lượng lớn nhà đầu tư chạy theo cổ phiếu “họ” Viettel, tạo ra dòng tiền lớn đu bám ở những mã cổ phiếu này.

Phiên 28/6/2024, chỉ số UPCoM-Index đóng cửa tại 97,54 điểm, quay lại vùng đỉnh trong vòng 2 năm qua. So với đầu năm nay, vốn hóa sàn UPCoM tăng gần 70%, đạt hơn 700.000 tỷ đồng, trong khi vốn hóa sàn HOSE tăng khoảng 15% và sàn HNX tăng khoảng 5%.

Một số nhà đầu tư mua lượng lớn cổ phiếu trên UPCoM với luận điểm, khối ngoại bán ròng quá “rát” trên HOSE, giá cổ phiếu khó tăng, trong khi UPCoM có hàng mới và định giá thấp hơn, trong đó có những doanh nghiệp thuộc nhóm sản xuất chia cổ tức hấp dẫn.

Thực tế, UPCoM có những cổ phiếu tốt, nhưng biến động giá của nhiều mã có dấu hiệu vượt xa giá trị thực, nhất là một số doanh nghiệp có các chỉ số tài chính không tốt, kinh doanh èo uột như Licogi, hay Vinalines chưa hết lỗ lũy kế. Mặt khác, đa số cổ phiếu có thanh khoản khiêm tốn. Tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng thấp, lượng bán ra nhỏ giọt khiến cơ hội mua vào không cao nên giá dễ tăng dựng đứng. Ở chiều ngược lại, khi cổ phiếu điều chỉnh, thanh khoản sụt giảm, nhà giao dịch dễ bị “mắc kẹt” và đối diện nguy cơ thua lỗ. Hai năm trước, nhiều mã trên UPCoM từng được kéo dựng đứng trong thời gian ngắn, nhưng sau sóng lại quay về vạch xuất phát (cổ phiếu LIC từng lên gần 100.000 đồng/cổ phiếu, sau đó rớt về mệnh giá).

Trong năm 2023, thị trường UPCoM đón nhận thêm 44 doanh nghiệp mới, đồng thời có 36 doanh nghiệp hủy đăng ký giao dịch, tính đến cuối năm có 863 doanh nghiệp đăng ký giao dịch với tổng giá trị theo mệnh giá 439.500 tỷ đồng. Trong năm qua, có 59 doanh nghiệp phát hành bổ sung cổ phiếu, với tổng khối lượng hơn 1,4 tỷ đơn vị, tương ứng giá trị đăng ký giao dịch bổ sung 14.090 tỷ đồng. Giá trị vốn hóa toàn thị trường đạt 1,054 triệu tỷ đồng, tăng 10,1%.

UPCoM-Index đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2023 tại 87,04 điểm, tăng 21,48% so với cuối năm 2022. Chỉ số này trong năm qua có mức cao nhất là 94,72 điểm vào ngày 8/9/2023 và mức thấp nhất là 72,09 điểm ngày 13/1/2023.

Tin bài liên quan