Theo dữ liệu vừa được Bộ Lao động Mỹ công bố, trong tháng 8, có thêm 173.000 vệc làm mới được tạo ra, ít hơn con số dự báo 220.000 của các nhà kinh tế và là mức tăng thấp nhất trong 5 tháng. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp lại giảm xuống 5,1%, thấp nhất gần 7 năm rưỡi (kể từ 4/2008) và thu nhập trung bình mỗi giờ tăng 8 cent, mức tăng lớn nhất trong 7 tháng và thời gian làm việc trung bình trong tuần cũng được mở rộng hơn. Bên cạnh đó, dữ liệu việc làm của tháng 6 và 7 được sửa đổi tăng thêm 44.000 việc làm, nâng số việc làm tạo thêm trong tháng 7 lên 245.000 việc làm và số việc làm tạo mới trung bình trong 3 tháng ở mức 221.000 việc làm, mức được xem là chắc chắn.
Những dữ liệu vừa công bố cũng không đem đến cho nhà đầu tư mạnh mối nào về khả năng tăng lãi suất của Fed, nhất là không thể dập tắt hoàn toàn về khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng này. Cùng với sự bất ổn của kinh tế toàn cầu, nhất là từ Trung Quốc, dữ liệu mới chỉ giúp khả năng tăng lãi suất của Fed trong tháng 9 giảm xuống 20%, từ mức 30% trước khi bảng lương phi nông nghiệp được công bố và một xác suất hơn 50% trước khi thị trường thế giới bắt đầu giảm mạnh cách đây 2 tuần.
Chính sự mông lung trên đã khiến giới đầu tư trên thị trường chứng khoán lại mạnh tay bán tháo trở lại trong phiên cuối tuần, đẩy các chỉ số chính của phố Wall giảm hơn 1%, qua đó nới rộng đà giảm trong tuần đầu tiên của tháng 9. Trong tuần tới, thị trường Mỹ sẽ nghỉ giao dịch trong ngày thứ Hai là ngày lễ Lao động.
Kết thúc phiên 4/9, chỉ số Dow Jones giảm 272,.85 điểm (-1,66%), xuống 16.102,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 29,91 điểm (-1,53%), xuống 1.921,22 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 49,58 điểm (-1,05%), xuống 4.683,92 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 3,25%, chỉ số S&P 500 giảm 3,40% và chỉ số Nasdaq giảm 2,99%.
Dữ liệu việc làm trái chiều của Mỹ được công bố trong ngày thứ Sáu cũng khiến chứng khoán châu Âu chịu áp lực bán tháo mạnh trong phiên cuối tuần, khiến các chỉ số chính của khu vực giảm gần 3%.
Ngoài ra, chứng khoán châu Âu cũng chịu thông tin không tích cực từ kinh tế Đức khi đặt hàng công nghiệp của đầu tàu kinh tế châu Âu giảm hơn dự kiến trong tháng 7 do nhu cầu nước ngoài thấp.
Kết thúc phiên 4/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 151,18 (-2,44%), xuống 6.042,92 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 279,8 điểm (-2,71%), xuống 10.038,04 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 130,71 điểm (-2,81%), xuống 4.523,08 điểm.
Trong tuần, chỉ số FTSE 100 giảm 3,28%, chỉ số DAX giảm 2,53% và chỉ số CAC 40 cũng giảm 3,25%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi nguồn cơn của các đợt hoảng loạn trên thị trường chứng khoán toàn cầu trong 2 tuần qua là chứng khoán Trung Quốc tiếp tục nghỉ giao dịch, nhưng không vì thế mà chứng khoán khu vực hết bất ổn. Trong phiên cuối tuần, chứng khoán Nhật Bản bị bán tháo mạnh, khiến chỉ số Nikkei 225 giảm hơn 2%, xuống mức thấp nhất 7 tháng và chứng kiến tuần giảm mạnh nhất 1 năm rưỡi. Trong khi các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ồ ạt, thì số khác lại không dám mạo hiểm, khiến thị trường giảm sâu.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông cũng giảm ngay sau khi trở lại sau 1 phiên nghĩ lể và làm rộng thêm biên độ giảm của thị trường này trong tuần.
Kết thúc phiên 4/9, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 390,23 điểm (-2,15%), xuống 17.792,16 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 94,33 điểm (-0,45%), xuống 20.840,61 điểm. Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục nghỉ giao dịch.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm tới 7,02%, chỉ số Hang Seng giảm 3,57%, chỉ số Shanghai Composite giao dịch 3 phiên cũng giảm 2,23%.
Sự bấp bênh trong khả năng Fed tăng lãi suất cũng khiến vàng tiếp tục có phiên giảm giá thứ 3 liên tiếp trong phiên cuối tuần và qua đó cũng chứng kiến tuần giảm thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 4/9, giá vàng giao ngay giảm 2,2 USD (-0,2), xuống 1.122,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,2 USD (-0,2%), xuống 1.122,3 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay và giá vàng giao tháng 12 cùng giảm 0,97%.
Theo cuộc khảo sát tuần này của Kitco, trong số 159 người tham gia khảo sát trực tuyến, có 70 người, chiếm 44% đánh giá thị trường vàng sẽ lạc quan trong tuần mới; 61 người, chiếm 38% cho rằng, giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 28 người, chiếm 18% cho rằng giá vàng sẽ đi ngang
Còn trong cuộc khảo sát các nhà phân tích, trong số 35 người được hỏi, có 17 người trả lời. Trong đó, có 8 người, chiếm 47% cho rằng giá vàng sẽ hồi phục trở lại trong tuần tới; 5 người, chiếm 29% dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm và 4 người, chiếm 24% giữ quan điểm trung lập.
Trên thị trường dầu thô, sau 2 phiên hồi phục nhẹ liên tiếp, giá dầu thô đã giảm trở lại trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 4/9, giá dầu thô Mỹ giảm 0,7 USD/thùng (-1,52%), xuống 46,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,07 USD (-2,16), xuống 49,61 USD/thùng. Trong tuần, trong khi giá dầu thô Mỹ tăng 1,84%, thì giá dầu thô Brent giảm nhẹ trở lại 0,88%.