Du lịch đêm ở phố cổ Hội An (Quảng Nam ) - Ảnh: M.M

Du lịch đêm ở phố cổ Hội An (Quảng Nam ) - Ảnh: M.M

Du lịch ban đêm chủ yếu là phố đi bộ, mua sắm..., đại biểu Quốc hội đề xuất để doanh nghiệp tư nhân làm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho rằng sản phẩm du lịch đêm của Việt Nam còn đơn điệu, chủ yếu là phố đi bộ, khu mua sắm, ẩm thực đêm..., đại biểu Quốc hội đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có cơ chế thu hút doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào mảng này.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chiều 5/6, nhiều đại biểu Quốc hội trăn trở về việc sản phẩm du lịch để phục vụ kinh tế ban đêm ở Việt Nam còn đơn điệu, thiếu bản sắc và thiếu sức cạnh tranh.

Hướng tiếp cận là từ các địa phương

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi) cho rằng, với điều kiện tự nhiên, khí hậu và thời tiết của Việt Nam, du lịch đêm là một hướng đi đúng đắn để phát triển du lịch. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chưa có nhiều sản phẩm đa dạng, đặc sắc để thu hút và giữ chân du khách; mặt khác, còn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các tệ nạn xã hội.

"Ý kiến của Bộ trưởng ra sao và xin cho biết giải pháp?", đại biểu Liên Hương chất vấn.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi)

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương (đoàn Quảng Ngãi)

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngày 27/7/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129 phê duyệt Đề án kinh tế ban đêm, trong đó có giao nhiệm vụ cho Bộ VHTTDL xây dựng và thí điểm ban hành một số sản phẩm du lịch đêm.

Theo đó, Bộ VHTTDL đã lựa chọn 12 tỉnh, thành phố để tập trung thực hiện một số sản phẩm du lịch ban đêm. Nhìn lại từ khi ban hành đề án cũng như sự nỗ lực của các địa phương trong vùng trọng điểm kinh tế du lịch thường xuyên có khách quốc tế, đã nhận được những tín hiệu bước đầu khá tích cực.

Ví dụ như ở Hà Nội đã biết phát huy các giá trị di tích, di sản để làm nên sản phẩm du lịch đêm, điển hình nhất là Văn Miếu Quốc Tử Giám trở thành sản phẩm tinh hoa đạo học; ngay trong một thiết chế thể thao văn hóa của Hà Nội thì bắt đầu giới thiệu về tinh hoa văn hóa của Thủ đô.

Ở Ninh Bình, từ Cố đô Hoa Lư thì có đêm Cố đô Hoa Lư, ở quận 1 Thành phố Hồ Chí Minh thì có sắc màu đêm Sài Gòn và nhiều địa phương khác cũng đều tìm được một số sản phẩm du lịch đêm.

Các sản phẩm này tập trung vào các loại hình văn hóa, loại hình phố đi bộ để thưởng ngoạn các môn nghệ thuật đường phố hay thưởng thức ẩm thực, vì vậy đã thu hút và đáp ứng được một phần nhu cầu của khách.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, đây cũng là một vấn đề mới và khó, không chỉ một ngành làm được, bởi vì du lịch là ngành mũi nhọn trong sản phẩm kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Để giải bài toán căn cơ này, Bộ VHTTDL đã đề xuất với các địa phương nghiên cứu giải quyết mấy việc.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn

Thứ nhất là phải xác định rõ quy hoạch về khu để phát triển kinh tế đêm, bởi vì nhân dân ở xen kẽ vào đó, làm thế nào để có một đêm yên tĩnh cho nhân dân ngủ được khi kinh tế ban đêm hoạt động? (với sự tham gia của cả người làm dịch vụ, khách hàng, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự...).

Thứ hai là vấn đề về chế độ, chính sách cho những người làm, nếu như đơn vị công lập được tham gia hoạt động biểu diễn thì làm đêm như thế nào, biểu diễn ra sao cũng phải được tính toán, còn trừ trường hợp nếu cá nhân bán hàng theo mục đích của họ thì lại khác.

Thứ ba là phải nghiên cứu thị trường, không làm thì thiếu nhưng làm không cẩn thận thì làm xong lại bỏ. Có nhiều địa phương đã phát triển xong khu vực du lịch đêm rồi nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì người ta không đi nữa, vì lượng khách không đến, không biết bán cho ai.

"Nói đâu xa như khu ẩm thực của Hà Nội, đi trên đường Điện Biên trước đây rất sầm uất nhưng bây giờ không có nữa, chỉ còn lại một khu ăn uống bình thường buổi đêm thôi. Như vậy hướng tiếp cận là các địa phương, vì hoạt động này diễn ra kinh tế tại địa phương ở đó", ông Hùng nói.

Giải pháp, theo Bộ trưởng, là Bộ VHTTDL cùng đồng hành, gợi mở một số nhóm sản phẩm có thể làm được như dựa trên văn hóa để thiết kế, tạo thêm một sự trải nghiệm cho du khách.

Tiếp theo là phát triển các loại hình ẩm thực mà du khách có thể tham gia thưởng thức, thưởng ngoạn.

Cuối cùng là chúng ta phải xem xét để có thể mở thêm các cửa hiệu mua sắm, nhu cầu mua sắm, đưa thêm các gói sản phẩm.

"Muốn làm được việc đó, chúng tôi nghĩ phải dựa trên những yếu tố từ quy hoạch cho đến công tác đào tạo, lúc đó sản phẩm du lịch đêm mới trở thành hiện thực được, còn nếu không thì chúng ta cũng sẽ khó khăn sau những thành công bước đầu", Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, nhiều chuyên gia kinh tế đã về các địa phương để làm, cũng khó và cũng đang nỗ lực chứ không phải đơn giản ngày một, ngày hai.

Nên thu hút tư nhân làm du lịch đêm

Bàn luận về kinh tế ban đêm, đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) nhận định, vấn đề này Thủ tướng đã quyết định từ năm 2020, thực tế hiệu quả thì có tăng lên nhưng ông Thân nghĩ đây là một vấn đề rất lớn, rất hay có thể tăng GDP.

Theo đại biểu, Chính phủ chỉ quy hoạch kinh tế ban đêm còn triển khai cụ thể thì nên để cho tư nhân làm, không cần phải Nhà nước làm.

"Tôi nghĩ tư nhân sẵn sàng vào đầu tư, họ làm thì chắc chắn sẽ hiệu quả, nếu người ta thua thiệt đấy là việc của người ta. Cho nên Bộ trưởng cũng không nên băn khoăn quá, bởi vì chúng ta có quy hoạch rồi và thí điểm tại 12 tỉnh, thành tôi cho là rất đúng, rất trúng; bây giờ cần thu hút đầu tư tư nhân sau đó ta nhân rộng lên", ông Thân khuyến nghị.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình)

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình)

Trả lời đại biểu Thân, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đồng thuận là chúng ta phải nghiên cứu. "Đúng như tôi đã báo cáo, phải dựa vào quy hoạch và trên cơ sở quy hoạch đó, địa phương sẽ thu hút đầu tư và sẽ làm, các thành phần kinh tế cùng làm", ông Hùng cho hay.

Bán sản phẩm người ta cần chứ không phải bán thứ mình có

Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) phát biểu, tại Báo cáo số 136, Bộ trưởng đã nhận định là sản phẩm du lịch đêm còn đơn điệu, chủ yếu dưới hình thức là phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực đêm, chợ đêm, một số hoạt động nghệ thuật giải trí trong và ngoài đường phố.

Cũng tại báo cáo này, Bộ trưởng đặt ra giải pháp là sẽ triển khai thực hiện thí điểm sản phẩm du lịch đêm tại 12 địa phương, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm, bao gồm nhiệm vụ là xây dựng quy hoạch phát triển sản phẩm du lịch đêm.

"Vậy xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ trưởng trong việc đổi mới sản phẩm du lịch đêm và lộ trình của việc thí điểm cũng như nhân rộng trong thời gian tới? Liệu có vướng mắc về mặt quy hoạch hay không khi một số quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt?", đại biểu Lưu Bá Mạc chất vấn.

Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn)

Đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn)

Về câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, việc thực hiện thí điểm nói trên thực ra không vướng. Bởi vì quy hoạch vùng thì Thủ tướng đã phê duyệt, quy hoạch các tỉnh, thành phố thì Thủ tướng cũng vừa phê duyệt, các địa phương vừa rồi cũng đã làm lễ công bố quy hoạch, trong khi đó nói rất rõ đâu là dự án về du lịch, khu nào làm du lịch.

Theo Bộ trưởng, vấn đề bây giờ là phân định lại trong các khu đó, ví dụ một tỉnh có 10 dự án du lịch thì chọn dự án nào để tập trung cho phát triển du lịch đêm". Đó là thẩm quyền của HĐND, UBND ở địa phương đó, còn gói sản phẩm về du lịch đêm hiện nay đưa ra có mang tính chất hướng dẫn và chúng ta đang làm thí điểm ở 12 tỉnh, thành phố, ở các điểm lớn.

Nói thêm về chủ trương này, Bộ trưởng nhận định, chúng ta đang thực hiện kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, một trong những nguyên lý của thị trường là bán sản phẩm người ta cần, chứ không phải bán sản phẩm chúng ta có. Như tôi báo cáo ban đầu là muốn làm nhưng làm ra không ai dùng cuối cùng cũng rất khó.

"Bởi vì sản phẩm du lịch về đêm còn phụ thuộc vào thị hiếu, tập quán, thói quen, nhu cầu của nhiều loại khách khác nhau. Cho nên chúng ta phải phân loại, phân tầng, phân nhóm, phân hạng rồi sau đó mới có thể có thiết kế cho các gói", Bộ trưởng lưu ý.

Ngoài ra, ông Hùng cho biết thêm, ông đã tìm hiểu một số gói sản phẩm du lịch đêm của một số quốc gia thì không phải tất cả đều đưa vào xây dựng mà họ cũng theo phân khúc của thị trường để lựa chọn và cũng không phải tất cả đều phải làm mà làm ở những điểm nào có tính chất trọng yếu.

"Tôi tin là sau quyết định của Thủ tướng, sự vào cuộc của UBND các tỉnh, chúng ta sẽ dần dần định hình được và làm được vì đây cũng là vấn đề mới, vấn đề khó. Tôi nghĩ ta cứ làm du lịch ngày cho thật tốt rồi sau đó có thêm một số sản phẩm ban đêm để phụ trợ, cũng là cách để chúng ta níu kéo du khách", ông Hùng nói.

Tin bài liên quan