Báo cáo việc làm của tháng 5 từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy, nền kinh tế lớn nhất thế giớ đã tạo ra 559.000 việc làm trong tháng, thấp hơn so với con số dự báo là 671.000 việc làm từ các nhà kinh tế của Dow Jones.
Các nhà đầu tư “thở phào nhẹ nhõm” sau báo cáo tháng 5 được công bố nó không quá đáng thất vọng như báo cáo tháng 4 và cũng không quá nóng đến mức khiến họ lo sợ Fed sẽ nhanh chóng thúc đẩy việc tăng lãi suất trở lại.
Tỷ lệ thất nghiệp tháng 5 cũng giảm xuống 5,8% từ mức 6,1% của tháng trước. Tỷ lệ này thấp hơn một chút so với dự báo 5,9% được đưa ra trước đó.
Tuy nhiên, các nhà phân tích đồng thời cảnh báo đại dịch tiếp tục gây tác động đến nền kinh tế dù chính phủ đã thực hiện các gói hỗ trợ lớn, chương trình tiêm chủng đã được đẩy nhanh.
Chủ tịch Fed Cleveland Loretta Mester hôm 5/6 cho biết, báo cáo việc làm của Mỹ trong tháng vừa rồi khá tích cực, song nhưng không đủ để đổi hướng chính sách tiền tệ của Fed. Theo bà Mester, dữ liệu kinh tế đã không đáp ứng được tiêu chuẩn “tiến bộ đáng kể hơn nữa” mà Fed đã đặt ra trước khi bắt đầu bình thường hóa chính sách sau khủng hoảng Covid-19.
Cũng trong ngày thứ Sáu, Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong một cuộc họp báo thảo luận về báo cáo việc làm, cho rằng nền kinh tế Mỹ đã có bước “tiến bộ lịch sử” kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 khi có khoảng 2 triệu việc làm đã được phục hồi.
Trong khi đó, Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu báo cáo, lượng đơn đặt hàng tại các nhà máy Mỹ giảm 0,6% trong tháng 4, cao hơn so với mức 0,2% được dự báo. Sự sụt giảm này đánh dấu kết thúc chuỗi 11 tháng tăng liên tiếp kể từ tháng 5 năm ngoái.
Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Dow Jones tăng 179,35 điểm (+0,52%), lên 34.756,39 điểm. Chỉ số S&P tăng 37,04 điểm (+0,88%), lên 4.229,89 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 199,98 điểm (+1,47%), lên 13.814,49 điểm.
Kết thúc tuần, Dow Jones tăng 0,66%, S&P 500 tăng 0,61%, Nasdaq Composite tăng 0,48%.
Theo chân phố Wall, chứng khoán châu Âu tăng trong phiên thứ Sáu khi dữ liệu việc làm tháng 5 yếu hơn kỳ vọng của Mỹ cho thấy khả năng thắt chặt chính sách sớm thấp hơn, trong khi sự lạc quan về sự phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro thúc đẩy thị trường đi lên.
Kết thúc phiên 4/6, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 4,69 điểm (+0,07%), lên 7.069,04 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 60,23 điểm (+0,39%), lên 15.692,90. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,74 điểm (+0,12%), lên 6.515,66 điểm.
Kết thúc tuần, FTSE 100 tăng 0,66%, DAX tăng 1,11%, CAC 40 tăng 0,49%.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản giảm điểm. Mặc dù chịu áp lực bán khá lớn, nhưng thị trường không giảm mạnh do nhận được một số hỗ trợ từ chương trình tiêm chủng tăng tốc của chính phủ trước Thế vận hội Tokyo.
Chứng khoán Trung Quốc nhích nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu tài chính, sau đề xuất giảm tem thuế của Bắc Kinh.
Chứng khoán Hồng Kông giảm theo chân nhiều thị trường châu Á khác, trong bối cảnh lo ngại về lạm phát cao hơn và Fed có thể sớm rút lại các biện pháp kích thích.
Chứng khoán Hàn Quốc cũng chịu tác động từ khi dữ liệu việc làm lạc quan của Mỹ làm dấy lên lo ngại về tình trạng lạm phát cao hơn.
Kết thúc phiên 4/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 116,59 điểm (-0,40%), xuống 28.941,52 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 7,63 điểm (+0,21%), lên 3.591,84 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 47,93 điểm (-0,17%), xuống 28.918,10 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 7,35 điểm (-0,23%), xuống 3.240,08 điểm.
Trong tuần, Nikkei 225 giảm 0,71%, Shanghai Composite giảm 0,25%, Hang Seng giảm 0,71%, KOSPI tăng 1,61%.
Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu hồi phục mạnh nhờ lực cầu bắt đáy hoạt động tích cực. Ngoài ra, dữ liệu việc làm thất vọng trong tháng 5 của Mỹ cũng đã góp phần kéo giá vàng trở lại.
Kết thúc phiên 4/6, giá vàng giao ngay tăng 21,20 USD (+1,13%), lên 1.892,00 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 18,10 USD (+1,00%), lên 1.892,00 USD/ounce. Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 0,58%.
Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 16 chuyên gia trên phố Wall, có 11 người dự báo vàng sẽ tăng giá, chỉ 2 người cho rằng giá vàng giảm và có 3 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến với 1.023 người tham gia, 54% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 29% cho rằng giá vàng giảm và 17% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu quay lại đà tăng hôm thứ Sáu với nhờ việc OPEC+ tuân thủ thoả thuận nguồn cung trong bối cảnh nhiều dấu hiệu cho thấy nhu cầu trên thị trường nhiên liệu phục hồi nhanh.
Bên cạnh đó, giá dầu kéo dài đà tăng sau khi Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 5 khiến đồng USD suy yếu.
Trong tuần, các công ty năng lượng Mỹ cũng cắt giảm số lượng giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên hoạt động lần đầu tiên sau sáu tuần, theo Baker Hughes.
Kết thúc phiên 4/6, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 0,81 USD (+1,2%), lên 69,62 USD/thùng, giá dầu thô Brent tăng 0,58 USD (+0,8%), lên 71,89 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu WTI tăng 5%, giá dầu Brent tăng 3,2%.