Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 7, giảm so với mức tăng 3% của tháng 6. Loại bỏ chi phí thực phẩm và năng lượng, CPI trong tháng 7 đã tăng 3,2% so với cùng kỳ, hạ nhiệt so với mức 3,3% của tháng 6 và là mức tăng nhỏ nhất kể từ tháng 4/2021.
"Tôi nghĩ báo cáo này là tín hiệu bật đèn xanh cho Cục Dự trữ Liên bang vào tháng 9", Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Citigroup cho biết.
Những con số mới là xác nhận mới nhất cho thấy lạm phát thực tế đang hạ nhiệt trở lại sau khi tăng trở lại trong quý đầu năm nay, và là một diễn biến khiến Fed cảnh báo tại một thời điểm rằng lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn.
Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nói rõ vào cuối tháng trước rằng việc cắt giảm lãi suất vào tháng 9 "có thể xảy ra" miễn là dữ liệu hỗ trợ cho việc này. Ông và các nhà hoạch định chính sách khác đã nói rằng họ muốn chắc chắn rằng lạm phát thực sự đang giảm bền vững xuống mục tiêu 2%.
"Vấn đề chỉ là xem thêm dữ liệu tốt… Chúng tôi chỉ muốn xem thêm và tự tin hơn", ông Powell phát biểu tại một cuộc họp báo vào ngày 31/7.
Hiện tại, thị trường tương lai đang kỳ vọng rằng có 100% khả năng xảy ra động thái cắt giảm lãi suất vào tháng 9. Theo công cụ FedWatch của CME, tỷ lệ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản hoặc cắt giảm 25 điểm cơ bản hiện được chia thành khoảng 50/50.
"Tôi không nghĩ thực sự có cuộc tranh luận nào về việc Fed sẽ cắt giảm vào tháng 9…Điều chúng tôi thực sự đang tranh luận là liệu lãi suất cơ bản sẽ cắt giảm 25 hay 50 điểm cơ bản”, Kelsey Berro, chiến lược gia của JPMorgan Chase cho biết.
Trong khi đó, Fed sẽ có thêm hai bộ dữ liệu quan trọng để xem xét trước cuộc họp chính sách vào ngày 17/9 và 18/9.
Một là số liệu từ thước đo lạm phát ưa thích của Fed - chỉ số Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) cơ bản - được công bố vào ngày 30/8 và kế đó là báo cáo việc làm từ Cục Thống kê Lao động công bố vào ngày 6/9.
Dữ liệu việc làm có thể sẽ giúp Fed quyết định liệu lần cắt giảm lãi suất đầu tiên sẽ là nhỏ hay lớn.
Báo cáo việc làm gần đây nhất đưa ra những dấu hiệu mới cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt, làm dấy lên lo ngại rằng Fed có thể đã chờ quá lâu để bắt đầu hạ lãi suất sau khi giữ nguyên ở mức cao nhất trong 23 năm qua kể từ năm ngoái.
Vào tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên 4,3% - mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 114.000 việc làm phi nông nghiệp trong tháng 7, ít hơn so với mức 175.000 mà các nhà kinh tế dự kiến.
Một số nhà phân tích cho rằng ngân hàng trung ương nên quyết định tại cuộc họp vào tháng 7 là hạ lãi suất lần đầu tiên sau bốn năm để đón đầu nền kinh tế Mỹ đang chậm lại trước khi rơi vào suy thoái.
Những lời chỉ trích đó đã trở nên gay gắt hơn vào tuần trước trong bối cảnh thị trường chứng khoán lao dốc trong một ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2022.
Vào đầu tuần này, chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho biết rằng ông muốn thấy "thêm một chút dữ liệu" trước khi cắt giảm lãi suất.
Ông muốn đảm bảo Fed không cắt giảm lãi suất quá sớm và có nguy cơ lạm phát tăng tốc trở lại trong khi đồng thời đảm bảo thị trường việc làm không trở nên “nguội lạnh”.
“Fed nên cắt giảm lãi suất… Tôi cho rằng họ nên cắt giảm lãi suất từ nhiều tháng trước, nhưng tôi nghĩ đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy họ đã đưa lạm phát trở lại mục tiêu", Kelsey Berro, chiến lược gia của JPMorgan Chase cho biết.