Các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng với lãi suất ưu đãi, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh

Các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động tín dụng với lãi suất ưu đãi, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh

Dư nợ tăng mạnh ngay từ đầu năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 3,4% trong quý I/2025, cao hơn hai lần so với mức tăng trưởng cùng giai đoạn năm 2024.

Sản phẩm “may đo” cho doanh nghiệp

Thông tin từ Agribank, Ngân hàng dành hơn 210.000 tỷ đồng vốn ưu đãi cho vay khách hàng doanh nghiệp cùng nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ, áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025.

Không những thế, ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Agribank đã triển khai thêm chương trình “Mở tài khoản mới - Đón lộc kinh doanh” dành cho doanh nghiệp khi mở mới tài khoản thanh toán. Theo đó, Ngân hàng giảm tối đa 100% phí mở tài khoản số đẹp, miễn phí quản lý tài khoản, miễn phí dịch vụ ngân hàng điện tử (Agribank Corporate eBanking) gồm phí duy trì dịch vụ, phí dịch vụ chuyển tiền trong hệ thống, phí chuyển tiền theo lô, thanh toán lương, phí dịch vụ nộp ngân sách, nộp thuế điện tử, phí dịch vụ quản lý thanh khoản. Doanh nghiệp duy trì số dư trên tài khoản thanh toán còn được tặng các sản phẩm bảo hiểm: Bảo an tài khoản thanh toán, An tâm doanh nghiệp và thẻ Personal Hole in one dành cho golfer. Bên cạnh ưu đãi mở tài khoản mới, doanh nghiệp có nhu cầu vốn tín dụng sẽ được ưu đãi lãi suất vay vốn với mức giảm từ 1 - 1,8%/năm so với sàn lãi suất cho vay thông thường.

Tại OCB, Tổng giám đốc Phạm Hồng Hải cho biết, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động ngân hàng bán lẻ, đây là chiến lược xuyên suốt của OCB trong các năm qua. Đồng thời, OCB hướng đến những ngành là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng mở rộng như năng lượng, FMCG, logistic, bất động sản nhà ở và mở rộng tệp khách hàng FDI. OCB có nền tảng khách hàng doanh nghiệp mạnh, hệ sinh thái khách hàng đa dạng, đây được xem là lợi thế để Ngân hàng tăng tốc trong năm 2025.

“Song song đó, chúng tôi vẫn tiếp tục đẩy mạnh, tập trung tài trợ cho vay các lĩnh vực xanh, ít tiêu tốn năng lượng, thân thiện với môi trường, bên cạnh cho vay tệp khách hàng SME và các doanh nghiệp có quản lý là nữ giới”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, OCB cũng đang phát triển mạnh các dịch vụ tài chính bao gồm cho vay vốn lưu động, quản lý dòng tiền cho nhóm doanh nghiệp start-up đã có dòng tiền ổn định. Ngân hàng hy vọng sẽ đóng góp một phần vào sự phát triển của các start-up để có thể giúp họ trở thành các kỳ lân trong tương lai. Ngoài ra, nhờ sự tư vấn từ các tổ chức quốc tế uy tín như IFC, OCB từng bước xây dựng các quy chuẩn, đẩy mạnh cho vay tín dụng xanh thông qua các nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế.

“Để đẩy mạnh hoạt động tín dụng trong năm nay, chúng tôi sẽ tiến hành tập trung rà soát điều chỉnh các sản phẩm theo hướng ‘may đo’ phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Bên cạnh đó, phát triển hàng loạt sản phẩm mới mang tính đa dạng hóa sản phẩm đi kèm dịch vụ hóa hỗ trợ nhằm nâng cao tính cạnh tranh”, ông Hải cho biết thêm.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại VietinBank và số liệu đáng chú ý được Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Minh Bình chia sẻ là trong tháng đầu năm 2025, Ngân hàng duy trì đà tăng trưởng tích cực. Tính đến 31/1/2025, tổng dư nợ của VietinBank đạt xấp xỉ 33.000 tỷ đồng.

Kết quả thống kê từ đầu năm 2025 đến nay được ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, có 18 tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố đăng ký gói tín dụng tham gia Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2025 với tổng số tiền gần 200.000 tỷ đồng, cho vay với lãi suất ưu đãi.

Kỳ vọng chất lượng tín dụng được cải thiện

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng, tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2025.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, Thống kê, Ngân hàng Nhà nước cho biết, khoảng 74,6 - 84,2% tổ chức tín dụng tham gia khảo sát kỳ vọng, tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn trong quý I và cả năm 2025. Ngoài ra, mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng sẽ tương đối ổn định trong quý I và kỳ vọng rủi ro có xu hướng giảm dần trong năm 2025. Trong đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng tính đến cuối năm 2025 tiếp tục giảm so với mức ước tính ở thời điểm cuối năm 2024.

Cơ sở để các đơn vị kỳ vọng vào xu hướng này là yếu tố “điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được cải thiện, tác động tích cực đến tình hình kinh doanh của tổ chức tín dụng. Tiếp theo là yếu tố “cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” và “chính sách tín dụng, lãi suất và tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước”.

Các tổ chức tín dụng kỳ vọng, dư nợ tín dụng toàn hệ thống sẽ tăng 3,4% trong quý I/2025, cao hơn hai lần so với mức tăng trưởng cùng giai đoạn năm 2024. Trong đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng ngắn hạn được dự báo cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng trung và dài hạn ở hầu hết các nhóm tổ chức tín dụng trong quý I và cả năm 2025.

Mặc dù các tổ chức tín dụng khá lạc quan và nỗ lực trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, ngày đầu tiên trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vẫn đề nghị ngành ngân hàng tạo hệ sinh thái tài chính - ngân hàng tốt, tạo việc làm, sinh kế cho doanh nghiệp, người dân cùng phát triển sản xuất - kinh doanh, vì người dân, doanh nghiệp có phát triển thì ngành ngân hàng mới phát triển.

Trước đó, ngày 20/1/2025, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2025. Trong đó, cơ quan quản lý điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Dự kiến, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm nay đạt khoảng 16%.

Trong diễn biến có liên quan, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho hay, nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (không bao gồm các ngân hàng thương mại đang trong diện kiểm soát đặc biệt) tính đến cuối tháng 10/2024 ở mức 1,96% tổng dư nợ, tăng so với mức 1,69% cuối năm 2023. Tuy nhiên, nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu (không bao gồm 5 ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt) chiếm 3,28% tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 3,36% cuối năm 2023, cho thấy nợ xấu vẫn trong tầm kiểm soát.

Dự báo, áp lực trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng sau khi Thông tư 02/2023/TT- NHNN cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ hết hiệu lực, song kỳ vọng vướng mắc về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng sẽ sớm được tháo gỡ, kinh tế tăng trưởng tốt sẽ giúp chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng ngày càng cải thiện.

Tin bài liên quan