Ảnh AFP

Ảnh AFP

Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc khiến giới đầu tư e ngại

(ĐTCK) Sự sụt giảm của giá dầu thô, cùng dữ liệu kinh tế kém khả quan của Trung Quốc đã kéo chứng khoán toàn cầu giảm điểm trong phiên cuối tuần qua.

Sau cuộc bầu cử giữa kỳ của Quốc hội Mỹ, giới đầu tư bây giờ tập trung trở lại với cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, dữ liệu kinh tế và khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12.

Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, dữ liệu vừa công bố cho thấy, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang tăng trưởng chậm lại.

Theo đó, chỉ số nhà sản xuất trong tháng 10 của Trung Quốc có tháng giảm thứ tư liên tiếp. Doanh số bán xe cũng giảm có tháng giảm thứ tư liên tiếp.

Kết thúc phiên 9/11, chỉ số Dow Jones giảm 201,92 điểm (-0,77%), xuống 25.989,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 25,82 điểm (-0,92%), xuống 2.781,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 123,98 điểm (-1,65%), xuống 7.406,90 điểm.

Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng phố Wall vẫn có tuần tăng mạnh thứ 2 liên tiếp khi nhà đầu tư phản ứng tích cực với kết quả bầu cử giữa kỳ của Mỹ. Cụ thể, trong tuần Dow Jones tăng 2,84%, S&P 500 tăng 2,13%, còn Nasdaq tăng 0,68%.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm trong phiên cuối tuần trước do ảnh hưởng từ đà sụt giảm của giá dầu mỏ, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng giảm theo và ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh tiêu cực của Thyssenkrupp và Richemont.

Kết thúc phiên 9/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 35,34 điểm (-0,49%), xuống 7.105,34 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 1,84 điểm (+0,02%), lên 11.529,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 24,70 điểm (-0,48%), xuống 5.106,75 điểm.

Hai phiên điều chỉnh cuối tuần đã lấy hết những gì tích lũy trước đó của chứng khoán châu Âu, khiến các chỉ số chính của thị trường này gần như không đổi trong tuần qua sau tuần tăng ấn tượng trước đó. Trong đó, FTSE 100 tăng 0,16%, DAX và CAC 40 cùng tăng 0,09%.

Ảnh hưởng từ chứng khoán Mỹ phiên trước đó, cùng lo lắng Fed sẽ tăng lãi suất trong tháng 12, chứng khoán châu Á cũng đồng loạt giảm trong phiên cuối tuần với mức giảm trên 1%, thậm chí chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm gần 2,4%, đánh mất hết những gì đã tích cóp được trong 3 phiên trước đó, còn Trung Quốc có phiên giảm thứ thứ 5 liên tiếp trong tuần khi các dữ liệu kinh tế vừa công bố cho thấy nền kinh tế thứ 2 thế giới đang chậm lại.

Kết thúc phiên 9/11, chỉ  số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 236,67 điểm (-1,05%), xuống 22.250,25 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 36,76 điểm (-1,39%), xuống 2.598,87 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 625,80 điểm (-2,39%), xuống 25.601,92 điểm.

Phiên giảm mạnh cuối tuần khiến Nikkei mất hết những gì đã tích lũy được trước đó, trong khi chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông điều chỉnh sau tuần hồi phục mạnh trước đó. Cụ thể, Nikkei 225 chỉ tăng nhẹ 0,03%, trong khi Hang Seng giảm 2,90% và Shanghai Composite giảm 3,27%.

Kết thúc phiên 9/11, giá vàng giao ngay giảm 14,1 USD (-1,15%), xuống 1.209,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 16,5 USD/ounce (-1,35%), xuống 1.208,6 USD/ounce.

Chuỗi giảm liên tiếp trong tuần qua và lã chuỗi 6 phiên giảm liên tiếp của giá vàng khiến kim loại quý này có tuần giảm mạnh và tuần giảm thứ 2 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần giá vàng giao ngay giảm 1,85% và giá vàng tương lai mất 2,11%.

Sự sụt giảm mạnh của giá vàng tuần qua, cùng các thông tin hiện tại khiến giới phân tích có cái nhìn tiêu cực về xu hướng của giá vàng trong tuần mới, còn giới đầu tư cũng thận trọng hơn.

Cụ thể, theo khảo sát, trong 20 chuyên gia trả lời cuộc khảo sát tuần này, có 4 người, chiếm 20% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, thấp hơn nhiều con số 53% trong tuần trước, trong khi đó có 12 người, chiếm 60% dự báo giá vàng giảm, cao hơn nhiều con số 13% của tuần trước và 4 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 20%.

Trong khi đó, trong 370 người tham gia cuộc khỏa sát trực tuyến, có 178 người, chiếm 48% dự báo giá vàng sẽ tăng, thấp hơn con số 57% của tuần trước; 109 lượt, chiếm 29% dự báo giá vàng sẽ giảm, cao hơn con số 28% của tuần trước và 83 lượt người, chiếm 22% dự báo giá vàng đi ngang.

Giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm thứ 10 liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 1984 do sản lượng tăng, trong khi nhu cầu đang suy giảm theo đà tăng chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Kết thúc phiên 9/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,48 USD (-0,80%), xuống 60,19 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,47 USD (-0,57%), xuống 70,18 USD/thùng.

Trong tuần, giá dầu thô Mỹ giảm 4,67% và giá dầu thô Brent giảm 3,64% sau khi mất 6,58% và 6,17% trong tuần trước đó.

Tin bài liên quan