Đại biểu ngành Du lịch TP.HCM và 13 tỉnh ĐBSCL tại Lễ ký kết hợp tác
Được biết, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đã có thỏa thuận liên kết hợp tác từ năm 2019, tập trung 5 nội dung: trao đổi thông tin quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến du lịch; đào tạo nguồn nhân lực du lịch; đầu tư du lịch.
Đã tổ chức 3 hội nghị kết nối du lịch, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch; tổ chức 2 lớp tập huấn về quản lý mô hình khách sạn nhỏ, homestay và quản lý điểm đến, phát triển sản phẩm du lịch tại địa phương; tổ chức 2 hội nghị xúc tiến đầu từ, 3 hội nghị quảng bá, xúc tiến, đầu tư du lịch và một không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá hình ảnh, thông tin các dự án đầu tư du lịch…, hình thành 3 tuyến du lịch để chào bán sản phẩm: “Những nẻo đường phù sa”, “Non nước hữu tình” và “Sắc màu vùng biên”.
Đặc biệt, các doanh nghiệp lữ hành đã xây dựng hơn 150 chương trình du lịch kích cầu từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành, khảo sát gần trên 200 điểm, khách sạn, homestay, farmstay, nhà hàng, cửa hàng bán đồ lưu niệm, chương trình biểu diễn nghệ thuật dành cho du khách, qua đó, đã xây dựng 3 tuyến: ‘Nhịp sống Mekong”, “Sông nước Cửu Long” và “Điểm hẹn vùng biên”… góp phần đưa ngành ngành du lịch trở thành kinh tế quan trọng của địa phương.
Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh tiếp tục liên kết hợp tác phát triển du lịch với 13 tỉnh, thành ĐBSCL với các nội dung từng liên kết, trong đó tập trung tổ chức diễn đàn liên kết phát triển du lịch; khảo sát, đánh giá, đề xuất phát triển 3 chương trình du lịch liên kết và tổ chức tọa đàm các chương trình liên kết mới: Khơi nguồn dòng chảy phương Nam; tổ chức hội nghị quảng bá sản phẩm du lịch, xúc tiến, đầu tư du lịch, ngày hội du lịch; xây dựng và công bố trang điện tử du lịch vùng…
Đại biểu dự Không gian giao thương kết nối cung ứng sản phẩm du lịch |
Ông Đoàn Văn Việt, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết thêm: Hoạt động liên kết không chỉ đem lại sự đa dạng hoá sản phẩm mà còn hướng tới khai thác sự nổi trội về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, là cơ sở quan trọng để các địa phương đẩy mạnh triển khai các hoạt động tái khởi động du lịch thực chất, hiệu quả.
Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL cần tiếp tục mở cửa lại hoạt động du lịch đảm bảo an toàn phòng chống dịch; phát huy kết quả đạt được, phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng xu thế mới của thị trường; tăng cường liên kết truyền thông, xúc tiến, quảng bá thu hút khách; thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch.
Trong khuôn khổ của sự kiện còn diễn ra không gian giao thương kết nối doanh nghiệp lữ hành tại TP. Hồ Chí Minh và các vùng trọng điểm với các đơn vị cung ứng sản phẩm dịch vụ du lịch tại Bạc Liêu và các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL, nhằm kết nối doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương để giới thiệu, quảng bá hình ảnh điểm đến, sản phẩm du lịch an toàn, mới lạ, hấp dẫn, góp phần hình thành các tour du lịch liên kết giữa các địa phương ngày càng phong phú, đa dạng hơn, thu hút du khách, phục hồi thị trường du lịch trong giai đoạn “bình thường mới”.
Đồng thời cũng tạo môi trường giao lưu, gặp gỡ trực tiếp giúp các doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng, cung cấp dịch vụ với các doanh nghiệp du lịch của TP. Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.