Nhà đầu tư cá nhân đa phần có xu hướng lướt sóng cổ phiếu, mua - bán theo tin đồn, mà ít khi nghiên cứu về doanh nghiệp một cách nghiêm túc và bài bản. “Liều ăn nhiều”, hay “High risk - High return” (Rủi ro cao, lãi cao) là những cụm từ chúng ta thường nghe thấy từ những nhà đầu tư cá nhân này. Nói một cách chính xác hơn, họ là dân đầu cơ lướt sóng chứng khoán.
Có nhà đầu tư khoe, anh chuyên lướt sóng các cổ phiếu nhỏ, có thị giá thấp và là hàng yêu thích của các “đội lái”. Có cổ phiếu anh mua ở mức giá 9.000 đồng/cổ phiếu chỉ sau 2 tuần đã tăng lên 18.000 đồng/cổ phiếu, tức là lãi 100%, và không hiếm những thương vụ anh đạt được mức lợi nhuận đó.
Mọi việc có thực sự dễ dàng như vậy không, và có bao nhiêu nhà đầu tư được, mất khi bỏ tiền vào những cổ phiếu như vậy?
Những cổ phiếu penny (nhiều người vẫn hay gọi là cổ phiếu rác) có thị giá dưới 10.000 đồng/cổ phiếu, thậm chí dưới 1.000 đồng/cổ phiếu, tất nhiên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp "sinh" ra các cổ phiếu này thường rất bết bát, thậm chí lỗ từ quý này sang quý khác. Vậy nhưng, chính vì thị giá thấp mà các cổ phiếu này lại hấp dẫn rất nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, đặc biệt các nhà đầu tư cá nhân mới gia nhập thị trường. Vì mới gia nhập thị trường nên họ thường chưa có nhiều thời gian để theo dõi, nắm bắt được thông tin của nhiều doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư mới thường đầu tư với lượng tiền vừa phải và tâm lý muốn mua một lượng cổ phiếu lớn từ tài khoản khá khiêm tốn này.
Nhiều nhà đầu tư có suy nghĩ mua cổ phiếu thị giá thấp, chỉ vài nghìn đồng/cổ phiếu thì giá khó xuống, nhưng thực tế không phải như vậy, số cổ phiếu có lúc rơi xuống vùng giá thấp hơn 1.000 đồng/cổ phiếu không hề hiếm. Chẳng hạn, cổ phiếu VHG của CTCP Đầu tư cao su Quảng Nam, ngày 3/1/2019 có thị giá là 900 đồng/cổ phiếu, đến ngày 28/2/2019 chỉ còn 390 đồng/cổ phiếu, tức giảm khoảng 56,6%. Từ mức đáy đó, VHG đã có nhiều phiên tăng liên tiếp và ba phiên gần đây tăng trần lên mức giá 470 đồng/cổ phiếu, tương đương mức tăng 20,5% ( Xem hình 1).
Mức độ biến động lớn trong thời gian ngắn của các cổ phiếu này tạo sự kích thích với một lượng nhà đầu tư nhất định. Cổ phiếu VHG cũng từng có thời làm mưa làm gió trên thị trường. Trước khi đổi tên công ty từ CTCP Đầu tư và sản xuất Việt Hàn sang CTCP Cao su Quang Nam, thị giá cổ phiếu này loanh quanh ở mức 2.000 - 3.000 đồng/cổ phiếu, nhưng sau khi có thông tin đổi tên và đổi chủ đã có một siêu sóng tăng giá tới 6 lần, lên 18.000 đồng/cổ phiếu. Con sóng mạnh của cổ phiếu này trong giai đoạn từ năm 2013 - 2015 đến bây giờ vẫn để lại nhiều mất mát cho những nhà đầu tư cá nhân trót đu theo và kẹp ở giá đỉnh 17.000 - 18.000 đồng/cổ phiếu.
Đầu tư vào các cổ phiếu penny cũng có rất nhiều phong cách khác nhau, nhưng có một điểm chung là hầu hết không ai xem báo cáo tài chính hay sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Đặc điểm chung của phần nhiều doanh nghiệp này là hiệu quả kinh doanh yếu kém, thua lỗ nhiều quý liên tiếp, có nguy cơ hủy niêm yết và cũng thường đi liền với kém minh bạch thông tin. Với nhà đầu tư có kinh nghiệm, ưa mạo hiểm và đã quen thuộc với nhóm cổ phiếu này, họ sẽ xem biểu đồ phân tích kỹ thuật, nếu cổ phiếu sau thời gian giảm dài có xu hướng đi ngang tích lũy thì họ sẽ gom dần và chờ thị trường chung tốt và cổ phiếu đó đi lên một vài phiên có thanh khoản cao lên là họ chốt lời luôn.
PVX là một trong những mã cổ phiếu được giới đầu cơ lướt sóng ưa thích. Theo dõi đồ thị diễn biến giao dịch cổ phiếu PVX của Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam, có thể thấy, thị giá PVX đã đi ngang trong một thời gian dài, dao động quanh mức 900 - 1.000 đồng/cổ phiếu và chỉ thời gian ngắn giá cổ phiếu lên mức 1.800 đồng/cổ phiếu, tức tăng xấp xỉ gấp đôi. Những nhà đầu tư lâu năm và quen "đánh" cổ phiếu penny sẽ sớm chốt lời tại phiên có khối lượng tăng đột biến (14 triệu cổ phiếu/phiên), mà trước đó khối lượng giao dịch trung bình của PVX chỉ có 200.000 - 300.000 cổ phiếu/phiên.
Giá tăng 100% trong thời gian ngắn mà doanh nghiệp không hề có thông tin mới, hay chuyển động về mặt cơ bản doanh nghiệp tốt lên.Nhiều nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm thấy giá tăng mạnh lao vào mua thì không tránh khỏi những đợt điều chỉnh, dẫn đến thua lỗ hoặc nghiêm trọng hơn cổ phiếu mất thanh khoản không bán cắt lỗ được.
Nhớ lại sóng penny thời đầu năm 2010, anh H, một nhà đầu tư lâu năm chua xót cho biết, anh đã mất trắng hơn 200 tỷ đồng khi đầu tư vào cổ phiếu penny không có thanh khoản. Khi đó, một mình anh có thể đẩy 4 - 5 mã cổ phiếu tăng trần nhiều phiên liên tiếp, thậm chí đẩy giá cổ phiếu vượt cả giá trị thực đến nỗi nhiều cổ đông nội bộ còn bán ra và vô tình anh lại trở thành thành viên hội đồng quản trị nhiều công ty niêm yết một cách bất đắc dĩ. Không những dùng tiền của mình mua cổ phiếu, anh còn dùng đòn bẩy (margin) tại các công ty chứng khoán để mua cổ phiếu và sau đó thị trường không thuận lợi, đi xuống, cổ phiếu mất thanh khoản, anh gần như mất trắng tài khoản và còn phải bán 4 - 5 căn nhà mặt phố Hà Nội để trả nợ vay margin.
Nhiều nhà đầu tư mới và thiếu kinh nghiệm thường vào các diễn đàn, các room của các nhà đầu tư chứng khoán tạo ra để xem tư vấn hàng ngày, mà thực chất là vào để được “phím hàng nóng”. Và họ hoàn toàn dựa vào các thông tin trên các topic được tạo trên diễn đàn, hay thông tin do các nhà đầu tư chia sẻ trong các room chat zalo, viber hay skype... Đây thực chất là chơi cổ phiếu, chứ không phải đầu tư, khi thông tin đến với nhà đầu tư cá nhân dạng này đã qua nhiều cầu rồi và rủi ro xảy ra ở đây là cổ phiếu mua vào ngày T+1, T+2 có thể lãi nhưng đến T+3 đã lỗ vì điều chỉnh.
Các cổ phiếu được “phím” dạng này thường gọi là cổ phiếu có “lái”. Lái thường âm thầm gom nhiều phiên trước đó, sau đó đẩy trần một vài phiên để kích thích lòng tham và gây sự chú ý với thị trường, đặc biệt các nhà đầu tư mới, chưa có kinh nghiệm muốn đầu tư là phải có lãi ngay và có lãi trong thời gian ngắn. Và kết quả khi “lái” thông qua diễn đàn, room chat bung thông tin ra là lúc các đội lái muốn xả hàng. Hậu quả các nhà đầu tư nhỏ lẻ mua vào các cổ phiếu như vậy thua lỗ trong ngắn hạn, và mất niềm tin vào thị trường trong dài hạn. Nhưng vô hình trung, rất nhiều nhà đầu tư đang ủng hộ cho một bộ phận lãnh đạo doanh nghiệp lướt sóng cổ phiếu và ủng hộ cho “hàng lái” có đất diễn.
Đầu tư vào cổ phiếu penny, dễ thấy bên mất là nhà đầu tư cá nhân thiếu kinh nghiệm, đó là mất mát tiền bạc và niềm tin vào thị trường. Bên được có lẽ chỉ một bộ phận nhỏ những người thao túng giá cổ phiếu, nhưng cái lợi này là lợi bất cập hại. Vì đa số các "lái" trên thị trường tổng kết lại đều thua lỗ nặng và trước sau gì cũng bị cơ quan quản lý xử phạt, nghiêm trọng hơn có thể bị xử lý hình sự.
Để hạn chế rủi ro mất mát, các nhà đầu tư không nên tham gia vào lướt sóng các cổ phiếu không có thông tin minh bạch rõ ràng, tình hình tài chính không lành mạnh. Cơ quan quản lý cũng nên có chế tài đủ mạnh để hạn chế lãnh đạo doanh nghiệp lướt sóng cổ phiếu, các đội lái mở nhiều tài khoản thao túng giá cổ phiếu, gây thiệt hại niềm tin thị trường.