Du lịch năm 2022: Con đường phục sinh

0:00 / 0:00
0:00
Hình ảnh những đoàn du khách quốc tế hân hoan khám phá Việt Nam theo chương trình “hộ chiếu vắc-xin”, “bong bóng du lịch”, sau gần 2 năm vắng bóng là tiền đề phục sinh cho ngành kinh tế xanh.
Đón du khách Uzbekistan đến Phú Quốc trải nghiệm kỳ nghỉ 9 ngày 8 đêm theo chương trình hộ chiếu vắc-xin.

Đón du khách Uzbekistan đến Phú Quốc trải nghiệm kỳ nghỉ 9 ngày 8 đêm theo chương trình hộ chiếu vắc-xin.

Chuẩn bị cho khí thế mới

Niềm vui của những người làm du lịch chẳng thể nào tả hết khi đúng 12 giờ ngày 20/11/2021, chuyến bay VJ3749 của Hãng hàng không Vietjet chính thức hạ cánh tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, đưa 204 du khách Hàn Quốc đến nghỉ dưỡng và du lịch tại siêu quần thể Phú Quốc United Center. Mới đây nhất, trong 2 ngày 25 và 26/12/2021, Vinpearl (Tập đoàn Vingroup) lại đón 2 đoàn khách quốc tế có “hộ chiếu vắc-xin” từ Uzbekistan và Nga đến Phú Quốc và Nha Trang.

Còn nhớ, năm 2020, đang trong đà tăng tốc đầy khí thế, thì “cơn cuồng phong” Covid-19 khiến du lịch Việt Nam lao đao, mất 80% lượng du khách quốc tế, khách nội địa giảm 50%, thiệt hại 530.000 tỷ đồng... so với năm 2019. Hầu hết các nhà quản lý, giới chuyên gia và doanh nghiệp đều ngỡ rằng đó là “đáy” và ngành du lịch sẽ vượt qua, chỉ cần nỗ lực và một con đường đúng đắn.

Nhưng, trong năm 2021, liên tiếp các đợt dịch Covid-19 bùng phát khiến những người làm du lịch chưa kịp ngẩng mặt thu lãi, bù lỗ, đã vội lo cho những khoản đầu tư vừa bỏ ra. Cánh cửa đóng sầm trước mắt khi đợt dịch Covid-19 thứ tư khiến “mùa vàng” du lịch hè 2021 “đóng băng”, doanh nghiệp lâm vào cảnh “cháy nhà tứ phía”, chẳng biết khi nào mới trở lại bình thường.

Những chỉ số thống kê của ngành kinh tế xanh năm qua chỉ là những con số buồn. Khảo sát 1.853 doanh nghiệp du lịch của Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) và VnExpress cho biết, 96% doanh nghiệp du lịch phải ngừng hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp du lịch duy trì hoạt động chỉ bằng 1/4 so với các ngành kinh tế khác.

Đến đầu tháng 11, gặp những người làm du lịch, vẫn chỉ thấy những cái lắc đầu ngao ngán. Ánh sáng chỉ manh nha rồi rõ ràng dần khi chủ trương từ Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 đã trở thành hành động: Việt Nam chính thức đón những vị khách quốc tế lần đầu tiên đến Việt Nam sau gần hai năm đóng cửa.

Niềm vui đó giúp những người làm du lịch vững tâm tiến về phía trước, chuẩn bị tốt nhất cho sự phục hồi và bứt phá trong năm 2022. Điều đáng mừng hơn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng hé lộ là, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phục hồi hoạt động, trong đó có những “cánh chim đầu đàn” có vai trò quan trọng trong việc phục sinh và phát triển ngành kinh tế xanh.

Theo thống kê sơ bộ, 35% doanh nghiệp làm nhiệm vụ phát triển du lịch đã đứng vững, 15% đang trên đà phục hồi. “Hy vọng đây là những ‘cánh chim đầu đàn’ sẽ vươn ra biển lớn, tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân lực nòng cốt, đưa ra các gói du lịch phù hợp với điều kiện, nhu cầu và thị hiếu để thu hút du khách”, ông Hùng thông tin.

Thật vậy, năm 2021, bên cạnh 96% doanh nghiệp du lịch chờ “rã đông”, thì số còn lại không hề ngồi yên chờ giông bão đi qua, mà luôn nỗ lực lội ngược dòng ngoạn mục. Xuất hiện nhiều loại hình, tour du lịch mới an toàn, hấp dẫn, như caravan (du lịch bằng xe tự lái), du lịch bằng xe đạp… Các khu, điểm du lịch không ngừng được “thay áo mới”, bổ sung các sản phẩm, dịch vụ mới mẻ, đẳng cấp.

Đại diện Vinpearl - đơn vị tiên phong đón những du khách “hộ chiếu vắc-xin”, cho biết, dự kiến từ nay đến cuối tháng 2/2022, Phú Quốc United Center sẽ liên tiếp đón 8 đoàn, với khoảng 2.000 lượt du khách Uzbekistan, tần suất 1 chuyến/tuần. Cuối tháng 3/2022, Vinpearl kỳ vọng đón 26 đoàn du khách Nga với hơn 8.000 lượt đến Khánh Hòa.

Bên cạnh hai tuyến du lịch quốc tế đã chính thức khởi động, Vinpearl dự kiến phối hợp với các đối tác đón khách định kỳ từ các thị trường truyền thống và có chỉ số an toàn cao như Hàn Quốc đến Nha Trang/Phú Quốc/Đà Nẵng 2 chuyến/tuần; Hàn Quốc đến Nam Hội An 2 chuyến/tuần và Đài Loan đến Đà Nẵng/Nam Hội An 2 chuyến/tuần.

Theo Tổng cục Du lịch, ước tính năm 2021, Việt Nam đón 3.000 - 3.500 du khách theo chương trình thí điểm. Dự kiến tháng 1/2022, hàng chục chuyến bay chở khách quốc tế sẽ tới các điểm đến ở Việt Nam như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Ngoài ra, nhiều đoàn khách bị hoãn vào cuối năm 2021 sẽ lên lịch trở lại Việt Nam vào quý I/2022.

Mở cửa an toàn, đồng bộ

Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, người làm du lịch hiểu rằng, còn rất nhiều khó khăn đang chờ đợi trước mắt. Sau Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngành du lịch bước vào một giai đoạn mới mà ở đó, nhiều vấn đề phải xem lại, trong đó, vấn đề lớn nhất có lẽ là mở cửa thị trường quốc tế ra sao.

Tại cuộc trao đổi với chủ đề “Du lịch - phục hồi và phát triển” quy mô toàn quốc mới đây, ông Nguyễn Châu Á, CEO Công ty Oxalis chứng minh thủ tục hành chính vẫn cản trở sự phát triển của ngành du lịch khi chia sẻ câu chuyện về sự thất bại khi kết nối mở đường bay Đồng Hới - Chiềng Mai cách đây vài năm.

“Oxalis hỗ trợ Quảng Bình kết nối đường bay Đồng Hới - Chiềng Mai, nhưng duy trì được một năm thì thất bại. Lý do là Công ty chỉ phục vụ được khách Thái Lan và Việt Nam vì họ không cần visa. Do chưa có quy định về cấp visa cho khách quốc tế qua sân bay nội địa, nên Oxalis mất một lượng khách châu Âu rất lớn đi từ Chiềng Mai sang”, ông Nguyễn Châu Á kể và cho rằng, cần cho phép cấp visa online, thủ tục nhanh gọn, dễ dàng và thời hạn một năm.

Chính sách visa cũng là một trong hai hạn chế cố hữu của du lịch Việt Nam được TS. Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế gọi tên: “Thủ tục đón bạn bè phức tạp quá, đón mà như bảo khách đừng vào, như đuổi người ta đi, nhất là về thủ tục visa. Chưa kể, văn hóa kinh doanh với khách du lịch còn mang nặng tính kiếm chác, ‘gỡ gạc từng đồng một’. Ở đây, cần văn hóa tiếp cận coi khách quốc tế là bạn, tiếp đãi với thái độ thân thiện thực chất”.

Thực tế, Covid-19 khiến ngành du lịch toàn cầu về 0. Cơ hội cho các nước là ngang nhau. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cảnh báo: “Du lịch quốc tế đã phục hồi 35% trong năm nay, chúng ta đã chậm chân, lỡ nhịp. Năm ngoái, doanh thu từ du lịch giảm 60%, năm nay thêm 15-20% nữa, như vậy phải mất ít nhất 2 năm (đến năm 2024) ngành mới trở lại được như thời kỳ hoàng kim 2019”.

Do đó, chuyên gia cao cấp, TS. Nguyễn Sỹ Dũng phân tích, muốn mở cửa du lịch, phải mở cửa đất nước. Chúng ta chậm hơn Thái Lan là thua. Cần đơn giản thủ tục hơn nữa, tích hợp để khách quốc tế muốn giải quyết một việc, chỉ cần đến cửa. “Nếu khách không được tự do như khi đến Thái Lan thì họ đến Việt Nam làm gì?!”, ông nói.

Các chuyên gia cho rằng, nếu Việt Nam không có chiến lược mới, định hình lại thương hiệu, chính sách, sẽ thua không chỉ về lượng khách đón, mà cả về cạnh tranh điểm đến. Việt Nam cũng cần định hình lại thương hiệu, vị thế du lịch bằng cách tạo ra sản phẩm độc đáo, mời gọi các nhà đầu tư thực sự có nghề để tạo ra các sản phẩm mới mà khách muốn đến một lần trong đời.

TS. Trần Đình Thiên gợi ý, mỗi tháng, Việt Nam tổ chức một sự kiện du lịch mang tầm quốc tế, như Đà Nẵng tổ chức thi bắn pháo hoa. Loại sự kiện này có thể tạo ra cuộc đua tranh có tính chất vùng, tính chất địa phương, nhưng mang đẳng cấp quốc tế, kéo du khách đến. Cách làm vậy mở ra cho thế giới cách nhìn khác về Việt Nam.

Về hoạt động quảng bá xúc tiến, lâu nay, Việt Nam chỉ tập trung xúc tiến qua hội chợ, thay vì quảng bá điểm đến quốc gia, nên chưa tiếp cận được nhiều khách ở thị trường mục tiêu. Kinh phí cho hoạt động quảng bá cũng ít ỏi. Ông Nguyễn Châu Á kiến nghị, các tập đoàn lớn có tiềm lực tài chính mạnh có thể góp phần quảng bá, đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới, tiếp cận thị trường mục tiêu, mang khách đến mà không cần phải qua đối tác trung gian.

Khát khao sớm khôi phục du lịch quốc tế, TS. Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhiều lần nhấn mạnh đến từ “mở”. Ông cho rằng, không có hỗ trợ nào tốt hơn ngoài việc mở cửa toàn bộ, từ cửa khẩu đường bộ, đường hàng không. Ngành ngoại giao cũng cần vào cuộc để mang thị trường cho doanh nghiệp, mang khách cho điểm đến.

Ông Siêu cũng nhấn mạnh, mở chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là phải đảm bảo an toàn, đồng bộ. Du lịch rất cần sự vào cuộc của ngành y tế để có điểm đến an toàn cho người dân và du khách, để người dân có niềm tin khi đi du lịch. Các địa phương cũng cần đồng bộ để du lịch thông suốt.

Về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nếu Việt Nam không an toàn, thì du khách sẽ không đến. Cho nên, phải thực hiện thật tốt các công việc chống dịch, công tác chuẩn bị, tự đổi mới, sẵn sàng cho lúc an toàn rồi mở cửa thì tốt hơn là vội vàng. “Mở ra mà đóng vào còn nguy hiểm hơn là chuẩn bị rất tốt rồi mở một cách chắc chắn, an toàn”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Dẫu khó khăn, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn kiên cường chống chịu, sẵn sàng đón khách quốc tế, đưa người Việt Nam khám phá năm châu khi được phép. Nhưng thị trường quốc tế có nhộn nhịp trở lại, con đường phục sinh 2022 có xán lạn hay không còn phụ thuộc rất lớn vào khả năng phòng, chống dịch và chính sách “mở cửa bầu trời” của Chính phủ.

Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 12/2021 đạt 17.200 lượt, tăng 14,2% so với tháng trước và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước; quý IV/2021 đạt 42.700 lượt, tăng 62,7% so với quý III/2021 và giảm 12,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 157.300 lượt, giảm 95,9% so với năm 2020.

Tin bài liên quan