15 tỷ USD vốn FDI chảy vào du lịch giai đoạn 2000-2017
Số liệu nghiên cứu của Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) cho thấy, tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hàng năm đều đạt trên 30% trong 3 năm qua, giúp Việt Nam vượt lên xếp thứ 6 trong Top 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017.
Một số liệu nghiên cứu khác cũng cho thấy, tổng doanh thu trong lĩnh vực du lịch tại thị trường Việt Nam ghi nhận bước nhảy vọt, khi tăng từ 1,23 tỷ USD năm 2000 lên 22,71 tỷ USD trong năm 2017. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ này, tính đến cuối năm 2017, Việt Nam đã thu hút khoảng 15 tỷ USD vốn FDI đầu tư vào du lịch, trở thành một trong những lĩnh vực hấp dẫn đối với giới đầu tư trong và ngoài nước.
Chia sẻ tại Diễn đàn Du lịch cấp cao 2018 vừa diễn ra, ông Kenneth Atkinson - Chủ tịch điều hành Grant Thornton Việt Nam cho biết, Thái Lan mất hơn 20 năm để đạt 30 triệu lượt khách như hiện tại, nên đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam thời gian qua là khả quan.
"Năm 2017, Việt Nam đón 12,6 triệu lượt khách du lịch và dự báo tăng lên 16 triệu lượt trong năm nay. Nếu hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, số lượng khách sẽ còn tăng cao hơn và có thể chỉ mất 7-8 năm để đạt lượng khách như Thái Lan hiện tại", ông Kenneth Atkinson dự báo.
Cũng theo tính toán của vị này, trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng khách sạn và bất động sản nghỉ dưỡng, năm 2017, lượng cầu của khách sạn tăng nhanh hơn lượng cung, nhất là tại các địa phương có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh...
“Trong tương lai, lượng cầu dự báo sẽ tiếp tục tăng do lượng khách quốc tế tăng trưởng cao hơn so với mục tiêu đề ra năm 2018. Đây là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư mong muốn đạt lợi nhuận cao từ những lĩnh vực tăng trưởng nóng", ông Kenneth Atkinson nhận xét.
Những rào cản
Tuy đã và đang thu hút tốt vốn đầu tư, nhưng du lịch vẫn còn không ít rào cản, trong đó cải thiện cơ sở hạ tầng đang ở tình trạng quá tải là vấn đề cần được ưu tiên. Thông tin tại Diễn đàn cho thấy, hiện nay, công suất của các sân bay quốc tế tại các thành phố lớn, trọng điểm du lịch như TP. HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc... đều quá tải.
"Với tiềm năng lớn của ngành du lịch, Việt Nam cần sẵn sàng về cơ sở hạ tầng để phát triển, nếu không cơ hội sẽ vẫn chỉ là cơ hội", ông Kenneth Atkinson nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lương Hoài Nam, Phó tổng giám đốc Công ty Hàng không Ngôi Sao cho rằng, hầu hết lượng khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không, nếu thị trường này không đủ tính cạnh tranh thì việc sụt giảm khách du lịch là tất yếu. Do đó, việc phát triển ngành hàng không và du lịch cần được tiến hành song song để giúp khai thác tối đa cơ hội của cả 2 ngành.
"Lĩnh vực hàng không hiện còn không ít hạn chế. Chẳng hạn, về số lượng, Việt Nam hiện mới có 3 hãng hàng không phục vụ vận chuyển du lịch, như vậy là chưa đủ. Mặt khác, việc xin giấy phép hoạt động hàng không ở Việt Nam rất khó, quá trình cấp phép lâu... Do vậy, việc cấp giấy phép cần tinh giản, nhanh chóng hơn, cũng như cần có nhiều hãng hàng không hơn để đáp ứng nhu cầu hiện tại và trong tương lai", ông Nam nói.
Cũng theo ông Nam, Luật Hàng không hiện nay chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 30%, thay vì 49% cổ phần tại các hãng hàng không Việt Nam như trước, trong khi các nước lân cận đã cho phép nhà đầu tư ngoại được nắm giữ tối đa 49%.
"Chính phủ cần xem xét và sửa đổi Luật Hàng không để tăng thu hút đầu tư nước ngoài, góp phần đẩy mạnh ngành du lịch...", ông Nam kiến nghị.
Chia sẻ quan điểm về việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Lê Minh Dũng, Phó tổng giám đốc BIM Group cho biết, trong tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, ngành du lịch mới chiếm 4%. Để tăng thu hút vốn nước ngoài, ngành này cần có cơ chế, chính sách hợp lý.
“Hiện BIM Group đã đầu tư hơn 1 tỷ USD vào Phú Quốc, nhưng nơi đây vẫn còn thiếu nhiều điểm vui chơi, giải trí. Nếu muốn du lịch Phú Quốc phát triển, cần sớm xử lý thực trạng này", ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Craig Douglas, Phó chủ tịch điều hành Tập đoàn Khách sạn Lodgis cho rằng, các nhà đầu tư luôn ưu tiên đầu tư vào ngành có tỷ suất lợi nhuận cao, nên khả năng hút vốn của ngành du lịch là rất khả quan. Để có thể thu hút đầu tư, ngành du lịch cần được nâng cao cả về nhân lực và công nghệ, bởi đây là 2 yếu tố quan trọng nhất đối với lĩnh vực dịch vụ này.