Ngành ngân hàng tập trung đẩy mạnh tín dụng xanh
Thực tế, tín dụng xanh đã trở thành xu hướng tất yếu của ngành tài chính toàn cầu, cũng như tại Việt Nam.
Ðể tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai Chỉ thị 03/CT-NHNN năm 2015 về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng một cách hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hợp tác với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) trong việc xây dựng những công cụ đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành kinh tế có nguy cơ rủi ro cao.
Ðây sẽ là công cụ để các TCTD xác định các rủi ro môi trường và xã hội khi thẩm định đơn xin cấp tín dụng cho những dự án, phương án sản xuất - kinh doanh đối với ngành có rủi ro cao về môi trường và xã hội, cũng là những ngành mà các TCTD đang cho vay nhiều.
Bên cạnh đó, NHNN và IFC còn phối hợp tổ chức đào tạo cho các cán bộ nòng cốt về quản lý rủi ro môi trường - xã hội và thẩm định tín dụng tại các TCTD, xây dựng một đội ngũ giảng viên có kiến thức, hiểu biết về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường - xã hội.
Ðối với các TCTD, Thống đốc NHNN yêu cầu căn cứ Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã được phê duyệt và các chương trình, kế hoạch hành động của các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố chủ động triển khai xây dựng chương trình, chính sách tín dụng xanh nhằm tăng dần tỷ trọng tín dụng xanh trong cơ cấu doanh mục đầu tư tín dụng của mình;
Nghiên cứu xây dựng và triển khai các giải pháp quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng;
Triển khai tích cực công tác thông tin, truyền thông về quản lý rủi ro môi trường - xã hội và chính sách tín dụng xanh của TCTD để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của dư luận đối với mục tiêu tăng trưởng tín dụng xanh của TCTD nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.
Có thể nói, sự ra đời của Chỉ thị 03 với mục tiêu hướng tới “tín dụng xanh” để “phát triển bền vững” đã gửi một thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của ngành ngân hàng đối với vấn đề bảo vệ môi trường, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của ngành trong việc bảo vệ môi trường - một vấn đề đang được Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Cơ quan quản lý ngành ngân hàng khuyến khích các TCTD hướng tới yếu tố “xanh” trong hoạt động tín dụng. Tháng 7/2018, NHNN phê duyệt Ðề án “Phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam”, trong đó nêu rõ, đến năm 2025 sẽ có 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn “xanh”.
Theo đó, các TCTD đã chú trọng đến yếu tố “xanh” nhiều hơn trong hoạt động cấp tín dụng. Thống kê của NHNN cho thấy, hiện có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, 17 TCTD đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ. Ðáng chú ý, nhiều ngân hàng đã gắn yếu tố “xanh” vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển hạn của mình.
Dư nợ “xanh” đang dần cải thiện
Với sự chủ động trong thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, hoạt động này đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong 1 năm qua.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực “xanh” đạt trên 30%,
cao hơn các lĩnh vực ưu tiên khác.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến cuối năm 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng lĩnh vực “xanh” đạt trên 30%, cao hơn các lĩnh vực ưu tiên khác như nông nghiệp nông thôn (15,5%), doanh nghiệp vừa và nhỏ (13,5%), hay xuất khẩu (3,5%)…
Dư nợ cho vay các dự án xanh ước đạt hơn 235.717 tỷ đồng vào cuối năm 2018 và tăng lên 317.600 tỷ đồng tính đến hết tháng 6/2019 (dư nợ trung dài - hạn chiếm 76% dư nợ tín dụng xanh);
Chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực là nông nghiệp xanh (chiếm 46% tổng dư nợ tín dụng xanh), năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (15%), quản lý nước bền vững tại khu vực đô thị và nông thôn (11%), lâm nghiệp bền vững (5%)…
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động tín dụng - ngân hàng xanh còn gặp không ít khó khăn.
Ðơn cử, việc đầu tư vào các ngành, lĩnh vực xanh, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo - vốn thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao… nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và vốn vay, trong khi nguồn vốn huy động của các TCTD thường là ngắn hạn, huy động theo vốn thương mại trên thị trường nên có chi phí cao.
Bởi vậy, các TCTD cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay giữa các TCTD để có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh.
Một khó khăn khác có thể kể đến là hiện vẫn chưa có quy định, định nghĩa, tiêu chuẩn cụ thể về các danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để có thể áp dụng chung, thống nhất trên cả nước, dẫn tới thiếu cơ sở, căn cứ để các TCTD lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh.
Ðó là chưa kể, phát triển các ngành kinh tế xanh đòi hỏi đồng bộ các giải pháp, cơ chế từ chính sách thuế, phí, vốn, kỹ thuật, thị trường, đến quy hoạch, chiến lược phát triển của từng ngành, lĩnh vực, trên cơ sở đó mới có thể thu hút và phát huy được tác dụng của nguồn vốn tín dụng xanh.
Ðể thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh hướng tới phát triển bền vững, các chuyên gia tài chính cho rằng, cần huy động nguồn lực của toàn xã hội, nhất là ngành ngân hàng.
Theo đó, ngành ngân hàng có trách nhiệm hỗ trợ tích cực cho quá trình chuyển đổi kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững thông qua cơ chế huy động và cung ứng vốn cho các dự án bảo vệ môi trường, thể hiện ở 2 khía cạnh: Thứ nhất, làm cầu nối giữa các tổ chức và cá nhân, giữa bên cho vay và bên đi vay, tham gia vào quá trình đánh giá và quản lý rủi ro các dự án đầu tư, bao gồm cả những rủi ro môi trường; thứ hai, bản thân hoạt động của các ngân hàng cũng cần thân thiện hơn với môi trường thông qua việc ứng dụng công nghệ để phi chứng từ hóa các phương tiện thanh toán, áp dụng ngân hàng điện tử trực tuyến...
Về phía nhà quản lý, NHNN cho biết, sẽ tiếp tục thực thi các chính sách tín dụng nhằm thúc đẩy hoạt động của ngành ngân hàng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh;
Xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn thực hiện tín dụng xanh cho các TCTD, trong đó đưa ra các tiêu chuẩn về tín dụng xanh, danh mục các ngành, lĩnh vực xanh để áp dụng chung, thống nhất, tạo cơ sở để các TCTD lựa chọn, thẩm định, đánh giá và giám sát khi thực hiện cấp tín dụng xanh; tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội cho 11 ngành kinh tế chưa có hướng dẫn trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD.