Du lịch miền Trung, Tây Nguyên: Loạn giá phòng khách sạn

0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động du lịch tại nhiều tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bước đầu phục hồi sau Covid-19, song đi kèm với đó là tình trạng “nhiễu loạn” giá phòng khách sạn, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của du khách.
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đua nhau hạ giá phòng

Theo ông Phạm Minh Nhựt, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, dù có sự phục hồi ấn tượng sau đại dịch Covid-19, công suất phòng năm 2023 của Khánh Hòa vẫn còn thấp, bình quân cả năm khoảng 45 - 46%. Để cạnh tranh, thu hút du khách, nhiều khách sạn đã đua nhau hạ giá phòng.

Ông Nhựt cho biết, hiện nay, trên các trang bán phòng trực tuyến như Booking, Agoda đang rao bán phòng nhiều khách sạn ở Nha Trang được gắn 4 sao với giá chỉ khoảng 500.000 đồng/phòng/đêm, kèm theo ăn sáng dành cho 2 người. Chẳng hạn, khách sạn Happy Light Central 4 sao, có giá 592.000 đồng/đêm; khách sạn An Vista, cũng 4 sao, có giá 437.000 đồng/đêm…

Điều này vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng dịch vụ giảm sút, gây ấn tượng không tốt cho khách du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.

Chi hội Khách sạn Khánh Hòa (thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) cũng bày tỏ lo ngại, việc các cơ sở lưu trú đua nhau hạ giá để tranh giành khách không chỉ làm rối loạn giá cả dịch vụ lưu trú, mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch của địa phương.

Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong giai đoạn hiện nay, thay vì chạy đua giảm giá, các khách sạn nên tập trung ổn định chất lượng dịch vụ, tặng thêm dịch vụ đi kèm cho du khách.

Trên thực tế, nhiều du khách cho biết, họ thích những khách sạn có mức giá vừa phải, nhưng chất lượng dịch vụ bảo đảm, hơn là đến những khách sạn có giá phòng rẻ nhưng dịch vụ kém, làm mất cảm xúc của chuyến du lịch.

Tăng cường công tác quản lý

Anh Ngô Đình Khánh, một du khách chia sẻ, đi du lịch nội địa, lúc nào anh cũng nơm nớp lo sợ bị hét giá, chặt chém. Theo anh Khánh, chuyến đi sẽ mất vui và không thoải mái nếu du khách bị rơi vào tình trạng này.

“Đây không chỉ là cảm xúc của du khách trong nước, mà du khách quốc tế khi đến Việt Nam sẽ khó quay trở lại, nếu bị chèo kéo hoặc tính giá các loại dịch vụ du lịch cao bất thường. Tôi cho rằng, đây là vấn đề mà các địa phương phải tăng cường kiểm soát. Bởi lẽ, hình ảnh du lịch và chất lượng dịch vụ của điểm đến rất quan trọng trong mắt du khách”, anh Khánh nói.

Hiện nay, phương thức booking phòng khách sạn trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội được nhiều du khách lựa chọn. Tuy vậy, do thiếu thông tin và không đủ năng lực xác tín độ tin cậy của những nền tảng này, nhiều du khách đã bị mất tiền oan. Mới đây, UBND TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đã đề nghị cơ quan công an khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc nhân viên khách sạn D. trên đường Đồng Tâm (phường 4, TP. Đà Lạt) bị tố lừa đảo chiếm đoạt của hàng chục du khách với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Trước đó, tháng 2/2024, Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Đà Lạt chuyển hồ sơ cho công an về vụ du khách P.N.N.T phản ánh bị lừa khi đặt phòng khách sạn.

Theo phản ánh, ngày 2/2/2024, anh T. có đặt thuê villa ở địa chỉ số 12/1 - đường Đặng Thái Thân, giá 7,5 triệu đồng/đêm. Anh T. đặt cọc trước 50%. Người cho thuê tự xưng là nhân viên Công ty Hoa Mặt Trời Travel có “nick-name” là Joy Booking Đà Lạt.

Đến ngày 3/2, anh T. liên hệ lại để báo hủy thuê villa, nhưng không được trả lại tiền đặt cọc.

Qua xác minh, nhân viên xưng là Joy Booking Đà Lạt có tên là Lại Thanh Nhã (29 tuổi, trú tại TP.HCM). Đối tượng này kinh doanh bán phòng trên Facebook và có dấu hiệu lừa đảo, trốn thuế.

Một hiện tượng nữa, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện nhiều mô hình quán cà phê, giải khát, nông trại... mở cửa đón khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh, nhưng không thu phí tham quan, chủ yếu thu phí thông qua bán đồ ăn, nước uống, gây khó khăn cho công tác quản lý của ngành.

Không chỉ vậy, qua kiểm tra thực tế và phản ánh của cơ quan chức năng, trong thời gian qua, Công ty TNHH Dalat City Tour (đơn vị được UBND tỉnh chấp thuận thực hiện Đề án Thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện hoặc động cơ xăng để chở khách tham quan, du lịch trên địa bàn TP. Đà Lạt) hoạt động không đúng nội dung Đề án đã được phê duyệt; để xảy ra tình trạng như hoạt động không đúng tuyến, không đúng lộ trình, không đúng thời gian quy định; vi phạm quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông (đón trả khách, đậu, đỗ xe không đúng quy định, lấn làn, lấn tuyến, chạy không đúng tốc độ cho phép…); hoạt động chở khách như xe dịch vụ, xe taxi…

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu UBND TP. Đà Lạt chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý của hoạt động thí điểm xe điện chở khách du lịch; tránh để hoạt động biến tướng, không đúng mục đích, lộ trình, bến bãi đã được phê duyệt; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý nghiêm đơn vị vi phạm.

Tin bài liên quan