Du khách trải nghiệm tại bản Đá Bia, Đà Bắc, Hòa Bình.
Những “thỏi nam châm” thu hút du khách
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đón 2,36 triệu lượt khách tham quan, du lịch, tăng 28,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 67,4% kế hoạch năm. Trong đó có 240.000 lượt khách quốc tế, 2.120 nghìn lượt khách nội địa. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2.300 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 59% kế hoạch năm.
Trong thành công đó phải kể tới đóng góp của du lịch cộng đồng. Bởi, loại hình du lịch này không chỉ được xem như “thỏi nam châm” thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm tại tỉnh Hòa Bình mà còn là “át chủ bài” tạo sinh kế bền vững, giúp đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nơi đây thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) là nơi hình thành và phát triển du lịch cộng đồng đầu tiên tại Việt Nam từ những năm 1990. Đến nay, du lịch cộng đồng đã lan rộng và triển khai thành công ở nhiều địa phương khác trên toàn tỉnh Hòa Bình, nhất là các bản vùng cao nơi đồng bào dân tộc Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao và Mông sinh sống.
Bản Đá Bia, Hoà Bình hiện còn giữ được nhiều ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào Mường. |
Làm du lịch cộng đồng không có nghĩa là chuyển đổi ngành nghề mới mà dựa trên nền tảng nguồn tài nguyên phong phú, kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch, tăng thu nhập, cải thiện sinh kế cho người dân. Mô hình du lịch cộng đồng tại bản Lác, huyện Mai Châu qua gần 30 năm xây dựng và phát triển hiện vẫn là điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn bậc nhất được nhiều khách trong nước, quốc tế lựa chọn, đặc biệt vào dịp cuối tuần, lễ, Tết. Bên cạnh dịch vụ đón tiếp khách ngủ, nghỉ, các hộ dân trong bản vẫn duy trì cấy lúa, trồng hoa màu, bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái… Đây chính là những yếu tố thu hút du khách đến thăm quan, trải nghiệm.
Tháng 6/2014, Tổ chức phi chính phủ Action on Poverty (AOP) của Australia tại Việt Nam kết hợp với UBND huyện Đà Bắc triển khai dự án “Du lịch cộng đồng tại Đà Bắc”. Xóm Đá Bia là một trong những bản được chọn hỗ trợ làm du lịch cộng đồng. Hiện nay, xóm Đá Bia có 5 nhà nghỉ cộng đồng với không gian sinh hoạt đậm văn hóa nhà sàn của đồng bào Mường Đà Bắc. Ngoài nói tiếng dân tộc, tiếng Kinh, phần lớn phụ nữ, thanh niên, trẻ em trong bản nói tiếng Anh và tiếng Pháp rất tốt.
Bà Bùi Thị Nhềm, chủ homestay Ngọc Nhềm tại xóm Đá Bia, huyện Đà Bắc cho biết, trước đây, Đá Bia là xóm nhỏ, ốc đảo biệt lập bởi núi rừng và sông nước. Từ khi làm homestay, được sự hướng dẫn của chính quyền và Tổ chức AOP, khi cải tạo xây dựng lại nhà sàn, các hộ dân trong bản vẫn giữ nguyên kiến trúc cùng nét văn hóa riêng biệt, đáp ứng nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ, đồng thời kết nối, cung cấp nhiều dịch vụ trải nghiệm đến du khách.
Bà Bùi Thị Nhềm, chủ homestay Ngọc Nhềm tại xóm Đá Bia, huyện Đà Bắc cho biết, tất cả hộ kinh doanh homestay đều có sự kết nối, chia sẻ khách với nhau, giúp các gia đình có thu nhập cao, ổn định cuộc sống. |
“Từ tháng 3/2022 đến nay, vào dịp cuối tuần và ngày nghỉ, xóm Đá Bia luôn trong tình trạng kín khách đặt chỗ. Tất cả hộ kinh doanh homestay đều có sự kết nối, chia sẻ khách với nhau, giúp các gia đình có thu nhập cao, ổn định cuộc sống”.
Cũng ở huyện Đà Bắc, xóm Ké thuộc xã Hiền Lương nằm trong vịnh Hiền Lương - một nhánh của hồ Hòa Bình có 112 hộ dân tộc Mường sinh sống. Đến đây, du khách trải nghiệm các hoạt động thú vị như bơi bè mảng, chèo thuyền kayak, thăm trung tâm nuôi cá giống, viếng đền Đôi Cô hay đắm mình trong dòng nước mát lành chảy từ thác Suối Trạch... Từ đây, du khách có thể đạp xe, đi bộ hoặc đi mô tô địa hình sang các bản du lịch cộng đồng khác.
Cách đó không xa, xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc nằm ở độ cao 530m so với mực nước biển, lưng tựa vào dải núi Biều hùng vĩ, phía trước là cánh đồng ruộng bậc thang uốn lượn theo sườn đồi tạo nên bức tranh phong cảnh hùng vĩ và lãng mạn. Xóm Sưng là nơi sinh sống của 75 hộ dân với 100% là đồng bào dân tộc Dao Tiền. Tại đây, du khách có thể cùng người dân cấy lúa, trồng rừng, nấu cơm, đánh bắt cá...
Còn bản Ngòi, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc nằm bên vịnh Ngòi Hoa, nơi được mệnh danh là “vịnh Hạ Long trên núi” với hồ nước có nhiều đảo đá xen lẫn rừng cây. Du khách đến đây sẽ được đắm mình trong vẻ thanh bình từ những nếp nhà sàn lâu đời, được trải nghiệm cùng người dân đánh bắt thủy sản trên hồ, chiêm ngưỡng thác nước, hang động mang vẻ đẹp hoang sơ, trong đó nổi bật là động Hoa Tiên đã được xếp hạng Di tích thắng cảnh cấp quốc gia.
Bản Ngòi Hoa, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc nằm bên vịnh Ngòi Hoa là nơi hấp dẫn du khách đến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại Hòa Bình. |
Đến xóm Tiện, xã Thung Nai, huyện Cao Phong, du khách sẽ được hòa mình vào những phong tục tập quán và nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống được bà con nơi đây bảo tồn, gìn giữ, đặc biệt là hơn 40 nếp nhà sàn của đồng bào dân tộc Mường được làm theo kiểu nhà rùa...
Thậm chí, ngay tại xóm Bích Trụ, xã Thái Thịnh, thành phố Hòa Bình, du khách có thể đạp xe, đi bộ tham quan bản làng và thưởng thức các món ăn đặc trưng như cá nướng, gà nấu măng chua, rau đồ...
Với sự đầu tư, phát triển du lịch cộng đồng bài bản, chuyên nghiệp, bản Lác, bản Văn, bản Hịch, bản Đá Bia... ởHoà Bình đã được nhận Giải thưởng ASEAN homestay.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới
Để phát triển du lịch cộng đồng tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Du lịch tỉnh Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình đã ban hành Quyết định số 446/QĐ-UBND ngày 10/3/2020 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Hòa Bình đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho 290 hộ du lịch cộng đồng, đón trên 1,65 triệu lượt khách tham quan du lịch; tổng thu từ khách du lịch cộng đồng chiếm 19,5% tổng thu từ khách du lịch. Tỉnh cũng sẽ hỗ trợ nhân rộng mô hình du lịch cộng đồng cho các xã khu vực miền núi; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối các điểm du lịch cộng đồng…
Nhờ được thúc đẩy mạnh mẽ, các bản du lịch cộng đồng ở Hòa Bình đã và đang hấp dẫn đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Nổi bật nhất phải kể đến Khu du lịch Mai Châu. Trước khi Covid-19 bùng phát, năm 2019, tổng doanh thu từ du lịch cộng đồng tại đây đạt trên 400 tỷ đồng, chiếm khoảng 16% tổng doanh thu của ngành du lịch Hòa Bình.
Trên cơ sở quy hoạch các khu, điểm du lịch cộng đồng, tỉnh Hoà Bình đã chỉ đạo các địa phương và những người dân trực tiếp làm du lịch tham gia vào kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng. Chính quyền địa phương đầu tư hạ tầng, như xây dựng đường kết nối các bản làng với nhau; phát triển hệ thống bưu chính - viễn thông; bảo tồn các làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa… Người dân được tham gia các khóa tập huấn, nâng cao trình độ nghiệp vụ, ngoại ngữ để ứng dụng vào việc đón tiếp, phục vụ du khách.
Du khách trải nghiệm chèo thuyền Kayak tại xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc. |
Đến nay, Hòa Bình đã xây dựng được mạng lưới các bản du lịch cộng đồng ở một số huyện trọng điểm như Mai Châu, Đà Bắc, Khu du lịch Hồ Hòa Bình… Toàn tỉnh có trên 20 làng du lịch có hoạt động du lịch cộng đồng với trên 150 nhà nghỉ cộng đồng.
Để du lịch cộng đồng nói riêng, du lịch tỉnh Hòa Bình nói chung tiếp tục phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid-19, ông Nguyễn Văn Toàn cho biết, thời gian tới, tỉnh này sẽ tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, từ tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về du lịch nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của du lịch trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà đầu tư đến nghiên cứu, khảo sát, lập dự án đầu tư du lịch; hỗ trợ công tác giải quyết các thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án.
Du khách trải nghiệm ẩm thực tại bản Đá Bia. |
Bên cạnh đó, ưu tiên và lồng ghép nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt hệ thống đường giao thông và các bến cảng, bến thuyền kết nối các điểm du lịch. Triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu của toàn ngành du lịch và đưa vào khai thác, sử dụng. Hình thành bản đồ số du lịch thể hiện các thông tin thu hút du khách phục vụ phát triển du lịch thông minh tỉnh.
Đặc biệt là tăng cường liên doanh, liên kết, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các sản phẩm du lịch có tiềm năng, chất lượng đạt tiêu chuẩn mới được đưa vào khai thác, sử dụng.