Du lịch miền Trung được dự báo sẽ sớm quay lại đà phát triển. Trong ảnh: Ba Na Hills (Đà Nẵng) - một điểm đến hấp dẫn của miền Trung.
Giữ vững niềm tin
Cùng với hệ thống hạ tầng và cơ sở dịch vụ phục vụ du khách ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, khu vực này đã và đang hình thành nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc hấp dẫn du khách, thật sự trở thành các trung tâm du lịch trong cả nước và khu vực, là cực tăng trưởng mới, góp phần không nhỏ vào sự phát triển thần kỳ của du lịch Việt Nam năm 2019 với hơn 18 triệu khách quốc tế, trong đó chỉ riêng Đà Nẵng và Khánh Hòa đã đóng góp gần 6 triệu khách quốc tế, với gần 140 chuyến bay mỗi ngày.
Tuy nhiên, cơn bão Covid-19 trong gần 2 năm qua đã buộc ngành du lịch khu vực duyên hải miền Trung phải đối mặt với những thách thức to lớn, thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng lâu dài, khó khăn chồng chất mà có lẽ chưa bao giờ các doanh nghiệp gặp phải. Hơn 90% doanh nghiệp đang tạm thời đóng cửa, hơn 80% lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch dừng việc, mất việc, thất nghiệp; khách du lịch gián đoạn trong thời gian dài, chuỗi cung ứng đứt gãy, cơ sở dịch vụ, phương tiện vận chuyển xuống cấp. Nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án rời bỏ thị trường, chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác.
Với bản lĩnh quật cường, chịu thương chịu khó, thông minh sáng tạo, người miền Trung đã bao phen vượt qua giông bão. Với tinh thần ông cha xưa: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”, du lịch khu vực duyên hải miền Trung nhất định sẽ phục hồi, cất cánh.
TS. Cao Trí Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng. |
Cơ sở nào cho sự trở lại?
Miền Trung nổi bật với dải bờ biển tuyệt đẹp trải dài hàng trăm km, kết hợp với các đảo gần bờ, các bán đảo, tạo nên sản phẩm nghỉ dưỡng biển cao cấp, sản phẩm vui chơi giải trí trên biển, dưới mặt nước, trên bờ hết sức đặc sắc, đang tạo sức hút đối với nhiều nguồn khách lớn, đặc biệt là nguồn khách trong nước, nguồn khách từ các khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, Australia, Mỹ..., đủ sức cạnh tranh với các trung tâm du lịch trong nước và khu vực.
Sự kết hợp đa dạng các sản phẩm điểm đến mà ít khu vực nào có được, vừa có thể kết hợp nghỉ dưỡng, sinh thái biển, vừa khám phá các di sản văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, ẩm thực địa phương, vừa kết hợp với các loại hình sinh thái rừng, núi, sông, hồ, tạo nên sự phong phú trong hệ thống sản phẩm, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhiều nguồn khách, có khả năng kéo dài ngày lưu trú và lôi kéo khách quay lại.
Bên cạnh đó là việc tiếp tục đà tăng trưởng rất ấn tượng của các địa phương trước đại dịch. Khu vực duyên hải miền Trung đã thực sự trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước với hơn 30% lượng khách quốc tế trực tiếp. Nhiều địa phương trở thành điểm đến mới với đa dạng nguồn khách. Nếu xuất phát đúng thời điểm, nắm bắt đúng thời cơ, ngành du lịch ở các địa phương này hoàn toàn có thể bắt nhịp được với sự phục hồi chung của du lịch Việt Nam và thế giới.
Một điều cũng phải kể đến là sự xuất hiện ngày càng nhiều nhà đầu tư, các thương hiệu lớn, các hãng hàng không lựa chọn khu vực duyên hải miền Trung làm điểm đến, làm căn cứ, làm nơi triển khai các hoạt động cốt lõi của mình, góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo điểm đến, đưa điểm đến tới gần hơn với các nguồn khách tiềm năng. Các địa phương đã chuyển mình theo hướng đa dạng hơn, hoàn thiện hơn, cao cấp hơn, sang trọng hơn... trong hệ thống cở sở dịch vụ du lịch điểm đến, ngang tầm với các trung tâm du lịch biển lớn trong khu vực.
Sự phối hợp nguồn lực giữa các địa phương đã hình những nhóm liên kết hoạt động khá hiệu quả. Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo các địa phương nên cơ sở vật chất phát triển nhanh chóng, đáp ứng về cơ bản nhu cầu ngày càng cao của du khách ở nguồn nhân lực du lịch trong cả cơ quan quản lý và hệ thống dịch vụ du lịch. Các địa phương cũng tạo ra môi trường an ninh, an toàn, thân thiện, mến khách của hầu hết các điểm đến.
Cuối cùng, cơ sở cho sự trở lại của du lịch miền Trung còn ở sự tin tưởng vào các quyết sách của Chính phủ. Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đã mở đường cho các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp trong việc khôi phục các hoạt động một cách bền vững hơn. Các nguồn khách trong nước bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã mở cửa hoạt động trở lại. Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang trình Chính phủ phương án thí điểm “hộ chiếu vắc-xin” cho khách quốc tế… Tất cả đang tạo nên một luồng gió mới ở khu vực duyên hải miền Trung.
Chúng ta phải làm gì?
Một là, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động tiếp cận các gói giải cứu của Chính phủ để tránh đóng cửa, giải thể, phá sản, duy trì cuộc sống, các địa phương cần nhanh chóng ban hành kế hoạch phục hồi du lịch cả trong ngắn hạn và dài hạn, với các kịch bản cụ thể tương ứng với tình hình kiểm soát dịch bệnh và độ phủ vắc-xin.
Trước mắt, cần rà soát tất cả hệ thống cung ứng dịch vụ, xác định sự sẵn sàng quay lại với tiến độ hợp lý, tránh lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp; tập trung khai thác nguồn khách nội địa tại chỗ, sau đó mở rộng ra các địa phương lân cận và khi tình hình cho phép sẽ đón nguồn khách tiềm năng đến từ khu vực phía Nam và phía Bắc.
Ngoài ra, tận dụng cơ hội có 3 địa phương là Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa vừa được Chính phủ lựa chọn thí điểm triển khai “hộ chiếu vắc-xin” cho khách quốc tế để đột phá vào các thị trường có độ an toàn cao, tạo đà cho sự quay lại của cả khu vực.
Hai là, rất cần vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp lớn, các hãng hàng không, các công ty lữ hành. Với tình hình hiện nay, khó có thể để thị trường phục hồi một cách tự phát, mà cần vai trò định hướng của cơ quan quản lý nhà nước và sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp để nhanh chóng chào bán các gói sản phẩm hấp dẫn, tạo ra luồng khách cả trong và ngoài nước quay lại địa phương một cách chủ động, vừa giúp phục hồi nguồn khách, vừa đảm bảo an toàn chống dịch.
Ba là, nên sử dụng thời gian này để tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp, tái cấu trúc nguồn khách theo hướng bền vững hơn; thay đổi cách thức tiếp cận trong xúc tiến, quảng bá, quảng cáo, truyền thông phù hợp với sự thay đổi trong thói quen tiêu dùng và hành vi du khách sau đại dịch. Khẩn trương tiến hành chuyển đổi số cho tất cả các hoạt động quản lý và kinh doanh du lịch trên địa bàn; cơ cấu lại hệ thống sản phẩm điểm đến, tập trung cho các sản phẩm mới có khả năng thu hút nhiều nguồn khách lớn...
Bốn là, nâng cao hiệu quả của hoạt động liên kết phát triển du lịch các địa phương. Bên cạnh liên kết vùng đã được thiết lập, nên hình thành các nhóm liên kết gắn với việc hình thành các tuyến du lịch cụ thể, khai thác điểm khác biệt của từng địa phương để tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn trên cơ sở chia sẻ nguồn lực về các cửa ngõ giao thông cả đường hàng không, đường bộ và đường biển, hình thành các nhóm liên kết gồm: Đà Nẵng - Quảng Nam - Thừa Thiên Huế, Quảng Nam - Quảng Ngãi, Bình Định - Phú Yên, Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận.
Năm là, cần nhanh chóng hình thành hệ thống đường bộ cao tốc nối các địa phương trong khu vực, nối khu vực này với Bắc Trung bộ, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Nam Lào, nối với tuyến đường Xuyên Á để mở thông các hành lang khách lớn đến với khu vực duyên hải miền Trung, đồng thời tăng cường sự giao thương, kết nối giữa các địa phương với nhau, biến khu vực này thực sự trở thành một điểm đến thống nhất.
Cuối cùng là cần có một cơ chế huy động nguồn lực xúc tiến du lịch cho khu vực này. Ngoài các nguồn lực riêng có của từng địa phương, nên có cơ chế huy động nguồn lực toàn vùng và cơ chế phối hợp nguồn lực của các nhóm liên kết. Việc này sẽ giúp xúc tiến trọng điểm vào các thị trường lớn, tránh manh mún, nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm, lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, cần có các nguồn lực xúc tiến vùng từ Trung ương thông qua Tổng cục Du lịch như mô hình các quốc gia hàng đầu về du lịch đang làm. Có như vậy, các điểm đến hấp dẫn của khu vực này mới nhanh chóng có tên trên bản đồ du lịch thế giới.
Vẫn biết con đường trở lại còn rất xa, khó khăn chồng chất. Tuy nhiên, với nội lực vốn có của cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ kịp thời của lãnh đạo địa phương, với hệ thống tài nguyên đặc biệt quý giá, hệ thống dịch vụ phong phú, hoàn chỉnh... hy vọng ngành du lịch khu vực duyên hải miền Trung sớm trở lại quỹ đạo phát triển của mình, đóng góp xứng đáng vào tăng trưởng chung của cả nước, thực sự là một cực tăng trưởng mới, một trung tâm du lịch của cả khu vực.