Đây - Một địa danh nằm ở thượng nguồn của sông Thu Bồn, đã từ bao đời luôn làm lòng người xao xuyến: “Ngó lên Hòn Kẽm - Đá Dừng/Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi!”
Một buổi sáng giữa tháng 7 trời nắng chang chang. Một chiếc đò máy già nua cũ kỹ nổ máy chan chát ngược dòng sông Thu từ bến thuyền ở làng Thạch Bích, xã Quế Lâm đưa các cán bộ đang công tác trong ngành văn hóa - du lịch của tỉnh và huyện Nông Sơn lên Hòn Kẽm - Đá Dừng khảo sát tuyến điểm du lịch để đưa vào đề xuất tuyến điểm phục vụ du lịch cộng đồng, sinh thái.
Sông nước, mây trời, rừng núi hoang vu lặng lẽ, tất cả vẽ nên một không gian bình yên đến cô quạnh, giống như bức tranh thủy mặc của người họa sĩ nào đó từ xưa phát vẽ, để lại cho trần thế mai sau. Thỉnh thoảng có vài chiếc thuyền chạy vội của những ngư phủ thả lưới bắt tôm sông.
Anh Tiến, người hơn 20 năm lái đò đưa học sinh đi học trên khúc sông này, cho biết, ngày xưa hai bên bờ sông này đẹp lắm. Mùa nào cũng đẹp. Những lúc sông bình lặng, trong tiết trời còn xuân, xuôi ngược dòng sông, 2 bên vách đá là những bụi lan kiếm treo mình trên đá rũ hoa sặc sỡ đung đưa theo gió. Tiết trời sang thu, hai bên bờ sông, đoạn dưới Hòn Kẽm - Đá Dừng là những rừng cao su trở màu vàng cam, khung cảnh chẳng khác gì những vạt rừng lá đỏ giống đâu đó ở trong phim…
Ngày xưa, đi dọc sông, có thể thấy những đàn khỉ rủ nhau ra sông uống nước, ngó nghiêng xem có ai bỏ chút thức ăn thừa cho chúng không… Ngày xưa, chắc cũng lâu lắm rồi, trên đoạn sông này có nhiều tiên nữ giáng trần, tắm sông, do vậy, mới có bãi đá Gành Tiên nằm chắn ngang ở phía mé sông…
Anh Tiến nhìn xuống dòng sông, chậm rãi: “Phong trào chơi lan rừng rậm rộ mấy năm qua đã tàn phá rừng lan treo trên vách đá. Không những chơi lan, nhiều người còn có thú vui bắt khỉ con về nuôi, làm thú cưng, bắt nhiều quá, khiến đàn khỉ hoảng sợ, chạy trốn vào rừng mỗi khi nghe tiếng máy nổ lạch bạch của xuồng ghe qua lại. Chỉ có những lần tắt máy ghe, thả xuôi trôi sông thì may ra còn thấy khỉ từng đàn ra bờ ngắm sông. Tiếc quá!”.
Ông Văn Bá Sơn, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam. |
Nói về cái tên Kẽm, Hòn Kẽm rồi Đá Dừng cũng có nhiều chuyện lắm. Người lái đò khẳng định là thời kỳ Pháp thuộc, người Pháp đi tắm ở khu vực núi này phát hiện có mỏ kẽm nên nói là Hòn Kẽm. Chẳng biết thực hư ra sao nhưng đó cũng là cách lý giải đơn giản dễ tin của một số người thời nay.
Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu, phân tích ngôn ngữ Việt và Chăm, một số nhà ngôn ngữ học cho rằng, cái tên Hòn Kẽm có nghĩa là khúc sông hẹp, hẹp là do đá núi làm hẹp. Kẽm có nghĩa là “khe, lối hẹp, hai bên có vách núi”, còn “Đá Dừng” là bổ tố cho từ “Hòn Kẽm”, chứ không phải là địa danh. Đá dừng có nghĩa là vách đá dựng, giống như cái tên làng Thạch Bích ở gần đó, mà trong nghĩa Hán Việt có nghĩa là “vách đá” (xem Tí, Sé, Kẽm và một số địa danh của huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam của Bùi Trọng Ngoãn).
Cũng có người, chỉ bãi đá lởm chởm, nhọn hoắt nằm đối diện các cửa hang đã lấp, gần địa phận của thôn Trà Linh Đông, chắn một phần dòng sông mà gọi “đá dừng” và gắn vào đó 2 địa danh riêng là “Hòn Kẽm" và “Đá Dừng”. Cách giải thích này cũng còn nhiều hoài nghi.
Tuy nhiên, cách giải thích nào cũng có cái hay, cái lý của nó cả và người dân khi nói về địa danh này, luôn tỏ ra một sự thành kính, bởi trong tâm thức của người dân địa phương thì nơi đây là chốn “hồn thiêng sông núi” là đất của Bà, của thần linh, của vua chúa, nơi mà vua nước Chăm-pa xưa kia từng ngự giá và cho khắc văn bia vào vách đá để rồi người hậu thế làm lễ tế lễ “Đá Bùa” vào tháng Tám hằng năm.
Cũng bởi vì núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, cùng với nhiều câu chuyện ly kỳ gắn với dòng sông mẹ Thu Bồn nên từ xưa đến nay, Hòn Kẽm - Đá Dừng luôn là điểm đến ước mong của dân du lịch, của giới văn nghệ sĩ...
Bàn về tiềm năng phát triển du lịch ở đây, anh Tuyền, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở làng Đại Bình và trung tâm huyện Nông Sơn hào hứng: “Mong muốn của chúng tôi là làm sao đưa điểm này vào khai thác du lịch ở địa phương, phát triển các loại hình du lịch sinh thái sông nước, ngắm cảnh, tạo công ăn việc làm cho các hộ dân sống dọc hai bên bờ sông”.
“Tiếc là, ngân sách địa phương còn khó khăn, hạ tầng đường sá vào chỗ neo thuyền chưa được xây dựng, còn đi tắt qua nhà người dân, còn nếu đi thẳng tới bến thì đường ô tô khó đi lắm. Rồi cũng chưa có khu đất rộng để làm bãi đỗ xe cho khách tham quan… Ngay cả mấy chiếc thuyền đưa rước khách cũng chưa đầu tư được, chưa có nhà đầu tư nào dám bỏ tiền ra đầu tư đâu vì bến bãi chưa có...”, anh Tuyền thở dài nói.
Câu chuyện của anh Tuyền cũng đặt ra bài toán khó cho chính quyền địa phương khi phải tính toán việc phát triển hạ tầng bến bãi, rồi chuyện cấp phép, tổ chức hoạt động đưa khách tham quan trên sông, làm sao vừa đảm bảo an toàn, bình đẳng về quyền lợi và cùng phát triển bền vững.
Chủ trương của lãnh đạo huyện Nông Sơn là tập trung đầu tư phát triển du lịch theo hướng sinh thái, trải nghiệm, du lịch xanh dựa trên cơ sở phát huy giá trị của tài nguyên du lịch hiện có, trong đó sẽ phát triển làng trái cây Đại Bình theo hướng du lịch sinh thái cộng đồng, là điểm du lịch trung tâm của huyện từ đó kết nối với các điểm du lịch khác như thăm suối nước nóng Tây Viên ngày đêm tuôn chảy, đi bộ trong rừng Núi Chúa sừng sững linh thiêng, hoặc ngược dòng sông Thu thăm thắng cảnh Hòn Kẽm - Đá Dừng.
Với chủ trương đó, những năm qua, chính quyền và người dân Nông Sơn đã nỗ lực tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch thông qua các lễ hội dân gian như Lễ hội Bà Thu Bồn vào tháng 2 hằng năm, Lễ hội Trái cây làng Đại Bình cùng nhiều giải chạy Khám phá Nông Sơn.
Chủ trương đã có, quyết tâm cùng nhiều nhưng để khai thác được lâu dài vẻ đẹp cảnh quan “trời cho” của Nông Sơn, bên cạnh phát huy những giá trị văn hóa, tín ngưỡng độc đáo phục vụ cho phát triển du lịch thì cũng còn nhiều nỗi niềm ưu tư, lo lắng.
Đó là việc cần phải xây dựng câu chuyện về du lịch Nông Sơn, những người có trách nhiệm với ngành ở địa phương đó phải viết nên một câu chuyện trên cơ sở văn hóa, niềm tin, tập quán, phong tục… của người dân nơi này để kể cho du khách. Cần những tập gấp, tờ rơi, những chuyên trang trên không gian mạng đưa câu chuyện du lịch của vùng đất này đến nhiều hơn với du khách.
Đó là những câu chuyện nhuốm màu khói sương, mờ ảo của Núi Chúa “tổ sơn” với truyền thuyết Cao Biền đóng ấn, hay câu chuyện của Bà Thu Bồn cứu nhân độ thế, câu chuyện về vị vua nước Chăm Pa xưa du thuyền cho khắc bia ký tại mé sông Thu, rồi câu chuyện giao thương giữa người trên nguồn với người ở hạ lưu qua những chuyến thuyền xuôi ngược sông Thu “Ai về nhắn với bạn nguồn/Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên”…
Còn gì thú vị và mê hoặc khi thong dong ngắm mây nước trên sông, nghe người lái đò kể về những câu chuyện ấy một cách bài bản cho du khách, được nghe về sự tích của những tên làng Tí, Sé, Dùi Chiêng… nghe chuyện tiên nữ giáng trần tắm sông vào những đêm trăng sáng…
Rồi chuyện xanh nữa, một số con đường đất với những bờ dậu bằng chè tàu cắt tỉa, điểm xuyến với mấy bụi tường vi cánh mỏng đỏ hồng phất phơ trong gió bây giờ cũng không còn, mà thay vào đó là con đường bê tông cứng ngắt và những bờ rào lưới thép B40 tạo nên một khoảng trống vô hồn.
Nghe nói, một vị Phó chủ tịch huyện đã chong đèn họp với dân mấy đêm liền để khuyến khích người dân tạo cảnh quan, mềm hóa các bờ rào, rồi trồng hoa, rồi bàn cách làm du lịch, cách phục vụ những món ăn dân dã, cùng tạo ra môi trường du lịch an toàn, thân thiện, xanh sạch đẹp để níu chân du khách. Nhiệt tình vậy, chắc sẽ thay đổi sớm thôi!
Rời dòng sông, rời Nông Sơn, ngoái đầu nhìn lại, dòng sông vẫn xanh ngắt, âm thầm chảy về xuôi. Những câu chuyện chắp vá đầy màu huyền bí về vùng đất nơi thượng nguồn này vẫn sẽ được người lái đò tiếp tục kể. Tiềm năng du lịch đang phơi mình ra đó, trước mắt nhiều người, nhưng khai thác sao còn khó quá, còn thiếu an toàn quá, liên kết các điểm lại với nhau, đưa khách du lịch từ Mỹ Sơn lên Đại Bình, ngược dòng lên Kẽm vẫn còn nhiều trắc trở gian truân.
Tấm chân tình người Nông Sơn thì dạt dào như nước Sông Thu vào mùa mưa lũ, nhưng nguồn lực thì còn nhiều hạn chế quá, khó khăn quá. Về xuôi, vẫn còn văng vẳng bên tai mấy câu mà anh lái đò tự hào cất giọng ngâm khi chia tay ngợi ca về vùng đất của mình, như cố níu chân du khách quay lại lần sau:
Ai về thăm Kẽm quê tôi
Thăm giọt Nước Mắt ngắm nhìn Gành Tiên
Sông Đá Dừng rất bình yên
Có người đánh cá có thuyền ngược xuôi
Cho tôi nhắn gởi đôi lời
Ân tình sâu nặng của người Nông Sơn