Du lịch “thua” trên sân nhà

(ĐTCK-online) Việc Tổng cục Du lịch cấp 93 chứng chỉ nghiệp vụ cho người Hàn Quốc nhằm khắc phục tình trạng khan hiếm hướng dẫn viên tiếng Hàn đã “vấp” phải phản ứng từ phía các doanh nghiệp lữ hành trong nước.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2007, lượng du khách Hàn Quốc đến Việt Nam đạt 475.535 lượt (tăng 13% so với 2006), nằm trong top các thị trường có lượng khách đến Việt Nam lớn nhất. Vấn đề khiến các cơ quan quản lý nhà nước đau đầu là sự khan hiếm hướng dẫn viên (HDV) du lịch tiếng Hàn, với chỉ 40 HDV chính thức được cấp thẻ.

Sự thiếu hụt đội ngũ hướng dẫn đã làm xuất hiện tình trạng người Hàn Quốc hoạt động kinh doanh du lịch bất hợp pháp tại Việt Nam, với chiêu thức phổ biến là mua tư cách pháp nhân của các công ty lữ hành có giấy phép kinh doanh, để trực tiếp thực hiện các tour du lịch cho khách Hàn Quốc. Theo đó, mặc dù giấy tờ, hợp đồng ký kết do các công ty Việt Nam đứng tên, song thực chất, toàn bộ tour du lịch cho khách Hàn Quốc sang Việt Nam được các đối tượng trên thực hiện trọn gói.

Điều đáng nói là, số tiền mà khách chi trả để mua tour không đáng kể, nhưng sự kết hợp “đầy ngoạn mục” của các HDV bất hợp pháp với hệ thống dịch vụ nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán đồ lưu niệm khiến cho giá cả bị đẩy lên cao. Nguy hiểm hơn, hoạt động của đội ngũ HDV du lịch Hàn Quốc còn gây xáo trộn môi trường du lịch, do sự thiếu hiểu biết về văn hóa, xã hội, phong tục, tập quán... Việt Nam .

Ngoài ra, hậu quả tai hại của tình trạng trên là, DN lữ hành Việt Nam đã bị đẩy vào tình cảnh hết sức... trớ trêu, đó là bị lấn át ngay tại sân nhà. Vì vậy, mặc dù được đánh giá là thị trường có tiềm năng lớn, nhưng rất ít DN dám mạo hiểm đầu tư khai thác, bởi không đủ khả năng cạnh tranh. Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư, trong số 605 DN lữ hành quốc tế trên cả nước, không DN nào chuyên về thị trường Hàn Quốc.

Thời gian qua, thanh tra ngành du lịch đã có những động thái quyết liệt nhằm chấn chỉnh sự lộn xộn nói trên. Năm 2007, thanh tra Tổng cục Du lịch đã phối hợp với A37 (Bộ Công an) trục xuất khỏi Việt Nam 60 đối tượng hoạt động du lịch bất hợp pháp. Tuy nhiên, điều tra của Tổng cục Du lịch cho thấy, thực tế, số người Hàn Quốc đang hoạt động du lịch và các dịch vụ phụ trợ khác tính riêng tại địa bàn Hà Nội là trên dưới 300 người. Hơn nữa, việc trục xuất không phải là giải pháp tốt nhất, bởi Việt Nam đã áp dụng chính sách miễn visa cho khách du lịch Hàn Quốc.

Một giải pháp “mềm” hơn đã được Tổng cục Du lịch triển khai, đó là mở lớp đào tạo kiến thức về du lịch, văn hóa, xã hội... cho người Hàn Quốc tại Việt  Nam. Ông Vũ Thế Bình, Vụ trưởng Vụ Lữ hành  (Tổng cục Du lịch) cho biết, việc đào tạo được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Học viên sẽ được cấp chứng chỉ sau khi kết thúc khoá học nếu kết quả bài kiểm tra cuối khoá đạt trên 5 điểm. Người có chứng chỉ được ưu tiên vào làm việc tại các doanh nghiệp lữ hành quốc tế Việt Nam trong vai trò người điều hành tour, người bán tour, người phiên dịch cho HDV Việt Nam phục vụ khách du lịch Hàn Quốc trong các chương trình du lịch...

Giám đốc một công ty lữ hành quốc tế tại Hà Nội (đề nghị không nêu tên) bức xúc cho biết, khả năng đón đầu, nắm bắt xu thế của ngành du lịch quá kém khiến cho lượng HDV không chuyển biến trong nhiều năm liền, hậu quả là ngành du lịch đã “thua trên sân nhà”...

Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội BenThanh tourist cho rằng, việc tuyển dụng các học viên Hàn Quốc vào làm việc (hoặc cộng tác) tại các công ty lữ hành là rất khó khả thi, bởi hiện nay số người biết tiếng Hàn tại các công ty không nhiều, nên không thể kiểm soát được nội dung thông tin chuyển tải tới khách mà người Hàn Quốc làm phiên dịch. Hơn nữa, việc để người Hàn Quốc trực tiếp hướng dẫn khách là vi phạm quy định “HDV du lịch trên lãnh thổ Việt Nam phải là người mang quốc tịch Việt Nam” của Luật Du lịch...