Sự kiện “Liên kết - Sức mạnh Du lịch Việt Nam” trong 2 ngày 8-9/8/2022 tại Dinh Thống nhất (TP.HCM).

Sự kiện “Liên kết - Sức mạnh Du lịch Việt Nam” trong 2 ngày 8-9/8/2022 tại Dinh Thống nhất (TP.HCM).

Du lịch Việt Nam: Bức tranh đối lập khách nội địa và khách quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Du lịch Việt Nam vượt chỉ tiêu năm 2022 về khách nội địa (kế hoạch là 60 triệu lượt, hiện đã đạt gần 72 triệu lượt), nhưng khách quốc tế chỉ đạt 15% kế hoạch, bằng 8% so với cùng kỳ năm 2019 và phải cố gắng nhiều mới có thể đạt kế hoạch đón 5 triệu lượt khách quốc tế.

Đây là thông tin được Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết tại hội thảo “Định hướng và giải pháp đào tạo nguồn nhân lực khách sạn để phục hồi và phát triển Du lịch quốc tế” trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Liên kết - Sức mạnh Du lịch Việt Nam” trong 2 ngày 8-9/8/2022 tại Dinh Thống nhất (TP.HCM).

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, du lịch Việt Nam đã phục hồi khả quan sau hai năm bị đóng băng vì Covid-19. Sau 4 tháng mở cửa toàn ngành đã phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, đón 733.400 lượt khách quốc tế, tổng thu đạt 316.000 tỷ đồng, trên 90% cơ sở lưu trú du lịch trong cả nước đã trở lại hoạt động bình thường.

Đây là dấu hiệu đáng mừng sau hai năm ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Từ khi Chính phủ cho phép mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch từ 15/3/2022 sau thời gian thí điểm, du lịch việt Nam đã tái khởi động thành công theo tinh thần Nghị quyết 128 “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” với sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương.

Du lịch nội địa đã khởi sắc, đảm bảo năm 2022 số lượng khách nội địa sẽ vượt qua số lượng năm 2019. Tuy nhiên, lượng khách quốc tế lại tăng rất chậm, đến hết tháng 6 năm 2022 mới đạt 600.000 lượt, đạt 12% kế hoạch năm 2022 (5 triệu lượt). Như vậy, nếu không có các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, trong đó có chất lượng cơ sở lưu trú và nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ sở lưu trú, thì khó có thể tạo đà hoàn thành kế hoạch thu hút khách cả năm.

Để tìm cách thu hút khách quốc tế, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp du lịch cả nước tổ chức hội thảo tìm cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực du lịch.

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, điều kiện mới, hoàn cảnh mới, cơ hội mới cần tư duy và cách làm mới. Khi du lịch thế giới phục hồi, Việt Nam đối mặt với thách thức cạnh tranh quyết liệt giữa các quốc gia và điểm đến trên toàn cầu. Hiện cần chú trọng công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuẩn bị cho thời kỳ phục hồi và phát triển du lịch giai đoạn 2022-2023.

Khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 15% kế hoạch năm 2022.

Khách quốc tế đến Việt Nam mới chỉ đạt 15% kế hoạch năm 2022.

Thực tế đến nay có 90% cơ sở lưu trú du lịch đã đi vào hoạt động bình thường với hơn 34.000 cơ sở và 700.000 buồng, nhưng số lao động trong cơ sở lưu trú du lịch mới được hơn 300.000 người, trong đó nhiều lao động chưa được đào tạo đầy đủ. Định mức trung bình chỉ khoảng 0,46 lao động/buồng, thậm chí cao điểm, nhiều nơi thiếu lao động cục bộ đặc biệt dịp lễ, cuối tuần, mùa hè khu vực biển.

“Công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch cần được chú trọng theo cơ cấu hợp lý bảo đảm số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu cạnh tranh, hội nhập, có chính sách khuyến khích thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động toàn diện, nâng cao chất lượng nhân lực về du lịch”, ông Khánh nhấn mạnh.

Để tận dụng cơ hội thu hút khách quốc tế vào những tháng cuối năm, ngành du lịch cần tập trung 6 vấn đề: Làm mới sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh hấp dẫn, đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới công tác xúc tiến quảng bá du lịch, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo ông Paul Stoll, Giám đốc điều hành mảng dịch vụ du lịch, Tập đoàn Imperial, Việt Nam đang phải đối mặt với vấn đề về lao động đạt chuẩn trong ngành du lịch. Đó là một thách thức nghiêm trọng mà chúng ta phải giải quyết hàng ngày và cần phải có sự quan tâm đặc biệt hơn, cụ thể trong bối cảnh thị trường du lịch Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ cùng với sự chuyển đổi kỹ thuật số đang diễn ra trong năm nay. Nếu không có các giải pháp thay đổi phù hợp thì sẽ chỉ có nhiều thách thức tương tự, đi ngược lại với khát vọng trở thành điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam trong thập kỷ tới và chắc chắn làm xói mòn giá trị tiềm năng mà đất nước mang lại.

Nếu Việt Nam muốn duy trì tăng trưởng du lịch, ít nhất cần phải đáp ứng được kỳ vọng của du khách về các dịch vụ tiện nghi và dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế. Mặc dù việc phát triển cơ sở vật chất và trải nghiệm cho khách hàng tương đối dễ dàng, nhưng việc vận hành và duy trì những cơ sở vật chất này đạt tiêu chuẩn chất lượng lại khó hơn.

Bản thân ông Paul cũng đã phải đối mặt với những thách thức này và phải tìm cách vượt qua khi ký hợp đồng với các chuyên gia đào đạo hoặc thuê các chuyên gia nước ngoài có tay nghề cao để đào tạo tại chỗ. Ông bày tỏ vui mừng khi Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận nhiệm vụ đương đầu với những thách thức trong việc thúc đẩy đào tạo nhân lực đạt chuẩn cho ngành du lịch đang phát triển của Việt Nam. Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã nhận thấy rằng để du lịch Việt Nam phát triển, yêu cầu cần phải đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đạt chuẩn.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho rằng, muốn đẩy mạnh hoạt động du lịch, các cấp, các ngành cần phải thật sự tạo điều kiện cho du lịch. Bên cạnh sự chủ động tham mưu thì phải có sự chủ động vào cuộc quyết liệt, đồng bộ và vào cuộc của đa ngành giao thông, ngoại giao, công an…

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đã đề xuất những giải pháp thu hút khách quốc tế đến Việt Nam, trong đó có đề xuất cần tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để giúp du khách đặt tour, hoàn thiện thủ tục "không tiếp xúc". Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi toàn bộ nhận thức, thói quen sinh hoạt cũng như nhu cầu du lịch của người dân. Vì thế, “những thay đổi xu hướng du lịch là tất yếu khi sự an toàn của điểm đến hậu Covid được du khách quan tâm hàng đầu”.

Dự báo tăng trưởng du lịch Việt Nam 10 năm tới khá lạc quan, đến năm 2025 cả nước cần có 950.000 đến 1.050.000 buồng lưu trú và đến năm 2030 cần 1.300.000 đến 1.450.000 buồng; Như vậy, năm 2025, cầu về lao động khối cơ sở lưu trú du lịch khoảng hơn 800 nghìn và năm 2030 là hơn 1 triệu, giai đoạn 2022 - 2030, trung bình cần bổ sung mỗi năm trên 60.000 lao động.

Tin bài liên quan