Dự liệu “lối thoát hiểm” cho tiến độ cổ phần hóa

(ĐTCK) Cơ quan quản lý đã dự liệu “lối thoát hiểm” để đảm bảo hoàn thành cổ phần hóa (CPH) 432 DN giai đoạn 2014 - 2015, nhưng đây chỉ là giải pháp đường cùng, mang tính kỹ thuật nhiều hơn.
 
Dự liệu “lối thoát hiểm” cho tiến độ cổ phần hóa

Kế hoạch CPH sẽ cán đích?

Thách thức hoàn thành CPH 432 DN đúng hẹn đang gia tăng, sau 7 tháng đầu năm 2014, tiến độ CPH diễn ra chậm. Thế nhưng, các đơn vị, người có chức trách đều khẳng định, kế hoạch này có thể thực hiện thành công.

Cụ thể, tại Hội nghị giao ban sơ kết về tái cơ cấu DNNN 7 tháng đầu năm của Chính phủ mới đây, theo đánh giá của Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, mục tiêu CPH 432 DNNN còn lại từ nay đến hết năm 2015 là có thể thực hiện được…

Trước đó, trao đổi với ĐTCK bên lề cuộc họp báo Chính phủ gần đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng cho rằng, với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, kế hoạch CPH xong 432 DN từ nay đến hết năm 2015 là khả thi, tuy rằng đối mặt với rất nhiều thách thức.

Nếu nhìn vào giải pháp mà cơ quan quản lý đề xuất mới đây, có thể thấy, họ đã dự liệu phương án để trong tình huống khó khăn nhất, vẫn có thể đưa kế hoạch CPH 432 DN cán đích.

Cụ thể, theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, để đảm bảo kế hoạch CPH 432 DN thành công trong bối cảnh sức cầu của TTCK còn hạn chế, Bộ Tài chính vừa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện giải pháp: với những DN có điều kiện thì thực hiện IPO theo quy định hiện hành, còn những DN chưa có điều kiện IPO ngay, thì chuyển thành công ty cổ phần với các cổ đông là tổ chức công đoàn, người lao động, hoặc các cổ đông tự nguyện khác.

Với giải pháp trên, rõ ràng cơ quan quản lý không phải không có lý để tin rằng, kế hoạch CPH sẽ hoàn thành như mục tiêu đã định. Lý do là bởi việc tìm người mua cổ phần là tổ chức công đoàn, người lao động... tại DN, nhằm đa dạng hóa sở hữu, giúp DN mang hình hài của công ty cổ phần, nằm trong tay của bộ, ngành chủ quản, ban lãnh đạo DN nhiều hơn là phụ thuộc vào diễn biến cung cầu trên thị trường.

Chỉ là “trạm trung chuyển”

Thế nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, chính cơ quan quản lý cũng không mong muốn sử dụng giải pháp “đổi tên” nói trên. Bởi cách thức CPH này có phần trái với mục tiêu quan trọng khi CPH DNNN, đã được quy định tại Nghị định 59/2011/NĐ-CP về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, CPH phải được thực hiện công khai theo nguyên tắc thị trường; khắc phục tình trạng CPH khép kín trong nội bộ DN; gắn với phát triển thị trường vốn, TTCK...

Các chuyên gia đã cảnh báo về nguy cơ liệu pháp “đổi tên” sẽ bị lạm dụng, nếu tiêu chí không rõ ràng. Điều này dễ dẫn tới CPH rơi vào hình thức “làm cho xong” hơn là tạo bước ngoặt tái cơ cấu DN.

“Giải pháp ‘đổi tên’ mà Bộ Tài chính đưa ra là tạm chấp nhận, nhưng cần tránh chung chung khi đề xuất DN có điều kiện để IPO. Điều kiện cụ thể ở đây là gì?”, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam Nguyễn Hoàng Hải đặt câu hỏi, đồng thời cảnh báo, nếu không làm rõ vấn đề này, thì dễ khiến CPH rơi vào tình trạng “3 không”: không minh bạch, không thực chất, không hiệu quả, đồng thời gây tốn kém chi phí CPH, nhưng mục tiêu cải cách DN lại không đạt được thực chất.

Trong bối cảnh sức cầu của TTCK chưa được cải thiện, lượng cổ phiếu IPO tăng đột biến, liệu pháp “đổi tên” chỉ nên được sử dụng rất hạn chế như “trạm trung chuyển”, trước khi tiến hành CPH vòng hai, để thực sự tạo ra sự “thay máu” tại DN, cả về quản trị, hiệu quả làm ăn, thậm chí là đổi chủ. Khi đó, sứ mệnh CPH DNNN mới được coi là hoàn thành. 

Năm 2014 sẽ cổ phần hóa khoảng 200 DNNN

Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, tính đến 31/7/2014, cả nước đã sắp xếp 76 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa 55 doanh nghiệp, giải thể 2 doanh nghiệp, bán 1 doanh nghiệp, sáp nhập 15 doanh nghiệp và đề nghị phá sản 3 doanh nghiệp.

Cũng theo báo cáo, về cổ phần hóa, trong 432 doanh nghiệp cổ phần hóa, đã có 348 doanh nghiệp thành lập Ban chỉ đạo, 247 doanh nghiệp đang xác định giá trị doanh nghiệp, 88 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, 55 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa (Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cổ phần hóa Tập đoàn Dệt may Việt Nam và 12 tổng công ty nhà nước).

Trong số 55 doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, có 32 doanh nghiệp đã bán đấu giá cổ phần lần đầu trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội và Hồ Chí Minh, số còn lại bán đấu giá cổ phần trực tiếp tại doanh nghiệp hoặc tại công ty chứng khoán.

Kết quả như vậy, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo, là chuyển biến mạnh so với các năm gần đây. “Tình hình này cho phép dự báo năm 2014 cổ phần hóa khoảng 200 doanh nghiệp và năm 2015 sẽ cổ phần hóa được các doanh nghiệp theo mục tiêu đề ra”, báo cáo viết.

Tin bài liên quan