Theo dữ liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố ngày thứ Sáu (1/4), bảng lương phi nông nghiệp trong tháng 3 của Mỹ có thêm 215.000 việc làm và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 5% từ mức thấp nhất 8 năm là 4,9% của tháng trước. Thất nghiệp tăng lên là do nhiều người muốn tìm kiếm công việc tốt hơn, cho thấy sự tự tin của người lao động và báo hiệu thị trường lao động đang tốt hơn.
Thông tin trên đã giúp chứng khoán Mỹ đảo chiều tăng vọt sau khi mở cửa trong sắc đỏ do ảnh hưởng bởi thông tin không tích cực từ châu Á.
Dữ liệu việc làm tích cực trong khi phát biểu trước đó của bà Yellen cho biết, Fed sẽ thận trọng trong kế hoạch tăng lãi suất của mình trong năm nay, giúp giới đầu tư càng phấn chấn.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Dow Jones tăng 107,66 điểm (+0,61%), lên 17.792,75 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 13,04 điểm (+0,63%), lên 2.072,78 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 44,69 điểm (+0,92%), lên 4.914,54 điểm.
Với các phiên tăng điểm tốt nhờ thông điệp của bà Yellen và bảng lương phi nông nghiệp tích cực, chứng khoán Mỹ đã tăng trở lại sau tuần giảm trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,58%, chỉ số S&P 500 tăng 1,81% và chỉ số Nasdaq tăng 2,95%.
Trái ngược với chứng khoán Mỹ, chứng khoán châu Âu lại giảm mạnh trong phiên cuối tuần do chịu ảnh hưởng của giá dầu thô giảm mạnh. Ngoài ra, việc đồng euro tăng mạnh so với đồng USD cũng ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường chứng khoán khu vực này.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ FTSE 100 tại Anh giảm 28,85 điểm (-0,47%), xuống 6.146,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 170,87 điểm (-1,71%), xuống 9.794,64 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát giảm 62,82 điểm (-1,43%), xuống 4.322,24 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 hồi phục trở lại 0,65% sau khi giảm 1,34% trong tuần trước, trong khi chỉ số DAX tiếp tục giảm 0,58% và chỉ số CAC 40 giảm 0,17% sau khi có mức giảm lần lượt giảm 1% và 2,98% tuần trước.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản có phiên lao dốc mạnh cuối tuần và xuống mức thấp nhất hơn một tháng sau khi một khảo sát các doanh nghiệp Nhật Bản cho thấy, triển vọng kinh doanh của các nhà sản xuất lớn của nước này xuống mức thấp nhất gần 3 năm.
Chứng khoán Hồng Kông cũng giảm mạnh trong phiên cuối tuần với mức giảm mạnh nhất trong 5 tuần khi Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm đối với Trung Quốc và Hồng Kông. Trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục vẫn duy trì được sắc xanh nhạt.
Kết thúc phiên 1/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 594,51 điểm (-3,55%), xuống 16.164,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 277,78 điểm (-1,34%), xuống 20.498,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,61 điểm (+0,19%), lên 3.009,53 điểm.
Với phiên giảm mạnh cuối tuần, chốt tuần qua, chỉ số Nikkei 225 giảm tới 4,93%, trong khi chỉ số Hang Seng tăng nhẹ 0,75% và chỉ số Shanghai Composite giảm 1,01%.
Đang trên đà hồi phục, giá vàng đã lao mạnh trong phiên Mỹ sau khi dữ liệu bảng lương phi nông nghiệp tích cực được công bố. Kinh tế Mỹ khả quan giúp chứng khoán tăng mạnh và khiến vai trò trú ẩn của vàng giảm đi. Dù vậy, với phiên tăng mạnh trước đó trong phiên thứ Tư sau phát biểu của chủ tịch Fed, giá vàng đã hồi phục nhẹ trở lại trong tuần qua.
Kết thúc phiên 1/4, giá vàng giao ngay giảm 10,3 USD (-0,84%), xuống 1.221,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2016 giảm 11,7 USD (-0,95%), xuống 1.223,2 USD/ounce.
Sau tuần giảm mạnh hơn 3% trước đó, tuần qua, giá vàng đã hồi nhẹ 0,47% với giá vàng giao ngày và 0,53% với giá vàng tương lai.
Trong cuộc khảo sát trực tuyến tuần này trên Kitco, có 603 lượt nhà đầu tư tham gia. Trong đó, có 364 lượt người, chiếm 60% lạc quan về giá vàng trong tuần mới, tích cực hơn so với con số 46% của tuần trước; 112 người, chiếm 27% dự đoán giá vàng sẽ giảm và 46 người, tương đương 13% giữ quan điểm trung tính.
Trong khi đó, giới chuyên gia vẫn có cái nhìn tiêu cực về giá vàng. Cụ thể, trong cuộc khảo sát 35 chuyên gia, có 18 người trả lời, trong đó có 5 người, tương đương 28% là còn có cái nhìn lạc quan về xu hướng của giá vàng, 10 người, chiếm 56% dự đoán giá kim loại quý sẽ giảm và 3 nhà phân tích, tương đương 16% giữ quan điểm trung lập.
Giá dầu thô lao mạnh trong phiên cuối tuần sau khi Ả Rập Xê út cho biết, chỉ đóng băng sản lượng khi có sự tham gia của Iran và các nhà sản xuất lớn khác cũng tham gia.
Kết thúc phiên 1/4, giá dầu thô Mỹ giảm 1,55 USD (-4,21%), xuống 36,79 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,06 USD (+0,16%), lên 39,66 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ gần như không đổi khi chỉ tăng nhẹ 0,05%, tuần tăng thứ 6 liên tiếp, trong khi giá dầu thô Brent lại giảm 1,84%.