Ảnh AFP

Ảnh AFP

Dữ liệu thương mại của Trung Quốc giúp giới đầu tư giảm nỗi lo đại dịch

(ĐTCK) Dù số ca nhiễm mới và tử vong do đại dịch Covid-19 trên thế giới, nhất là Mỹ tiếp tục tăng, nhưng dữ liệu thương mại không quá xấu của Trung Quốc làm giới đầu tư giảm bớt nỗi lo đại dịch, giúp các thị trường chứng khoán tăng tốt trong phiên thứ Ba (14/4).

Theo dữ liệu thương mại vừa công bố của Trung Quốc, xuất khẩu tháng 3 của nước ngày chỉ giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, ít hơn mức dự báo là giảm 14%. Nhập khẩu chỉ giảm 0,9% trong kỳ, cũng ít hơn so rất nhiều so với mức dự báo giảm 9,5%.

Dữ liệu này khiến giới đầu tư kỳ vọng nền kinh tế thế giới sẽ sớm phục hồi trở lại, nên mạnh dạn đổ tiền vào thị trường chứng khoán, bất chấp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch Covid-19 vẫn chưa đến đỉnh.

Tại Mỹ, số người chết do Covid-19 trong 24h giời qua lại thiết lập mức đỉnh mới với khoảng 2.200 ca, nâng tổng số ca tử vong do đại dịch này lên 25.856 người.

Trong ngày 14/4, Mỹ cũng ghi nhận hơn 23.000 ca mắc mới, nâng tổng số người mắc Covid-19 tại nước này lên hơn 610.000 ca.

Tuy nhiên, ở New York tâm điểm dịch của Mỹ, đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Theo Thống đốc Andrew Cuomo, số bệnh nhân Covid-19 nhập viện của bang này hiện xấp xỉ 18.700 người, giảm so với con số hơn 18.800 người một ngày trước đó và đánh dấu lần giảm đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát.

Các chuyên gia y tế vẫn cảnh báo việc mở cửa nền kinh tế Mỹ vào tháng 5 là quá sớm. Thống đốc New York Andrew Cuomo thậm chí cho biết, ông sẽ “kháng lệnh” nếu Tổng thống Trump yêu cầu mở cửa kinh tế trở lại một cách vội vã.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Dow Jones tăng 558,99 điểm (+2,39%), lên 23.949,76 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 84,43 điểm (+3,06%), lên 2.846,06 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 323,32 điểm (+3,95%), lên 8.515,74 điểm.

Dữ liệu thương mại của Trung Quốc không xấu như dự đoán cũng giúp giới đầu tư châu Âu lạc quan, làm giảm nỗi lo Covid-19, qua đó giúp chứng khoán châu Âu cũng tăng trở lại trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ Phục sinh, ngoại trừ chứng khoán Anh.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 51,35 điểm (-0,88%), xuống 5.791,31 điểm. Chỉ số DAX30 tại Fankfurt (Đức) tăng 131,82 điểm (+1,25%), lên 10.696,56 điểm. Chỉ số CAC40 tại Paris (Pháp) tăng 17,07 điểm (+0,38%), lên 4.523,91 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, lực cầu bắt đáy, nhất là ở nhóm bán dẫn và bán lẻ đã giúp chứng khoán Nhật Bản tăng vọt lên mức cao nhất 1 tháng trong phiên thứ Ba. Trong khi đó, dữ liệu xuất nhập khẩu trong tháng 3 của Trung Quốc không giảm mạnh như dự đoán cũng giúp các thị trường khác bật tăng trở lại. Cụ thể, xuất khẩu tháng 3 của Trung Quốc giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước, ít hơn dự kiến. Nhập khẩu đã giảm 0,9% trong kỳ, cũng ít hơn so với dự kiến.

Kết thúc phiên 14/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 595,41 điểm (+3,13%), lên 19.638,81 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 44,24 điểm (+1,59%), lên 2.82728 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 135,07 điểm (+0,56%), lên 24.435,40 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 31,32 điểm (+1,72%), lên 1.857,08 điểm.

Nhu cầu trú ẩn gia tăng tiếp tục đẩy giá vàng lên cao trong phiên thứ Ba, dù lúc đóng cửa có hạ nhiệt đôi chút so với phiên sáng trên thị trường Mỹ.

Kết thúc phiên 14/4, giá vàng giao tăng 13,7 USD (+0,8%), lên 1.726,6 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 11,9 USD (+0,68%), lên 1.756,7 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 7,5 USD (+0,43%), lên 1.768,9 USD/ounce.

Trên thị trường dầu thô, bất chấp OPEC+ mới đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng, nhưng thỏa thuận này không bền chặt, trong khi nhu cầu lại giảm mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên giá dầu thô vẫn lao dốc mạnh trong phiên thứ Ba.

Kết thúc phiên 14/4, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 2,30 USD (-11,44%), xuống 20,11 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 2,14 USD (-7,23%), xuống 29,60 USD/thùng.

Tin bài liên quan