Tưởng chừng Phố Wall sẽ tiếp tục chìm trong sắc đỏ sau bài phát biểu của Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen trong cuộc họp báo ngày thứ Tư (19/3) rằng, FED sẽ kết thúc gói QE3 vào mùa Thu và tăng lãi suất 6 tháng sau đó. Tuy nhiên, thông tin này chỉ tác động đến nhà đầu tư chỉ trong phiên 19/3, sang phiên 20/3, Phố Wall đã nhanh chóng phục hồi trở lại nhờ thông tin kinh tế khả quan hỗ trợ, làm lu mờ nỗi lo QE3.
Theo thông tin vừa được công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ trong tuần giảm giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng. Trong khi một báo cáo của FED Philadelphia cho thấy, hoạt động sản xuất của khu vực Trung Đại Tây Dương (khu vực gồm Delaware, Maryland, Virginia, New York, Pennsylvania, New Jersey) hồi phục trong tháng 3, với mức tăng 9% so với mức giảm 6,3% trong tháng 2, cho thấy động lực kinh tế có thể được trên xu hướng đi lên.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Dow Jones tăng 108,88 điểm (+0,67%), lên 16.331,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 11,24 điểm (+0,60%), lên 1.872,01 điểm. Nasdaq tăng 11,68 điểm (+0,27%), lên 4.319,29 điểm.
Chứng khoán châu Âu bước vào phiên giao dịch ngày 20/3 với sắc đỏ bởi ảnh hưởng từ bài phát biểu ngày trước đó của Chủ tịch FED Jannet Yellen về tương lai gói QE3 và tăng lãi suất. Có những lúc, các chỉ số chứng khoán châu Âu giảm tới 1%, tuy nhiên sau khi dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố tích cực, niềm tin đã dần trở lại với nhà đầu tư và chứng khoán châu Âu bắt đầu quay đầu đảo chiều tăng điểm.
Trong đợt bơi người dòng này, chứng khoán Đức và Pháp tỏ ra khỏe hơn khi ngoi lên qua mốc tham chiếu, trong khi chứng khoán Anh chỉ kịp hãm bớt đà giảm.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số FTSE tại Anh giảm 30,69 điểm (-0,47%), xuống 6.542,44 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 19,07 điểm (+0,21%), lên 9.296,12 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 19,85 điểm (+0,46%), lên 4.327,91 điểm.
Chứng khoán châu Á lao dốc mạnh trong phiên thứ Năm (20/3) bởi ảnh hưởng từ bài phát biểu của Chủ tịch FED ngày trước đó. Khi FED thực hiện gói QE3, dòng tiền lớn đã tìm ra ngoài nước Mỹ để tìm kiếm cơ hội sinh lời, trong đó phần lớn chảy sang các thị trường chứng khoán châu Á, một phần ở chứng khoán châu Âu. Nay nếu QE3 bị “khai tử”, dòng tiền này sẽ bị rút khỏi các thị trường chứng khoán châu Á, vì vậy phát biểu của bà Yellen khiến chứng khoán châu Á đồng loạt lao dốc, trong đó, chứng khoán Nhật Bản giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần.
Kết thúc phiên 20/3, chỉ số Nikkei 225 trên TTCK Nhật Bản giảm 238,77 điểm (-1,65%), xuống 14.224,23 điểm. Chỉ số HangSeng tại Hồng Kông giảm 386,53 điểm (-1,79%), xuống 21.182,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 28,26 điểm (-1,40%), xuống 1.993,48 điểm.
Trên thị trường vàng, sau 2 phiên giảm mạnh, giá vàng tiếp tục lao tiếp khi bước vào phiên giao dịch ngày 20/3 và lùi nhanh về mốc 1.320 USD/ounce, mức thấp nhất trong hơn 3 tháng. Tuy nhiên, khi xuống mức hỗ trợ này, lực mua bắt đáy đã được kích hoạt, đẩy giá kim loại quý này phục hồi trở lại lên trên mức 1.330 USD/ounce trước khi hạ nhiệt trở lại do ảnh hưởng từ thông tin kinh tế Mỹ tích cực, nâng bước đồng USD. Dù tiếp tục có phiên giảm thứ 3 liên tiếp, nhưng đà giảm đã được hãm đi rất nhiều.
Kết thúc phiên 20/3, giá vàng giao ngay trên thị trường New York giảm 2,1 USD (-0,16%), xuống 1.328,50 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 4 giảm 10,8 USD (-0,81%), xuống 1.330,5 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục trái chiều, nhưng vị thế đã được đổi ngược cho nhau. Sau khi tăng mạnh và vượt qua mốc 100 USD/ounce, giá dầu thô tại thị trường Mỹ đã giảm mạnh trở lại do lực chốt lời, bất chấp dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan, trong khi đó, giá dầu Brent lại phục hồi trở lại.
Kết thúc phiên 20/3, giá dầu thô Mỹ giảm 0,94 USD (-0,95%), xuống 99,43 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,60 (+0,56%), lên 106,45 USD/thùng.