Mức tăng giá này được tạm lý giải khi ngày 11/10 vừa qua, Hội đồng quản trị C47 công bố nội dung xin ý kiến cổ đông tại buổi họp ĐHCĐ bất thường vào đầu tháng 11 sắp tới.
Theo đó, Hội đồng quản trị trình cổ đông việc loại bỏ một số ngành nghề kinh doanh để nới room ngoại lên 49%.
Hiện room ngoại ở C47 đang khóa ở mức hơn 3,3% và đã kín room. Đáng chú ý hơn là tờ trình xin điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận năm 2018 lên 100 tỷ đồng, gần gấp 5 lần so với kế hoạch cũ là 21,5 tỷ đồng.
Trong khi đó, 6 tháng đầu năm, C47 mới chỉ đạt lãi khoảng 6,6 tỷ đồng, tức là trong nửa cuối năm, Công ty dự kiến sẽ làm ra hơn 93 tỷ đồng lợi nhuận.
C47 là doanh nghiệp xây lắp trong lĩnh vực thi công các công trình thủy lợi tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên, miền Nam. Năng lực thi công của C47 đã được ghi nhận khi hoàn thiện hơn 30 công trình thủy điện lớn nhỏ khắp cả nước.
Tuy nhiên, trong vài năm qua, dù có doanh thu ổn định trên nghìn tỷ đồng, nhưng lợi nhuận của Công ty lại khá “èo uột”, trung bình đạt gần 30 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2014 – 2015, chỉ lãi hơn 8 tỷ đồng năm 2016 và 21,6 tỷ đồng trong năm 2017. Chính chi phí nợ vay lớn đã ăn mòn lợi nhuận của Công ty.
Tại thời điểm 30/6/2018, tổng dư nợ của C47 lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu và gần bằng 50% tổng tài sản của Công ty. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm gần 836 tỷ đồng.
Tình hình nợ vay cao cũng được Hội đồng quản trị C47 nhiều lần đề cập trong báo cáo thường niên. Cụ thể, do đặc thù các công trình trúng thầu có nhiều dự án trọng điểm quốc gia với giá trị hàng nghìn tỷ đồng, đòi hỏi Công ty phải sử dụng nguồn vốn lớn.
Nguồn vốn kinh doanh phụ thuộc nhiều vào vốn vay đã tạo áp lực trả nợ và lãi vay hàng năm rất lớn cho C47. Chi phí lãi vay giai đoạn 2014 – 2017 của C47 lên tới trên 100 tỷ đồng/năm, 6 tháng năm 2018 là 50 tỷ đồng, chiếm khoảng 50 - 60% lãi gộp.
Trong khi đó, vốn điều lệ của Công ty chỉ khoảng 96 tỷ đồng trong năm 2014, tăng lên 120 tỷ đồng năm 2015 và duy trì 170 tỷ đồng cho các năm tiếp theo, khá khiêm tốn so với quy mô tổng tài sản trên 2.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn kinh doanh phụ thuộc nhiều vào vốn vay đã tạo áp lực trả nợ và lãi vay hàng năm rất lớn cho C47. Chi phí lãi vay giai đoạn 2014 – 2017 của C47 lên tới trên 100 tỷ đồng/năm, 6 tháng năm 2018 là 50 tỷ đồng, chiếm khoảng 50 - 60% lãi gộp.
Song song với đó, Công ty cũng gặp khó khăn trong thu hồi công nợ ở nhiều dự án thủy điện.
Điều này cũng thể hiện qua khoản phải thu ở mức cao trong nhiều năm, khoản phải thu ngắn hạn khách hàng trung trung bình trên 300 tỷ đồng/năm và khoản phải thu dài hạn khách hàng hơn 230 tỷ đồng.
Liên quan đến vấn đề này, Ban lãnh đạo C47 cho biết, nửa cuối năm 2018, Công ty sẽ tiến hành thoái vốn và thanh lý tài sản. Đây cũng là cơ sở để C47 đề ra kế hoạch lợi nhuận mới. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, C47 sẽ thu về 45 tỷ đồng từ thanh lý thiết bị.
Đồng thời, Công ty đang thực hiện việc chuyển nhượng một số dự án như Khách sạn Hải Âu, với giá trị sổ sách tại thời điểm 30/6/2018 là hơn 52,5 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong quý I/2019.
Ngoài ra, Công ty chuyển nhượng Dự án 105 Tây Sơn – Khu đô thị An Phước; Dự án Nhà máy gạch Phước Thành, Chi nhánh TP.HCM và mảnh đất liền kề, mỏ đá Bình Để… Tổng giá trị ước tính từ chuyển nhượng các tài sản này là hơn 430 tỷ đồng.
Công ty cũng thoái vốn khỏi các khoản đầu tư tại các công ty như Thủy điện Buôn Đôn, Thủy điện Văn Phong, Du lịch Hầm Hô….
Toàn bộ nguồn vốn thu về từ thanh lý và chuyển nhượng, thoái vốn sẽ được C47 dùng để giảm dư nợ vay. Ban lãnh đạo C47 chia sẻ, mục tiêu đến cuối năm 2018, nợ nay của Công ty giảm về 400 tỷ đồng.
Một diễn biến đáng chú ý là từ Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, Hội đồng quản trị C47 giảm từ 7 thành viên xuống 5 thành viên. Số lượng thành viên Ban Tổng giám đốc cũng giảm tương tự và theo nhận định của một chuyên gia phân tích, C47 đang tiến hành tái cấu trúc toàn diện Công ty.
Nếu các kế hoạch trên được thực hiện đúng tiến độ, C47 có khả năng đạt lợi nhuận 100 tỷ đồng trong năm 2018.
Tuy nhiên, lợi nhuận đột biến này đến từ hoạt động thanh lý tài sản và chuyển nhượng khoản đầu tư và trong ngắn hạn, đà tăng của cổ phiếu C47 đã phản ánh thông tin tích cực trên.
Vị này khuyến nghị, nhà đầu tư tránh mua đuổi, mà cần chờ đợi sự cải thiện rõ ràng hơn nữa về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tới.