Theo quan điểm của tôi, cần làm rõ vai trò của ngành du lịch được xác định là mũi nhọn, là nền tảng phát triển kinh tế xã hội nên cần có những ưu tiên phát triển ngành này. Điều này cũng cho thấy mức độ can thiệp của Nhà nước và mức độ ưu tiên cần như thế nào. Thứ hai là giá trị của du lịch, ngoài các vấn đề đóng góp GDP, tạo việc làm, một giá trị lớn khác là văn hoá, nền kinh tế văn hoá, sáng tạo.
Chưa kể câu chuyện con người Việt, văn hoá Việt tạo bản sắc để thu hút đầu tư. Du lịch, trong đó có các điểm đến du lịch là hình ảnh quốc gia cần coi trọng.
Nhưng để tạo đất cho phát triển du lịch, dự án du lịch lớn thì cần làm rõ khái niệm thế nào là đô thị du lịch, khu du lịch lớn, về nguyên tắc có thể đề ra tiêu chí để xác định. Chẳng hạn, khu đô thị du lịch đảm bảo các yếu tố ngủ nghỉ, lao động, ăn chơi. Tất nhiên, những nội dung này có thể quy định trong các văn bản dưới luật.
Việt Nam đô thị hoá đất đai nhanh hơn đô thị hoá hoạt động kinh doanh và sản xuất kinh tế. Đầu cơ không là vấn đề, nhưng đầu cơ dẫn tới chuyện này là vấn đề. Vậy nên ta phải đưa ra khái niệm, tiêu chí về quy mô, vị trí, không gian, có quy hoạch… để đảm bảo không đi chệch hành lang một cách vô tình hoặc cố ý.
Vấn đề cần quan tâm không chỉ ở quy mô dự án mà còn là đánh giá tác động tới môi trường, xã hội, kinh tế… của địa phương nơi dự án tọa lạc ra sao. Tất nhiên, phải có quy định làm thẩm định trong bao nhiêu ngày, phải có thời gian để doanh nghiệp triển khai dự án, đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Vấn đề thu tiền đất một lần hay nhiều lần, thì tôi thiên về việc tùy yếu tố đặc trưng. Với tài sản huy động vốn, 70% là tiền từ nhà đầu tư bên ngoài góp vào thì còn quan tâm tới vấn đề sở hữu, thì được có những giao dịch liên quan tới tài sản. Vậy nộp tiền hàng năm đúng là vấn đề. Còn với những dự án, điểm đến tạo ra dòng tiền hàng năm thì có thể thu tiền hàng năm.