Cần phải có nhiều khu vui chơi, giải trí và mua sắm để níu chân và kích thích du khách tiêu tiền. Ảnh: Dũng Minh

Cần phải có nhiều khu vui chơi, giải trí và mua sắm để níu chân và kích thích du khách tiêu tiền. Ảnh: Dũng Minh

Du lịch Việt Nam chưa giỏi “giúp” khách móc hầu bao

(ĐTCK) Hạ tầng du lịch của Việt Nam đã có nhiều cải thiện trong thời gian qua, nhưng vẫn còn thiếu dịch vụ để níu chân du khách, đặc biệt không nhiều sản phẩm để du khách “móc hầu bao".

Sản phẩm độc đáo: vừa thiếu, vừa yếu

Theo khảo sát của Tổng cục Du lịch trong 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu chi tiêu bình quân của lượt khách có nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú du lịch ở Việt Nam, thì chi tiêu cho hoạt động thuê phòng lưu trú và ăn uống thường chiếm từ 56 - 60%, chi tiêu cho việc mua hàng hóa, đồ lưu niệm, tham quan, hướng dẫn, vui chơi giải trí chỉ chiếm từ 20 - 25% (phần còn lại là chi phí đi lại). Còn nếu chỉ tính chi phí tham quan kèm vui chơi giải trí, chỉ bằng 7 - 10% trong tổng chi phí.

Từ con số này có thể thấy, gần như toàn bộ chi phí bỏ ra cho một chuyến du lịch tại Việt Nam tập trung vào hoạt động đi lại, ăn uống, thuê phòng, chứ du khách rất ít, thậm chí gần như không thể chi trả nhiều hơn vào các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm. Trong khi đó, nếu so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan, thì chi phí cho hoạt động vui chơi giải trí chiếm từ 40 - 50%, thậm chí lên đến 60 - 70% trong tổng chi phí cho một chuyến du lịch.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong một vài năm trở lại đây, Việt Nam đã có sự bứt tốc đáng kể về hệ thống cơ sở lưu trú du lịch chất lượng cao. Nếu so sánh một vài dự án do các tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup, C.E.O, FLC, BIM Group…, có thể khẳng định, chất lượng lưu trú của Việt Nam đã tiệm cận, thậm chí có nhiều dự án được vinh danh vượt trội đến tầm đẳng cấp thế giới.

Tuy nhiên, phát triển hạ tầng du lịch không chỉ nằm ở bài toán về chất lượng cơ sở lưu trú, mà còn cả bài toán về các hoạt động du lịch trải nghiệm, kèm theo để tận dụng tối đa "hầu bao" của du khách sẵn tiền. Một trong những ví dụ điển hình là Phuket của Thái Lan.

Rất nhiều khách du lịch Việt Nam sẵn lòng quay lại đây, dù chất lượng phòng lưu trú của Phuket sau 10 năm có thể nói là "vẫn thế", nếu không muốn nói kém hơn so với nhiều địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, 10 năm qua, Phuket vẫn tăng trưởng đều đặn về lượng du khách, cũng như lợi nhuận thu về.

"Bài toán ở đây chính là làm cái gì để du khách tiêu được nhiều nhất mới là điều quan trọng", ông Nam nói và cho biết, tính đồng bộ của các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam chưa cao, thậm chí chưa độc đáo để có thể cuốn hút du khách ở lại lâu hơn.

 Việt Nam hiện đã có nhiều khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế. 
Ảnh: Lê Toàn

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Bất động sản, một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực du lịch cho biết, hiện trạng sản phẩm du lịch độc đáo của Việt Nam vừa thiếu, vừa yếu hiện nay một phần đến từ trách nhiệm của Tổng cục Du lịch.

Trong đó, cơ quan này đã thất bại trong việc xây dựng một kế hoạch tiếp thị nhất quán và không có sự hợp tác làm việc giữa những khu vực khác nhau của ngành du lịch, như Hiệp hội Khách sạn, điểm du lịch địa phương, công ty du thuyền, chính quyền cấp tỉnh, cả trong khu vực tư nhân và khu vực công cộng.

Cũng theo vị này, một tổ chức tiếp thị chuyên nghiệp sẽ xác định được đâu là điểm độc đáo của sản phẩm để làm nổi bật sự khác biệt giữa Việt Nam và các đối thủ như Thái Lan và Malaysia. Không đáng khi chúng ta chỉ quảng cáo địa điểm du lịch như trước nữa, mà giờ đây, chúng ta cần quảng bá sản phẩm du lịch và chỉ rõ sự hấp dẫn của câu định vị: “Việt Nam - vẻ đẹp bất tận”.

“Việt Nam- vẻ đẹp bất tận” được tạo ra với mục đích thu hút những du khách có mong muốn được trải nghiệm nét đặc trưng tiêu biểu của riêng đất nước ấy như những câu chuyện ly kỳ, thiên nhiên, di sản, lễ hội, những bãi biển hoang sơ, du lịch theo kinh nghiệm, phong cảnh tuyêt đẹp và tinh hoa của đất nước.

Với một cơ sở vững chắc như vậy, chiến lược sẽ phải chỉ rõ những điểm thu hút của đất nước và kết nối chúng với sản phẩm du lịch có liên quan. Bằng cách hiểu được du khách muốn gì từ kỳ nghỉ của họ, chúng ta sẽ có thể làm nổi bật ưu điểm của việc du lịch Việt Nam so với những thị trường truyền thống của Thái Lan và Malaysia.

Cần mở lối cơ chế

Trong 15 năm qua, diện mạo ngành du lịch cũng đã có bước phát triển rõ rệt nhờ sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việc đầu tư các tuyến đường liên tỉnh, mở rộng các sân bay, cầu cảng đã giúp cho hoạt động du lịch có nhiều thay đổi.

Báo cáo từ Tổng cục Du lịch cho thấy, tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Ngành du lịch đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan toả đạt 14% GDP. Dự báo, năm 2017, con số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,5 triệu lượt và đến năm 2020 là 17 - 20 triệu lượt, đóng góp tới hơn 10% vào GDP.

Đó là những con số khá ấn tượng, nhưng nếu so sánh với các các quốc gia lân cận như Thái Lan, Singapore hay Malaysia, với số khách quốc tế từ 15 - 30 triệu lượt khách/năm, con số trên của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ và cho thấy khả năng khai thác du lịch của Việt Nam đang ở dưới mức tiềm năng. Với 3.260 km bờ biển, 125 bãi biển lớn nhỏ, hàng ngàn cảnh quan thiên nhiên và di tích văn hoá trải rộng khắp đất nước, đóng góp của du lịch vào tăng trưởng kinh tế chung chưa đạt kỳ vọng của xã hội.

Theo đại diện Công ty cổ phần Du lịch Nhật Minh, hiện nay, tầng lớp khách du lịch thượng lưu thường muốn được trải nghiệm những hoạt động khác lạ mà nhiều người khác không có cơ hội thử. Do đó, cần phải nắm bắt nhu cầu này, hướng tới việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng hiện đại, có xu hướng mang đến những trải nghiệm mang tính chất “độc nhất vô nhị” cho các thượng đế của mình.

Có khá nhiều mô hình hay, như khu nghỉ dưỡng ẩn náu trong một khung cảnh núi non sông nước tuyệt đẹp, mang đến cho du khách những chuyến câu cá, đánh bắt cá thú vị và những buổi đêm thưởng thức ẩm thực bản địa trên boong tàu nhìn ra sông. Một hình thức khác là khu nghỉ dưỡng kết hợp trung tâm thương mại giải trí để giúp "bố nhâm nhi café, mẹ lượn lờ shopping, con mải mê trong các khu vui chơi giải trí"…

Trong khi đó, ông Lê Thành Vinh, Tổng giám đốc FLC cho rằng, hệ thống chính quyền địa phương là yếu tố quan trọng hàng đầu. Hệ thống chính quyền phải cho nhà đầu tư thấy họ có tư duy đúng về du lịch, đặt du lịch vào trọng tâm phát triển, cho thấy tầm nhìn, mục tiêu phát triển du lịch rõ ràng. Bên cạnh đó, phải có sự đoàn kết, ổn định trong chính quyền, họ phải có quyết tâm rất cao thực hiện cùng doanh nghiệp.

Đồng tình với nhận định này, ông Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, phiên họp Liên Hợp quốc vừa qua có thảo luận về việc những nước nào đã thoát khỏi tình trạng chậm phát triển, trong đó nhiều nước thoát nghèo nhờ du lịch như Mali. Chuyên gia này bày tỏ sự tin tưởng và lạc quan về nghị quyết phát triển du lịch mới ban hành, bởi ngành du lịch có tiềm năng, nếu chỉ đạo tốt, thì có thể phát huy các tiềm năng, thế mạnh này.                

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan