Thúc đẩy tăng trưởng bền vững
“Năm 2015, Chính phủ dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,2%, chỉ số giá tiêu dùng 5%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 27,7% GDP...”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết khi thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2014, dự kiến kế hoạch năm 2015, tại Phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội mới đây. Cuộc họp này nhằm thẩm tra Báo cáo của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, kế hoạch năm 2015…
Để đạt mục tiêu nhiều thách thức trên, Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình phát triển và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế…
Trong đó, tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, mà trọng tâm là thúc đẩy cổ phần hóa, bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ, bao gồm cả những DN đang kinh doanh có hiệu quả theo nguyên tắc thị trường.
Việc tái cơ cấu đầu tư công, sẽ được thúc đẩy theo hướng loại bỏ những dự án chưa thực sự cấp bách, đồng thời sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển kinh tế…. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng thương mại và xử lý nợ xấu.
Gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, theo định hướng điều hành của Chính phủ, trong năm tới ngoài tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp điện tử…, còn ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như: du lịch, viễn thông…
Cần giải pháp quyết liệt
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%, trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội chỉ khoảng 27,7% GDP, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đánh giá sát tình hình, trên cơ sở đó triển khai các giải pháp quyết liệt, có tính khả thi cao.
“Mục tiêu tăng trưởng GDP khá cao là 6,2%, trong khi tổng vốn đầu tư toàn xã hội lại khá thấp, cho thấy nhiều thách thức. Trong khi hiệu quả đầu tư của nền kinh tế chưa được cải thiện rõ nét, thì câu hỏi đặt ra là với tổng vốn đầu tư toàn xã hội như kế hoạch Chính phủ đề ra, liệu GDP có đạt 6,2%...”, ông Ngô Văn Minh, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đặt câu hỏi, đồng thời đề nghị Chính phủ trong năm tới cần quyết liệt triển khai các giải pháp có tính đột phá, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, để không chỉ đạt chỉ tiêu GDP đề ra, mà còn tạo nền tảng cho một giai đoạn tăng trưởng mới về chất.
“Mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm tới là đầy thách thức, bởi khu vực có đóng góp lớn cho GDP là DN, hiện vẫn đối mặt với nhiều khó khăn. Số lượng DN giải thể, phá sản vẫn còn nhiều, trong khi kết quả kinh doanh của các DN đang hoạt động tuy có cải thiện, nhưng thiếu vững chắc…”, TS. Cao Sĩ Kiêm, Ủy viên Ủy ban kinh tế của Quốc hội nhìn nhận và phân tích thêm, nếu những điểm nghẽn về xử lý nợ xấu hiện nay không sớm được tháo gỡ, thì năm tới sẽ vẫn khó khơi thông tăng trưởng tín dụng.
Một khi tín dụng vẫn tắc nghẽn, thì tiếp tục tác động tiêu cực đến tổng cầu của nền kinh tế, vốn đang khá yếu hiện tại. Do vậy, nếu Chính phủ không triển khai các giải pháp mạnh mẽ, đột phá, thì mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm tới không dễ đạt được.
“Các biện pháp cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, hải quan…, nhằm hỗ trợ DN sản xuất - kinh doanh thuận lợi hơn, đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thường xuyên chỉ đạo. Ý chí của cấp cao đã rõ, nhưng sự quyết liệt này có được chuyển hóa thành hành động cụ thể của cấp dưới hay không đang là mối quan tâm của cộng đồng DN. Nếu không tạo được chuyển biến trong thực tế, thì sẽ khó cải thiện môi trường kinh doanh…”, ông Kiêm cảnh báo.