Với Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đang được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, các quy định được sửa đổi đều hướng tới đảm bảo việc xét xử độc lập hơn, qua đó chất lượng xét xử được nâng cao, giảm thiểu án oan, sai.
Để cụ thể hóa những nguyên tắc được quy định trong Hiến pháp sửa đổi, Dự thảo luật bổ sung một số quy định mới, như thực hiện quyền tư pháp của tòa án, tổ chức các cấp tòa án không phụ thuộc vào địa giới hành chính, xét xử độc lập, xét xử 2 cấp, thẩm phán…
Tổ chức tòa án theo thẩm quyền
Về tổ chức các cấp tòa án, Dự thảo luật quy định có 4 cấp tòa án gồm tòa cấp khu vực, tòa cấp tỉnh, tòa cấp cao và tòa tối cao. Theo đó, tòa cấp khu vực là cấp xét xử sơ thẩm hầu hết các vụ án, tòa cấp tỉnh xét xử phúc thẩm và xét xử sơ thẩm một số vụ án mà cấp khu vực không có thẩm quyền. Tòa cấp cao xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Tòa tối cao là cấp xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cao nhất và chủ yếu tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng luật.
Với quy định này, các cấp tòa án sẽ được tổ chức hoạt động theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính và xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Đây là điểm mới nhận được sự ủng hộ của đa số các đại biểu.
Đại biểu Đặng Công Lý, Chánh án TAND tỉnh Bình Định cho rằng, việc tổ chức bộ máy tòa án theo thẩm quyền xét xử sẽ khắc phục nhiều bất cập hiện hành do tổ chức tòa án theo đơn vị hành chính. Theo đại biểu Lý, tỉnh Bình Định hiện có 11 tòa án huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, có huyện một năm chỉ xử 50 - 60 vụ án các loại, những có huyện một năm có đến 400 - 500, thậm chí hơn 1.000 vụ án các loại. Trong khi đó, tòa cấp quận, huyện nào cũng phải có đủ các biên chế như chánh án, phó chánh án, thẩm phán, thư ký, kế toán, văn thư, bảo vệ.
“Nếu triển khai việc thành lập tòa sơ thẩm khu vực, tỉnh Bình Định chỉ cần 6 tòa sơ thẩm khu vực”, đại biểu Lý nói.
Tuy nhiên, việc tổ chức tòa án 4 cấp theo quản hạt tư pháp cũng tạo ra những sự thay đổi, đó là hình thành thêm một cấp tòa -Tòa án cấp cao. Do đó, theo đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ), cần có sự điều chỉnh chức năng, thẩm quyền, phân cấp xét xử cụ thể. Riêng với tòa tối cao, đại biểu Khánh ủng hộ bổ sung thêm nhiệm vụ là nghiên cứu và phát triển án lệ.
Kéo dài nhiệm kỳ thẩm phán
Một yếu tố khác có vai trò quan trọng đối với chất lượng và tính độc lập trong công tác xét xử đó là thẩm phán. Hiện nay, các thẩm phán được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 5 năm.
Với kinh nghiệm của một thẩm phán từng 5 lần được tái bổ nhiệm, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh, Phó chánh án TAND TP. HCM cho biết, mỗi lần làm thủ tục tái bổ nhiệm phải trải qua nhiều khâu, nhiều thủ tục, nhiều cơ quan đoàn thể có ý kiến. Phải qua hội đồng tuyển chọn rồi trình lên Chánh án Tòa án tối cao ra quyết định sau khi có ý kiến của cấp ủy địa phương. Điều này, ít nhiều tạo nên tâm ý không yên tâm, e ngại trước những tác động của những cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, đánh giá đề nghị tái bổ nhiệm, nhất là thời gian đề nghị tái bổ nhiệm sắp đến gần.
“Đây là một trong những nguyên nhân làm nguyên tắc độc lập của thẩm phán bị ảnh hưởng ít nhiều”, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh nói.
Trong khi đó, việc tái bổ nhiệm lại không có bất kỳ sát hạch hay kiểm tra kiến thức, năng lực. Như vậy, quy định nhiệm kỳ thẩm phán 5 năm không có ý nghĩa lớn, mà chỉ mang lại tâm lý lo lắng, e ngại, không yên tâm làm việc cho các thẩm phán. Do đó, đại biểu Ánh đề nghị không nên quy định kỳ hạn với thẩm phán, hoặc ít nhất phải quy định nhiệm kỳ 10 năm.
Có cần thiết thành lập tòa án giản lược?
Đáng chú ý, Dự thảo luật đề cập việc thành lập Tòa án giản lược với tính chất là một tòa án chuyên trách trong tòa án sơ thẩm. Mô hình này được áp dụng ở khá nhiều nước, tòa giản lược sẽ giải quyết những vụ việc dân sự có giá trị nhỏ, phiên tòa chỉ một thẩm phán với thủ tục tố tụng được rút gọn tối đa.
Tuy nhiên, trong Dự thảo luật, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, tính chất của tòa giản lược chưa được làm rõ, đây là tòa dân sự, hình sự hay hành chính.
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh cho rằng, Luật hiện hành đã có quy định về tổ chức phiên tòa với thủ tục rút gọn do các tòa án chuyên trách thực hiện. Do đó, không cần thiết phải tổ chức một tòa án chuyên để xét xử theo thủ tục rút gọn.