Đẩy mạnh bán nợ xấu
Với định hướng xử lý trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định, đến cuối năm nay sẽ đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% theo kế hoạch Quốc hội và Chính phủ đã đề ra. Hiện nay, NHNN đã xác định cụ thể và giao chỉ tiêu số nợ xấu phải được xử lý cho từng NHTM (bao gồm tự xử lý thu hồi nợ và bán nợ cho VAMC).
Cụ thể, đối với số nợ xấu ngân hàng tự xử lý, đến ngày 31/7, nếu ngân hàng không tự xử lý được sẽ phải bán cho VAMC, hoàn tất trong tháng 8 và tháng 9/2015. Đối với số nợ xấu phải bán cho VAMC, đến ngày 30/6, ngân hàng phải bán tối thiểu 75% số nợ xấu này và đến 31/8, phải hoàn thành bán 100% số nợ xấu cho VAMC theo chỉ tiêu được giao.
Vietcombank sẽ bán khoảng 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2015. BIDV sẽ tiếp tục bán khoảng 8.000 tỷ đồng, sau khi đã bán hơn 6.000 tỷ đồng cho VAMC trong năm 2014. Đối với Sacombank, năm 2014, Ngân hàng đã bán nợ cho VAMC với giá trị đáng kể, đổi lấy 4.349 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt của VAMC (dư nợ gốc là 4.984 tỷ đồng).
Giá trị nợ xấu đã bán cho VAMC của Sacombank cao hơn so với mức ước tính của nhà băng này trước đây là 2.871 tỷ đồng. Tuy nhiên, với kế hoạch sáp nhập thêm SouthernBank dự kiến sẽ được NHNN thông qua trong quý III và việc sáp nhập sẽ được hoàn tất trong quý IV năm nay, lượng nợ xấu từ SouthernBank buộc Sacombank sau sáp nhập phải xử lý là rất lớn.
Do tổng nợ xấu của SouthernBank hiện nay khá lớn, chiếm gần 6% tổng dư nợ, nên khối lượng nợ xấu Sacombank phải bán cho VAMC có thể cao gấp đôi, thập chí gấp 3 năm ngoái.
Năm 2014, ACB đã bán 1.043 tỷ đồng cho VAMC và nhận lại trái phiếu đặc biệt ở mức 970 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu của ACB xuống dưới 2,2% và không thuộc diện bắt buộc bán nợ cho VAMC. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ACB, để chủ động trong việc xử lý nợ, ACB vẫn đăng ký bán xấp xỉ 1.000 tỷ đồng nợ trong năm 2015 cho VAMC.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, sẽ bán 7.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. 6 tháng đầu năm 2015, DongA Bank đã từng bước rà soát các khoản nợ xấu để bán cho VAMC.
ABBank cũng cho hay, Ngân hàng đã bán vài trăm tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong 2 quý đầu năm. Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc ABBank, đến hết tháng 5/2015, tỷ lệ nợ xấu của ABBank tiếp tục được kiểm soát tốt ở mức 3% tổng dư nợ.
Theo chỉ tiêu được giao, tổng số nợ xấu Saigonbank phải bán cho VAMC trong năm 2015 là 500 tỷ đồng. Nợ xấu Saigonbank đến cuối năm 2014 ở mức dưới 5%.
Xử lý chậm, dự phòng “ăn” hết lợi nhuận
Mặc dù lượng nợ xấu được các ngân hàng bán cho VAMC đã gia tăng, song đầu ra đối với nợ xấu vẫn còn khó khăn. Theo kế hoạch, năm 2015, VAMC mua khoảng 80.000 tỷ đồng nợ xấu, nâng tổng số nợ xấu VAMC mua lên khoảng 200.000 tỷ đồng. Như vậy, hàng năm các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho trái phiếu đặc biệt khoảng 40.000 tỷ đồng.
Con số này bằng 85% lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 9 ngân hàng niêm yết trong năm 2014. Điều này cho thấy ảnh hưởng của việc trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC với ngân hàng là rất lớn.
Mặc dù lợi nhuận thu về của các ngân hàng ước 6 tháng đầu năm đã hoàn thành 50% chỉ tiêu đưa ra cho cả năm, song theo lãnh đạo các nhà băng, do lường trước khoản dự phòng nên kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho năm 2015 ở mức thận trọng.
Chẳng hạn, tại Sacombank, lãi trước thuế quý I/2015 là 812 tỷ đồng và theo một lãnh đạo nhà băng này, ước 6 tháng đầu năm hoàn thành 50% chỉ tiêu lợi nhuận 3.000 tỷ đồng của năm nay.
Thế nhưng, vì kế hoạch sáp nhập sẽ được tiến hành trong quý III và hoàn tất trong năm nay khiến dự phòng rủi ro tăng, nên Sacombank đã dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập giảm.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng); năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế). Hiện nợ xấu Sacombank chưa đến 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của ngân hàng SouthernBank là gần 6%.
Không chỉ với Sacombank, trong bối cảnh nợ xấu chưa thể xử lý nhanh, dứt điểm, dự phòng rủi ro của các ngân hàng buộc phải tăng lên, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận. Cụ thể, tại DongA Bank năm 2014, sau khi trích dự phòng trên 500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế còn lại chỉ hơn 35 tỷ đồng.
Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Banh cho hay, với kế hoạch bán 7.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm, khoản dự phòng sẽ lớn hơn (năm 2014 DongA Bank bán khoảng 3.500 tỷ đồng). Vì thế, theo ông Bình, việc kỳ vọng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2015 ở mức cao là rất khó, bởi Ngân hàng phải cân nhắc trước khoản dự phòng lớn cho trái phiếu đặc biệt nhận lại sau bán nợ.
Lợi nhuận của Ngân hàng SCB đạt được trong 6 tháng đầu năm nay đã hoàn thành 50% kế hoạch đưa ra. Tuy nhiên, do Ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và phải trích lập khoản dự phòng lớn sau khi bán nợ xấu cho VAMC nên chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm nay đã được cân nhắc ở mức phù hợp. Bởi khi đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, các ngân hàng phải thoái lãi dự thu trước đây nên sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Chẳng hạn với SCB, với khoản nợ xấu 4.000 tỷ đồng dự kiến bán cho VAMC năm nay, Ngân hàng đã phải thoái lãi dự thu lên đến 450 tỷ đồng. Điều này đã ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của SCB, nhưng Ngân hàng đành phải chấp nhập mới có thể bán được nợ xấu. Mặt khác, khi bán nợ xấu cho VAMC, hàng năm, Ngân hàng cũng phải trích lập dự phòng 20% cho trái phiếu đặc biệt nhận lại nên áp lực khá lớn.
Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn, do khâu phát mãi tài sản nhiêu khê; bất động sản có ấm lên, nhưng khó tan băng…
Theo đánh giá của TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, muốn xử lý được nợ xấu, trước hết phải “gỡ” khó cho khâu phát mãi tài sản. Đây mới là mấu chốt cho việc đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Vì thực tế hiện nay cho thấy, việc đốc thúc NHTM đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC chỉ mới gom được nợ xấu về một mối, nhưng vẫn khó tìm đầu ra cho nợ xấu.