Theo mô hình tăng trưởng của Fed Atlanta, với doanh số bán xe dự kiến yếu hơn trong tháng 3 và sự tăng nhẹ của đơn đặt hàng nhà máy trong tháng 2, GDP quý I của Mỹ dự kiến chỉ tăng 0,4%.
Còn theo dữ liệu vừa được Bộ Thương mại Mỹ công bố, thâm hụt thương mại của Mỹ trong tăng 2 đã tăng 2,6%, lên 47,1 tỷ USD, mạnh hơn nhiều so với mức dự báo 46,2 tỷ USD. Nếu điều chỉnh theo lạm phát, mức thâm hụt này là 63,3 tỷ USD, từ mức 61,8 tỷ USD của tháng 1. Đây là mức thâm hụt cao nhất kể từ tháng 3/2015.
Trong một dữ liệu khác, Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) cho biết, chỉ số hoạt động ngành công nghiệp dịch vụ của Mỹ tăng 1,1 điểm lên 54,5 trong tháng 3. Điều này cho thấy, lĩnh vực dịch vụ, lĩnh vực chiếm 2/3 nền kinh tế Mỹ vẫn có sự tăng trưởng.
Những thông tin kinh tế không khả quan vừa công bố khiến chứng khoans Mỹ tiếp tục giảm với biên độ giảm mạnh hơn phiên đầu tuần.
Kết thúc phiên 5/4, chỉ số Dow Jones giảm 133,68 điểm (-0,75%), xuống 17.603,32 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 20,96 điểm (-1,01%), xuống 2.045,17 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 47,86 điểm (-0,98%), xuống 4.843,93 điểm.
Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng nhanh chóng đảo chiều sau phiên tăng đầu tuần. Trong phiên thứ Ba, ảnh hưởng từ sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu khoáng sản, ô tô, ngân hàng, chứng khoán châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất gần 6 tuần.
Theo dữ liệu vừa công bố, đơn đặt hàng công nghiệp của châu Âu giảm trong tháng 2 do nhu cầu nước ngoài yếu, cho thấy sự suy giảm của nền kinh tế này đang có dấu hiệu trở lại.
Cuộc khảo sát cho thấy, hoạt động kinh doanh của Pháp bị đình trệ, tăng trưởng của khu vực tư nhân trong lĩnh vực dịch vụ của Đức thấp nhất 8 tháng và của Ý chậm nhất trong 1 năm.
Kết thúc phiên 5/4, chỉ FTSE 100 tại Anh giảm 73,49 điểm (-1,19%), xuống 6.091,23 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 258,72 điểm (-2,63%), xuống 9.563,36 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Phát giảm 94,94 điểm (-2,18%), xuống 4.250,28 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, bất chấp dữ liệu việc làm của Mỹ khả quan và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) phát biểu trước Quốc hội Nhật về việc sẽ theo dõi để đưa ra phản ứng kịp thời hỗ trợ nền kinh tế, nhưng đồng yên vẫn tăng mạnh so với đồng USD. Trong phiên thứ Ba, đồng yên Nhật đã có phiên tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2014 so với đồng USD. Việc đồng yên tăng mạnh đã tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp xuất khẩu, cũng như cả nền kinh tế vốn có thế mạnh về xuất khẩu của Nhật Bản. Do đó, thị trường chứng khoán Nhật Bản tiếp tục có phiên giảm mạnh hôm thứ Ba, xuống mức thấp nhất 7 tuần.
Tương tự, chứng khoán Hồng Kông sau khi mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ lễ đã có phiên giảm mạnh nhất gần 6 tuần, xuống mức thấp nhất 1 tháng do ảnh hưởng từ sự lao dốc của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô giảm.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại có diễn biến trái ngược khi tăng khá mạnh trong phiên thứ Ba khi mở cửa tuần mới (thứ Hai chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc cùng kỳ lễ).
Kết thúc phiên 5/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 390,45 điểm (-2,42%), xuống 15.732,82 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 321,92 điểm (-1,57%), xuống 20.177,00 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 43,54 điểm (+1,45%), lên 3.053,07 điểm.
Trong khi các thông tin kinh tế kém khả quan kéo chứng khoán lao dốc, thì lại là “liều thuốc bổ” đối với giá vàng. Vàng là kênh đầu tư trú ẩn mỗi khi có lạm phát, kinh tế suy yếu, chiến tranh, thiên tai… Do đó, những thông tin kinh tế vừa công bố khiến nhà đầu tư thoát khỏi chứng khoán và chuyển tiền sang vàng, giúp giá kim loại quý này hồi phục mạnh trong phiên thứ Ba, vượt qua mốc 1.230 USD/ounce.
Kết thúc phiên 5/4, giá vàng giao ngay tăng 15,9 USD (+1,31%), lên 1.231,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4 tăng 10,3 USD (+0,85%), lên 1.229,6 USD/ounce.
Trong ngày thứ Ba, Thống đốc Kuwait, đại diện cho Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nawal Al-Fazaia, cho biết: “Có những dấu hiệu tích cực một thỏa thuận sẽ đạt được” trong cuộc họp của các nhà sản xuất lớn được tổ chức vào ngày 17/4 tới đây tại Qatar.
Thông tin trên đã giúp giá dầu thô đảo chiều hồi phục trở lại trong nửa cuối của phiên Mỹ và đóng cửa với mức tăng nhẹ, chấm dứt chuỗi ngày giảm liên tiếp trước đó.
Kết thúc phiên 5/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,19 USD (+0,53%), lên 35,89 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,18 USD (+0,48%), lên 37,87 USD/thùng.