Theo BBC, vào rạng sáng thứ Năm (5/9), Chính phủ đã rút lại sự phản đối đối với dự luật trì hoãn Brexit. Điều này có nghĩa là phiên điều trần của dự luật tại Hạ viện sẽ được hoàn tất trước 17h (giờ London) ngày thứ Sáu và sau đó, Hạ viện sẽ phê chuẩn.
Vào đêm thứ Tư (4/9), Hạ viện Anh đã cho biểu quyết thông qua dự luật hoãn Brexit với 327 phiếu bầu đồng thuận, chiếm đa số so với 299 phiếu phản đối, khiến cho kế hoạch của tân Thủ tướng Boris Johnson thất bại.
Sau khi có kết quả bỏ phiếu thông qua dự luật, với mọi nỗ lực để ngăn chặn việc trì hoãn Brexit, ông Johnson ngay lập tức đã đề xuất tổng tuyển cử sớm vào này 15/10 như dự định trước đó.
Với kết quả chỉ 298 đại biểu ủng hộ, Hạ viện Anh đã bác bỏ đề nghị tổ chức bầu cử sớm của ông Johnson. Để đề nghị được chấp thuận, ông cần sự ủng hộ của 423 phiếu ủng hộ, tương đương với 2/3 đại biểu tại Hạ viện.
Dù vậy, ông Johnson vẫn cương quyết ủng hộ việc Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10 đúng thời hạn, cho dù có thỏa thuận hay không.
Ông cũng đã cảnh báo rằng bất cứ ai bỏ phiếu chống lại ông sẽ bị khai trừ khỏi đảng Bảo thủ. Và đúng như lời người đứng đầu Chính phủ Anh nói, sau khi có kết quả bỏ phiếu ở Hạ viện, người phát ngôn của Đảng Bảo thủ cho biết, 21 nghị sĩ đảng Bảo thủ bỏ phiếu chống lại ông Johnson sẽ bị khai trừ khỏi đảng này.
Ngay từ đầu, việc Anh rời khỏi EU đã được lên kế hoạch sẽ diễn ra vào ngày 29/3/2019, tức là 2 năm sau khi thông báo về việc rút khỏi EU. Tuy nhiên, các thành viên của Hạ viện Anh đã ba lần từ chối thông qua dự thảo thỏa thuận về các điều kiện của Brexit giữa Brussels và Chính phủ của Thủ tướng Theresa May. Do đó, EU đã đồng ý hoãn Brexit đến tháng 10. Đồng thời, một loạt nỗ lực không thành công để phê duyệt dự thảo thỏa thuận tại Hạ viện Anh đã dẫn đến việc từ chức sớm của cựu Thủ tướng Theresa May.
Vào cuối tháng 8, cựu Thị trưởng London, ông Boris Johnson, người thay thế bà May làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và giữ chức vụ Thủ tướng, đã đề nghị Nữ hoàng Elizabeth II đình chỉ công việc của Nghị viện đến ngày 14/10.