Theo dữ liệu vừa công bố của Viện quản lý nguồn cung Mỹ (ISM), chỉ số đơn đặt hàng mới của các nhà máy đã giảm xuống mức 48,6 trong tháng 11, từ mức 50,2 trong tháng 10, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009 do ảnh hưởng của đồng USD mạnh và các nhà máy năng lượng cắt giảm chi tiêu.
Chỉ số này dưới 50 cho thấy sản xuất đang co lại, nhưng vẫn ở mức trên 43,1, mức cảnh báo về một sự suy thoái.
Trong khi đó, theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ cũng được công bố trong ngày cho thấy, chi tiêu trong xây dựng trong tháng 10 tăng 1%, lên 1.110 tỷ USD theo mùa, mức cao nhất kể từ tháng 12/2007, sau khi tăng 0,6% trong tháng 9. Điều này sẽ bù đắp cho sản xuất công nghiệp để kéo GDP quý IV của Mỹ có đà tăng tốt.
Chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ chiếm 12% trong đóng góp GDP của Mỹ, do đó, một sự yếu kém trong lĩnh vực này không thể ảnh hưởng nhiều đến quyết định tăng lãi suất của Fed.
Bên cạnh đó, một dữ liệu tích cực khác cũng được công bố. Theo đó, doanh số bán ô tô tháng 11 tiếp tục tăng mạnh với mức tăng 18,19 triệu đơn vị so với năm ngoái, từ mức cao 18,24 triệu xe của tháng 10. Các con số này báo hiệu các hãng xe sẽ có doanh thu kỷ lục trong năm nay.
Với các thông tin khả quan về kinh tế được đưa ra, phố Wall đã có phiên hồi phục ấn tượng trong ngày giao dịch đầu tiên của tháng 12.
Kết thúc phiên 1/12, chỉ số Dow Jones tăng 168,43 điểm (+0,95%), lên 17.888,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 22,22 điểm (+1,07%), lên 2.102,63 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 47,64 điểm (+0,93%), lên 5.156,31 điểm.
Trái ngược với phố Wall, chứng khoán châu Á và chứng khoán Anh, chứng khoán khu vực đồng euro lại đảo chiều giảm điểm trong phiên thứ Ba. Chứng khoán giảm điểm do ảnh hưởng từ thông tin công ty sản xuất công nghiệp lớn nhất thế giới về doanh số Linde cắt giảm mục tiêu lợi nhuận năm 2017.
Thông tin trên khiến cổ phiếu Linde giảm tới 14,3%, ảnh hưởng tiêu cực tới nhóm cổ phiếu liên quan và lan tỏa ra thị trường.
Trong khi đó, chứng khoán Anh hồi phục trở lại nhờ dòng cổ phiếu ngân hàng khi Ngân hàng Trung ương Anh công bố kết quả cuộc kiểm tra cho thấy, điều kiện tín dụng trong nước đã cơ bản phục hồi kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính.
Kết thúc phiên 1/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,56 điểm (+0,62%), lên 6.395,65 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 120,99 điểm (-1,06%), xuống 11.261,24 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 43,07 điểm (-0,87%), xuống 4.914,53 điểm.
Chứng khoán châu Á cũng chủ yếu đóng cửa trong sắc xanh trong phiên đầu tiên của tháng 12. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản vượt qua được thông tin dữ liệu nhà máy không khả quan của Trung Quốc để có phiên hồi phục mạnh và lần đầu tiên trong 3 tháng trở lại đây vượt qua mốc 20.000 điểm. Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh trở lại nhờ đồng yên yếu hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu của nước này. Ngoài ra, tâm lý các nhà đầu tư cũng ảnh hưởng tích cực từ việc thị trường chứng khoán tương lai của Mỹ tăng điểm.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông đã có phiên tăng điểm mạnh nhất gần 3 tuần khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc được thêm vào rổ tiền tệ chung của IMF. Bởi nhà đầu tư cho rằng, điều này sẽ giúp kích thích dòng tiền từ nhà đầu tư nước ngoài chảy vào các cổ phiếu Trung Quốc. Chứng khoán Trung Quốc cũng tiếp tục có phiên tăng điểm nhờ thông tin này, nhưng đà tăng khiêm tốn hơn rất nhiều do ảnh hưởng tiêu cực từ dữ liệu sản xuất nhà máy kém khả quan vừa công bố.
Kết thúc phiên 1/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 264,93 điểm (+1,34%), lên 20.012,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 384,93 điểm (+1,75%), lên 22.381,35 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tăng 10,9 điểm (+0,32%), lên 3.456,31 điểm.
Trên thị trường vàng, giá vàng có phiên tăng thứ 2 liên tiếp theo đà hồi phục kỹ thuật sau khi giảm xuống mức thấp nhất gần 6 năm cuối tuần trước. Ngoài ra, giá vàng duy trì được đà tăng trong phiên thứ Ba là do đồng USD đã hạ nhiệt từ mức cao nhất 8 tháng rưỡi. Chỉ số USD cũng đã rời khỏi ngưỡng 100 sau khi chinh phục ngưỡng này cuối tuần trước và tưởng chừng sẽ leo lên mức đỉnh hồi giữa tháng 3 trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, rất tiếc là giá vàng đã không giữ được mức kháng cự 1.070 USD/ounce khi chốt phiên, dù trước đó trong phiên châu Á đã vượt qua được ngưỡng cản này.
Kết thúc phiên 1/12, giá vàng giao ngay tămg 4,3 USD (+0,4%), lên 1.068,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2 USD (-0,19%), xuống 1.063,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 giảm 1,8 USD (-0,17%), xuống 1.063,5 USD/ounce.
Trong khi giá vàng tiếp tục tăng, thì giá dầu thô lại trái chiều trong phiên thứ Ba. Trong đó, giá dầu thô Mỹ hồi phục nhẹ trở lại, còn giá dầu thô Brent vẫn giảm nhẹ khi giới đầu tư đang hướng tới cuộc họp của OPEC vào cuối tuần này.
Tuy nhiên, đà hồi phục của giá dầu thô Mỹ không chắc chắn khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh trong tuần trước tới 1,6 triệu thùng, lên 489,9 triệu thùng so với mức dự báo tăng 471.000 thùng của giới phân tích.
Kết thúc phiên 1/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,2 USD/thùng (+0,48%), lên 41,85 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,17 USD (-0,38%), xuống 44,44 USD/thùng.