Phiên kết thúc tuần, chứng khoán Mỹ chấm dứt chuỗi ba phiên trượt dốc khi tâm lý thị trường được thúc đẩy bởi báo cáo về doanh số bán lẻ của Mỹ cho thấy, chi tiêu của người dân đang phục hồi nhanh hơn mong đợi trong bối cảnh nền kinh tế đang phải chống đỡ đại dịch tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ qua.
Dữ liệu do Bộ Thương mại cho biết, doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 9 tăng 1,9% , cao hơn nhiều so với mức 0,7% mà các chuyên gia kinh tế tại Phố Wall dự báo trước đó. Mức tăng doanh số bán lẻ tại Mỹ trong tháng 9/2020 cũng vượt mức tăng 0,6% của tháng 8/2020 và mức tăng 0,9% trong tháng 7/2020.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh thị trường lao động đình trệ, doanh số bán lẻ tăng vọt trong tháng 9 cho thấy sức mua của người dân là khá mạnh mẽ. Đây là động lực tích cực cho thị trường khi các nhà đầu tư đang tìm kiếm những dấu hiệu phục hồi kinh tế.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường bị cản trở phần nào bởi lo ngại từ số liệu do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) báo cáo hôm thứ Sáu rằng, sản xuất công nghiệp của Mỹ yếu hơn dự kiến, giảm 0,6% trong tháng 9. Trước đó các nhà kinh tế nhận định, chỉ số này sẽ tăng 0,5%.
Mặt khác, tâm lý thị trường cũng được hỗ trợ một phần khi hãng dược Pfizer Inc. thông báo, hãng có thể sẽ có những số liệu ban đầu sau khi kết thúc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Covid-19 vào cuối tháng 10 để làm cơ sở để đánh giá mức độ thành công.
Tuy nhiên, Pfixer vẫn cần thời gian thu thập dữ liệu và sớm nhất là đến tuần thứ 3 của tháng 11 sẽ nộp đơn lên Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để yêu cầu cấp phép sản xuất đại trà.
Trong khi đó, hơn nửa các bang ở Mỹ báo cáo mức gia tăng kỷ lục số các ca nhiễm Covid-19 mới vào hôm thứ Năm, đẩy tổng số ca mới trong một ngày của Mỹ lên trên 60.000 lần đầu tiên trong hơn hai tháng qua.
Tại Washington, các nhà lập pháp vẫn chưa thể tìm ra giải pháp giúp xoá bỏ những bế tắc trong các cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế bổ sung.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 15/10 nói với Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi rằng, trong trường hợp Nhà Trắng và phe Dân chủ đạt được thoả thuận mới, Tổng thống Donald Trump sẽ thuyết phục Lãnh đạo phe Cộng hoà chiếm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell.
Tuy nhiên, Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy tuyên bố, nếu bà Pelosi vẫn còn tham gia đàm phán thì ông không mơ tưởng gì đến việc sẽ đạt được một thoả thuận trước ngày 3/11, ngày bầu cử Tổng thống.
Kết thúc phiên 16/10, chỉ số Dow Jones tăng 112,11 điểm (+1,39%), lên 28.606,31 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,47 điểm (+0,013%), lên 3.483,81 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite xuống 42,31 điểm (-0,36%), xuống 11.671,56 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow tăng 0,07%, S&P 500 tăng 0,19% và Nasdaq Composite tăng 0,79%.
Chứng khoán châu Âu diễn biến tích cực trong phiên cuối tuần với những hy vọng về một loại vắc-xin Covid-19 có thể sẵn sàng tại Mỹ trước cuối năm nay. Bên cạnh đó, báo cáo tài chính quý III/2020 khả quan của các công ty lớn cũng cải thiện tâm lý thị trường sau một tuần tồi tệ.
Thế nhưng, tuần vừa rồi ghi nhận là tuần giảm đầu tiên sau ba tuần tăng trưởng của chứng khoán châu Âu do những lo ngại về làn sóng dịch bệnh thứ hai. London và Paris, hai thành phố giàu có nhất châu Âu, đang phải áp dụng những biện pháp hạn chế cực kỳ nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Kết thúc phiên 16/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 87,06 điểm (+1,49%), lên 5.919,58 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 205,24 điểm (1,62%), lên 12.908,99 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 98,44 điểm (+2,03%), lên 4.935,86 điểm.
Tính chung tuần qua, chỉ số FTSE 100 giảm 1,61%, chỉ số DAX giảm 1,09% và CAC40 giảm 0,22%.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên 16/10. Chứng khoán Nhật Bản và chứng khoán Hàn Quốc giảm do các nhà đầu tư lo ngại hơn về các biện pháp phong tỏa mới được áp dụng tại châu Âu trước sự gia tăng số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.
Chứng khoán Trung Quốc tăng nhẹ nhờ được thúc đẩy bởi các chính sách mới được công bố gần đây và dữ liệu kinh tế lạc quan.
Chứng khoán Hồng Kông tăng gần 1% khi tâm lý giới đầu tư tiếp tục được cải thiện nhờ các dữ liệu kinh tế lạc quan ở Đại lục trong tháng 9 vừa qua.
Kết thúc phiên 16/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 96,60 điểm (-0,41%), xuống 23.410,63 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 4,18 điểm (+0,13%), lên 3.336,36 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 228,25 điểm (+0,94%), lên 24.386,79 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 19,68 điểm (-0,83%), xuống 2.341,53 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,89%, chỉ số Shanghai Composite tăng 1,96%, chỉ số Hang Seng tăng 1,11% và chỉ số KOSPI giảm 2,11%.
Giá vàng thế giới phiên thứ Sáu quay đầu giảm trở lại do đồng USD mạnh lên và thị trường chứng khoán có tín hiệu khởi sắc, gây sức ép lên thị trường kim loại quý. Yếu tố tác động tới giá vàng mạnh nhất trong thời gian tới, nếu không có gì bất ngờ, sẽ là cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ vào đầu tháng 11.
Kết thúc phiên 16/10, giá vàng giao ngay giảm 9,90 USD (-0,52%), xuống 1.899,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2,50 giảm USD (-0,13%), xuống 1.906,4 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay giảm 1,60%, giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 2,82%.
Tuần này, trong số 16 chuyên gia trên phố Wall tham gia khải sát của Kitco, có 10 người, chiếm 63%, dự báo vàng sẽ tăng giá. Chỉ có 2 người, chiếm 13%, cho rằng giá vàng giảm và có 4 người, chiếm 25%, dự báo giá vàng sẽ đi ngang.
Đối với khảo sát trực tuyến, trong số 1.076 người tham gia, có 616 người, tương đương 57%, tin rằng giá vàng sẽ tiếp tục tăng. 225 người khác, chiếm 21%, cho rằng giá vàng sẽ giảm và 235 người còn lại, chiếm 22%, có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.
Giá dầu giảm trong phiên ngày thứ Sáu, trong bối cảnh thị trường lo ngại trước sự gia tăng đột biến các trường hợp nhiễm Covid-19 ở Mỹ và Châu Âu sẽ kéo theo nhu cầu sụt giảm ở hai trong số các khu vực tiêu thụ nhiên liệu lớn nhất thế giới này.
Kết thúc phiên 16/10, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,08 USD (-0,20%), xuống 40,88 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,23 USD (-0,54%), xuống 42,93 USD/thùng.
Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 0,7%, giá dầu Brent tăng 0,2%.