Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển CTCP Chứng khoán SSI, chia sẻ trong Chương trình Bí mật đồng tiền số 51.
Ông Hưng cho rằng, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có tác động rất tích cực đối với kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Và ngành ghi nhận mức tăng trưởng trở lại đầu tiên là ngành du lịch.
Khi du lịch quốc tế tăng trở lại thì cán cân thanh toán của Việt Nam sẽ tốt hơn, bởi lúc đấy phần xuất khẩu dịch vụ sẽ tăng. Theo cập nhật quý III/2022, số liệu về cán cân thanh toán không quá tích cực. Vậy nên kỳ vọng về việc cán cân thanh toán không bị âm, sẽ hạn chế được lo ngại của các nhà đầu tư nước ngoài đối với việc cán cân thanh toán Việt Nam đang bị thâm hụt quá cao.
Với ngành hàng không, khách quốc tế cũng sẽ tăng trở lại và biên lợi nhuận của ngành thu được từ chuyến bay nước ngoài sẽ cao hơn, chưa kể, bối cảnh giá xăng dầu thế giới đang giảm rất mạnh. Nói cách khác, ngành hàng không nói chung đang khá tốt, bởi “miếng mồi” ngon nhất đang là phần khách du lịch nước ngoài, động lực phát triển cho nhóm ngành này trong năm tới.
“Nói chung, triển vọng ngành là tốt, tuy nhiên, đối với từng doanh nghiệp cụ thể, cũng cần phải theo dõi thêm. Ví dụ như Vietnam Airline thì chúng ta cần phải xem các khả năng có thể tăng vốn của họ, hay cách xử lý từ phía CIC sẽ như thế nào” - ông Hưng nói.
Nhưng đợt mở cửa trở lại này sẽ không hoàn toàn là những yếu tố tích cực - bởi khi mở cửa trở lại, các ca covid của Trung Quốc sẽ tăng lên, cần phải xem xét Trung Quốc sẽ ứng phó với vấn đề đó như thế nào.
Vấn đề thứ hai, khác với những đợt trước, khi kinh tế thế giới gặp vấn đề, Trung Quốc vẫn còn khả năng tăng trưởng trở lại. Nhưng hiện tại, vấn đề toàn cầu hoá đã không giống trước, sự cạnh tranh với những nước lớn đã rất cao - cạnh tranh về mặt công nghệ, ví dụ như là chip. Các nước như Hà Lan, Nhật Bản, Mỹ muốn hạn chế máy móc của Trung Quốc về sản xuất chip, ông Hưng giải thích thêm.
Ông Hưng cũng đưa ra những đánh giá thêm về ngành hàng tiêu dùng với triển vọng chung sẽ hơi khó. Ông lý giải, do sang năm triển vọng tăng trưởng thế giới có khả năng thấp hơn 2022, mà ngành hàng tiêu dùng tại Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn trong GDP nên không thể kỳ vọng tăng trưởng cao. Ở Mỹ, có những mặt hàng như đồ gỗ, đồ điện tử đang có hàng tồn kho tăng cao nên nhu cầu hiện sẽ khá là thấp.
Còn về cổ phiếu, theo ông Hưng, đoạn hồi phục vừa rồi cũng là trạng thái bình thường sau đợt giảm sâu. Đồng thời nhấn mạnh, ngành hàng tiêu dùng sẽ không có triển vọng quá sáng sủa cho năm 2023, nhưng tùy theo mức độ định giá thì nhà đầu tư vẫn có thể tìm kiếm được cơ hội đầu tư ở ngành này.
Chia sẻ về lĩnh vực bất động sản trong năm 2023, chuyên gia SSI đánh giá, những động thái từ Chính phủ cho thấy định hướng chung vẫn là tiếp tục phát triển thị trường. Cụ thể, sang năm, việc sửa đổi Luật đất đai sẽ nêu lên nhiều điểm mới sẽ giúp cho thị trường bất động sản phát triển tốt hơn.
Ví dụ, phân khúc bất động sản liên quan đến du lịch như Condotel có thể sẽ được cấp sổ đỏ hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu - đây là những cái mang tính chất dài hạn cho thị trường.
Ông Hưng cũng cho rằng, đã có nhiều tin tích cực cho các doanh nghiệp bất động sản như nới room tín dụng, hay sửa đổi nghị định 65. Tuy vậy, riêng với vấn đề nới room tín dụng, ông Hưng nhấn mạnh rằng, không thể kỳ vọng theo hướng 2% được nới ra thêm sẽ được bơm hết vào thị trường bất động sản để giải cứu thanh khoản, bởi theo Ngân hàng Nhà nước thì các tiêu chuẩn cho vay vẫn sẽ giữ nguyên. Do đó, doanh nghiệp phải tốt thì ngân hàng mới có thể cho vay.
Còn đối với thông tin sửa đổi nghị định 65, hầu hết các điểm sửa đổi đều mang tính chất tích cực trong ngắn hạn. Nhưng cũng cần nhìn lại là không phải bất cứ sửa đổi nào cũng sẽ đi vào cuộc sống ngay lập tức. Để cứu được thị trường trong ngắn hạn, thì cũng còn nhiều vấn đề cần nói thêm.
Theo ông Hưng, đối với những sửa đổi về vấn đề nhà đầu tư chuyên nghiệp - do tâm lý của nhà đầu tư hiện tại khá kém, việc thuyết phục một người mua trái phiếu doanh nghiệp lúc này sẽ khá là khó. Sửa hay không sửa - trong ngắn hạn sẽ không có nhiều tác động, bởi điều quan trọng ở hiện tại là lấy lại niềm tin.
Đương nhiên, ông Hưng vẫn cho rằng việc sửa là cần thiết, nhưng để tác động ngay thì sẽ khó thấy được. Ngoài ra, vấn đề xếp hạng tín nhiệm cũng không quá quan trọng trong giai đoạn này.
Vấn đề gia hạn trái phiếu thêm 2 năm và chuyển đổi trái phiếu thành các khoản nợ hay tài sản khác, đối với ông Hưng, điều này sẽ tạo nên cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư và doanh nghiệp có cơ sở đàm phán với nhau. Ví dụ như hai bên có thể thương lượng chuyển đổi trái phiếu thành tài sản nhà ở. Trước đây các quy định trên là không có.
Quan trọng hơn hết, là giữa trái chủ và phía doanh nghiệp có sự đồng thuận, có nhiều suy nghĩ là nếu quy định trên được đưa ra, tất cả các trái phiếu sẽ được gia hạn thêm 2 năm là không đúng. Vậy, Nhà nước đã đưa ra một khuôn khổ pháp lý để mọi người có thể thực hiện trong 1, 2 năm tới, ông Hưng chia sẻ.