Dữ liệu kinh tế tích cực, giới đầu tư mạnh tay xuống tiền

Dữ liệu kinh tế tích cực, giới đầu tư mạnh tay xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận được nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường lao động và tiến triển của gói cứu trợ kinh tế, phố Wall tiếp tục có phiên giao dịch hứng khởi vào ngày thứ Năm (4/2).

Đầu ngày thứ Năm, thị trường đón nhận báo cáo ổn định trên thị trường lao động của Bộ Lao động Mỹ.

Cụ thể, trong tuần trước, có 779.000 người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, thấp hơn con số 812.000 của tuần trước đó, trong bối cảnh các nhà chức trách bắt đầu nới lỏng các hạn chế liên quan đến đại dịch đối với các doanh nghiệp.

Báo cáo việc làm hàng tháng chặt chẽ và toàn diện hơn được công bố vào thứ Sáu cũng dự kiến ​​sẽ ghi nhận thêm 50.000 việc làm mới trong tháng 1/2021, sau khi giảm mạnh vào tháng 12.

Trong khi đó, các thành viên Dân chủ tại Thượng viện đã sẵn sàng để thực hiện bước thúc đẩy đầu tiên đối với gói cứu trợ trị giá 1.900 tỷ USD do Tổng thống Joe Biden ngay trong ngày thứ Năm với một phiên họp marathon nhằm vượt qua sự phản đối của Đảng Cộng hoà.

Mặt khác, sau khi tăng nhẹ 2% trong phiên ngày thứ Tư, cổ phiếu GameStop tiếp tục lao dốc 26,5% trong phiên đêm qua, trong khi cổ phiếu AMC Entertainment Holdings giảm 13,2%.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã triệu tập các nhà quản lý tài chính để thảo luận về những biến động "điên cuồng" gần đây trên thị trường chứng khoán liên quan đến các cổ phiếu có tỷ lệ bán khống cao.

Trong khi đó, mua sắm trực tuyến trong kỳ nghỉ lễ tăng mạnh do đại dịch đã giúp sàn thương mại điện tử eBay và nền tảng thanh toán PayPal vượt mức doanh thu kỳ vọng trong quý IV/2020.

Các công ty thuộc S&P 500 dự kiến đang trên đường kết thúc mùa báo cáo quý IV với doanh thu tăng trưởng, dù lợi nhuận ước tính giảm 10%, dữ liệu của Refinitiv vào thứ Tư cho thấy.

Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ cho biết, đơn đặt hàng của nhà máy tăng 1,1% trong tháng 12/2020, sau khi tăng 1,3% trong tháng 11, vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích kinh tế.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Dow Jones tăng 332,26 điểm (+1,08%), lên 31.055,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 41,57 điểm (+1,09%), lên 3.830,17 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 167,20 điểm (+1,23%), lên 13.777,74 điểm.

Thứ Năm, chứng khoán châu Âu nới rộng đà tăng sang phiên thứ 4 liên tiếp khi các nhà đầu tư kỳ vọng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi nhanh hơn. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng đáng thất vọng của Unilever trong năm tới lại đè nặng lên chứng khoán Anh.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 4,10 điểm (-0,06%), xuống 6.503,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 126,66 điểm (+0,91%), lên 14.060,29 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 45,49 điểm (+0,82%), lên 5.608,54 điểm.

Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên ngày thứ Năm khi các nhà đầu tư “xả hơi” sau 3 phiên tăng liên tiếp, bất chấp số liệu kinh tế lạc quan và đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có phần lắng dịu.

Kết thúc phiên 4/2, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 304,55 điểm (-1,06%), xuống 28.341,95 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 15,45 điểm (-0,44%), xuống 3.501,86 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm -193,96 điểm (-0,66%), xuống 29.113,50 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 44,13 điểm (-1,35%), xuống 3.087,55 điểm.

Giá vàng phiên đêm qua tiếp tục giảm sâu, thủng mốc kháng cự 1.800 USD/ounce trong bối cảnh trong bối cảnh USD tăng giá dữ dội, kinh tế Mỹ tốt lên và dòng tiền đổ về thị trường chứng khoán.

Kết thúc phiên 4/2, giá vàng giao ngay giảm 39,70 USD (-0,20%), xuống 1.793,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 3 giảm 43,5 USD (-2,37%), xuống 1.790,30 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên ngày thứ Năm nhờ dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, tồn kho giảm và OPEC+ giữ quyết định cắt giảm sản lượng, song đồng USD mạnh lên đã hạn chế mức tăng của dầu.

Kết thúc phiên 4/2, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) tăng 0,54 USD, (+0,96%), lên 56,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,38 USD, (+0,65%), lên 58,84 USD/thùng.

Tin bài liên quan