Theo dữ liệu của Viện Quản lý cung ứng (ISM), chỉ số ISM lĩnh vực phi sản xuất tháng 3 giảm 3,6 điểm phần trăm xuống 56,1, mức thấp nhất kể từ tháng 8 năm 2017. Chỉ số trên 50 cho thấy sự mở rộng trong lĩnh vực chiếm hơn hai phần ba hoạt động kinh tế của Hoa Kỳ này. Chỉ số ISM trong lĩnh vực sản xuất được công bố trước đó cũng giảm 7,3 điểm.
Còn theo báo cáo việc làm lĩnh vực tư nhân (ADP), trong tháng 3, các nhà tuyển dụng tư nhân đã thêm 129.000 việc làm, ít nhất kể từ tháng 9 năm 2017, sau khi tạo ra 197.000 vị trí vào tháng Hai và thấp hơn mức dự báo 170.000 việc làm của giới phân tích.
Các nhà kinh tế dự báo, bảng lương phi nông nghiệp được công bố vào thứ Sáu này sẽ tạo thêm 180.000 việc làm, thấp hơn mức trung bình của năm ngoái là 223.000 việc làm.
Dù dữ liệu kinh tế kém khả quan, nhưng với những dữ liệu này củng cố thêm khả năng Fed sẽ không tăng lãi suất trong năm nay.
Cùng với đó, nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào tiến triển trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, giúp phố Wall đồng loạt tăng điểm trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Dow Jones tăng 39 điểm (+0,15%), lên 26.218,13 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,16 điểm (+0,21%), lên 2.873,40 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 46,86 điểm (+0,60%), lên 7.895,55 điểm.
Chứng khoán châu Âu có phiên tăng thứ tư liên tiếp nhờ kỳ vọng vào tiến triển cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, bế tắc trong tiến trình Brexit của Anh sẽ tìm được nút gỡ, cũng dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc và Eurozone tích cực.
Kết thúc phiên 3/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 27,16 điểm (+0,37%), lên 7.418,28 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 199,61 điểm (+1,70%), lên 11.954,40 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 45,45 điểm (+0,84%), lên 5.468,91 điểm.
Kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung cũng giúp chứng khoán châu Á có phiên giao dịch bùng nổ hôm thứ Tư, trong đó chứng khoán Trung Quốc lên mức cao nhất hơn 1 năm, chứng khoán Hồng Kông cũng chạm đỉnh 10 tháng.
Một thông tin tốt khác giúp chứng khoán Trung Quốc và Hông Kông tăng mạnh là dữ liệu kinh tế khả quan của Trung Quốc. Theo đó, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc trong tháng 3 đạt mức cao nhất 14 tháng nhờ nhu cầu cải thiện của cả trong và ngoài nước. Cùng với chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ khả quan được công bố ít ngày trước cho thấy, các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh bắt đầu phát huy tác dụng.
Kết thúc phiên 3/4, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 207,90 điểm (+0,97%), lên 21.713,21 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 39,47 điểm (+1,24%), lên 3.216,30 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 361,72 điểm (+1,22%), lên 29.986,39 điểm.
Đà tăng của chứng khoán khiến vàng hết động lực để đi lên, nên quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Tư.
Kết thúc phiên 3/4, giá vàng giao ngay giảm 2,6 USD (-0,20%), xuống 1.289,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 giảm 0,1 USD (-0,01%), xuống 1.289,9 USD/ounce.
Giá dầu tiếp tục tăng khi mở cửa phiên thứ Tư, có lúc dầu thô Brent lên sát ngưỡng 70 USD/thùng nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc, nhưng với dữ liệu kinh tế Mỹ, cùng với kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước bất ngờ tăng, theo công bố của EIA khiến giá dầu quay đầu giảm trở lại.
Kết thúc phiên 3/4, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 0,12 USD (-0,19%), xuống 62,46 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,06 USD (-0,09%), xuống 69,31 USD/thùng.