Dữ liệu kinh tế tích cực, giới đầu tư hồ hởi gom hàng trở lại

Dữ liệu kinh tế tích cực, giới đầu tư hồ hởi gom hàng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ khởi sắc trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (29/7), được thúc đẩy bởi mùa báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ, trong khi dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới đã phục hồi về mức trước đại dịch trong quý II.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 29/7 thông báo, nền kinh tế nước này tăng trưởng 6,5% (tỷ lệ đã chuẩn hoá theo năm) trong quý II/2021. Dù tốc độ phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới sau "cú sốc" Covid-19 vẫn chậm hơn dự đoán 8,5% của giới phân tích kinh tế, song đây vẫn là mức tăng nhanh trưởng vững chắc.

Cũng theo Bộ Thương mại Mỹ, kinh tế Mỹ suy giảm 3,4% trong năm 2020, thấp hơn 0,1% so với dự tính trước đó, tuy nhiên, đây vẫn là mức giảm GDP lớn nhất của Mỹ kể từ năm 1946.

Trước đó, ngày 27/7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ lên 7,0% vào năm 2021 và 4,9% vào năm 2022, cao hơn lần lượt 0,6 và 1,4 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 4.

Mặt khác, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm báo cáo, có 400.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào tuần trước tại Mỹ, cao gần gấp đôi mức thường thấy trước đại dịch và lớn hơn dự báo 385.000 của các nhà kinh tế Dow Jones.

Trong khi đó, một nửa các công ty thuộc S&P 500 đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II cho đến hiện tại. Theo dữ liệu của Refinitiv, gần 91% trong số đó có doanh thu và lợi nhuận vượt kỳ vọng, đồng thời lợi nhuận của các công ty S&P 500 dự kiến ​​sẽ tăng 87,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong phiên, cổ phiếu của Amazon giảm gần 1% sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh. Doanh thu của Amazon đã tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái lên 113,08 tỷ USD. Tuy nhiên, hãng dự báo doanh số bán hàng quý III sẽ thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall.

Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Dow Jones tăng 153,6 điểm (+0,44%), lên 35.084,53 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 18,51 điểm (+0,2%), lên 4.419,15 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 15,68 điểm (+0,11%), lên 14.778,26 điểm.

Chứng khoán châu Âu kéo dài đà tăng trong phiên ngày thứ Năm khi dữ liệu khảo sát mới nhất cho thấy tâm lý của doanh nghiệp và người tiêu dùng trong tháng 7 của khu vực đồng euro đang ở mức tích cực nhất kể từ năm 1985, thời điểm dữ liệu này được thu thập bởi Uỷ ban Châu Âu (EC).

Gần 41% trong số 600 công ty STOXX đã công bố báo cáo quý II cho đến nay và 67% trong số đó vượt kỳ vọng của giới phân tích, theo dữ liệu của Refinitiv IBES.

Kết thúc phiên 29/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 61,79 điểm (+0,88%), lên 7.078,42 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 70,11 điểm (+0,45%), lên 15.640,47 điểm. Chỉ số CAC 40 tại tăng 24,46 điểm (+0,37%), lên 6.633,77 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khi Nissan Motor và một số công ty bán dẫn mang đến kết quả kinh doanh đáng kinh ngạc đồng thời giới đầu tư hoan nghênh việc Fed giữ lãi suất ở mức thấp.

Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông hồi phục mạnh nhờ vào việc Bắc Kinh nỗ lực xoa dịu tâm lý của các nhà đầu tư bằng cách yêu cầu các công ty môi giới nước ngoài không "diễn giải thái quá" các quy định mới nhất nhắm vào lĩnh vực dạy học thêm, công nghệ và bất động sản.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng nhẹ trước nỗ lực xoa dịu nhà đầu tư về các chính sách thắt chặt liên quan đến cổ phiếu công nghệ của Bắc Kinh.

Kết thúc phiên 29/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 200,76 điểm (+0,73%), lên 27.782,42 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 50,13 điểm (+1,49%), lên 3.411,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 841,44 điểm (+3,30%), lên 26.315,32 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul tăng 5,79 điểm (+0,18%), lên 3.242,65 điểm.

Giá vàng tăng mạnh phiên đêm qua do đồng USD suy yếu mạnh, ảnh hưởng bởi việc Fed giữ nguyên chính sách lãi suất thấp và chương trình thu mua tài sản trị giá 120 tỷ USD hàng tháng sau kỳ họp tháng 7.

Kết thúc phiên 29/7, giá vàng giao ngay tăng 20,40 USD (+1,13%), lên 1.827,90 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 31,50 USD (+1,75%), lên 1.831,20 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục tăng vào thứ Năm do nguồn cung tại Mỹ thắt chặt hơn nữa, giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2020.

Dữ liệu từ Genscape cho thấy, hàng tồn kho tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma đạt 36,299 triệu thùng vào chiều thứ Ba (27/7), giảm 360,917 thùng so với ngày 23/7. Cushing, điểm giao hàng cho hợp đồng tương lai dầu của Mỹ, đã có bảy đợt rút kho dự trữ liên tiếp.

Dữ liệu tồn kho của Cushing được đưa ra một ngày sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo tồn kho dầu thô tại nước này giảm 4,1 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 23/7.

Kết thúc phiên 29/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,23 USD (+1,7%), lên 73,62 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,31 USD (+1,75%), lên 76,05 USD/thùng.

Tin bài liên quan