VFM là đơn vị đầu tiên nộp hồ sơ đề nghị lập quỹ ETF lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Đến thời điểm này, kế hoạch lập quỹ đang được tiến hành đến đâu, thưa bà?
Hồ sơ lập quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam dựa trên bộ chỉ số VN30, do Sở GDCK TP. HCM (HOSE) quản lý, đang được VFM khẩn trương bổ sung một số điểm theo yêu cầu của UBCK. Nếu mọi việc suôn sẻ, Quỹ ETF VFMVN30 có thể chào bán chứng chỉ quỹ lần đầu ra công chúng (IPO) vào quý III/2014 và được niêm yết trên HOSE ngay sau đó.
Được biết, VFM vừa tham gia kết nối chạy thử hệ thống hạ tầng giao dịch quỹ ETF với Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), Sở GDCK, các CTCK, ngân hàng giám sát. Kết quả chạy thử đã cho phép hệ thống hạ tầng của VFM sẵn sàng cho triển khai Quỹ ngay khi được UBCK cấp phép, thưa bà?
Bà Lương Thị Mỹ Hạnh, Phó tổng giám đốc VFM
TTCK Việt Nam hiện có hai quỹ ETF ngoại là VNM do Van Eck Global quản lý và FTSE do Deutsche Bank AG quản lý, đang hoạt động khá ấn tượng. Vậy sự ra đời của quỹ ETF nội địa có ưu thế cạnh tranh gì so với các sản phẩm ETF ngoại trong thu hút NĐT, huy động vốn từ khối ngoại, thưa bà?
Mỗi loại quỹ có những ưu điểm riêng. Tuy nhiên, khi tham gia quỹ ETF nội địa, NĐT nước ngoài không phải qua trung gian là CTCK nước ngoài, mà có thể mua/bán trực tiếp tại CTCK Việt Nam là thành viên lập quỹ của quỹ ETF. Vì thế, các hoạt động giao dịch diễn ra thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn. Ngoài ra, khi mua chứng chỉ quỹ ETF nội địa, NĐT nước ngoài không bị hạn chế tỷ lệ sở hữu, mà có thể sở hữu nhiều nhất chứng chỉ quỹ ETF.
Quỹ ETF VFMVN30 sẽ đầu tư theo chỉ số VN30, với danh mục cổ phiếu có tính đại diện và thanh khoản tốt hơn. Chẳng hạn, tại ngày 22/5/2014, danh mục 30 cổ phiếu trong VN30 có giá trị vốn hóa bình quân chiếm 66,5% giá trị vốn hóa bình quân của toàn thị trường, giá trị giao dịch bình quân chiếm 60% giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường. Trong khi đó, danh mục tại Việt Nam của Quỹ VNM chỉ đạt giá trị vốn hóa bình quân, giá trị giao dịch bình quân tương ứng 35% và 29,2%, còn của Quỹ FTSE tương ứng ở mức 38,4% và 38,7%.
Bà nhìn nhận gì về triển vọng thu hút NĐT trong nước tham gia quỹ ETF?
Chính kết quả hoạt động ấn tượng của hai quỹ ETF ngoại trong thời gian qua đang thu hút sự quan tâm của NĐT trong nước. Bởi vậy, sự ra đời của quỹ ETF nội địa sẽ thu hút sự quan tâm của NĐT, cả trong và ngoài nước. Thời gian đầu, nhiều NĐT nội có thể chỉ dừng lại ở tìm hiểu “luật chơi” của sản phẩm mới này. Theo thời gian, cùng với am hiểu những điểm mạnh, điểm yếu của quỹ, cũng như kết quả hoạt động của quỹ ETF nội địa, NĐT trong nước sẽ tham gia quỹ nhiều hơn.
Đặc biệt, so với các sản phẩm quỹ đầu tư chủ động khác, với quỹ ETF (quỹ đầu tư thụ động), danh mục đầu tư của quỹ ETF được công khai, trong khi danh mục của quỹ khác thường bảo mật. Giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ ETF được cập nhật hàng ngày. Giá trị iNAV của quỹ ETF được tính liên tục 15 giây/lần trong thời gian chứng chỉ ETF giao dịch trên sàn. Do quỹ ETF đầu tư vào một nhóm cổ phiếu đại diện cho một thị trường cụ thể, nên thay vì phải mất thời gian và chi phí cao để lựa chọn được một danh mục đầu tư đa dạng, NĐT chỉ cần mua chứng chỉ quỹ ETF.
Một ưu thế khác của quỹ ETF là tính thanh khoản cao hơn so với các sản phẩm quỹ đầu tư khác, do được giao dịch trên cả thị trường sơ cấp và thứ cấp. Giao dịch sơ cấp là hoạt động giao dịch hoán đổi chứng chỉ quỹ ETF theo lô (1 lô gồm 100.000 chứng chỉ quỹ) giữa các thành viên lập quỹ, NĐT thông qua thành viên lập quỹ với công ty quản lý quỹ, còn giao dịch thứ cấp là hoạt động mua bán chứng chỉ quỹ ETF trên sàn giống như mua bán cổ phiếu. ETF là quỹ đầu tư thụ động, nên tổng chi phí của quỹ thấp, khoảng 1 - 1,5%/NAV của quỹ, trong khi các loại hình quỹ đầu tư chủ động khoảng trên 2%.