Dự kiến kiểm toán một số ngân hàng, đánh giá việc xử lý nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân đội Việt Nam, Ngân hàng chính sách xã hội… có tên trong báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2025 vừa được gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.
Thông qua kiểm toán để đánh giá việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng.

Thông qua kiểm toán để đánh giá việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng.

Theo dự kiến, tổng số nhiệm vụ kiểm toán năm 2025 là 116 nhiệm vụ (giảm 5 nhiệm vụ so với năm 2024).

Với lĩnh vực doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng, Tổng Kiểm toán Ngô Văn Tuấn cho biết mục tiêu định hướng là lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2024 kết hợp với việc đánh giá việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Nghị quyết số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 tại các doanh nghiệp được kiểm toán. Qua đó đánh giá các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành…

Các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn được nhắc tới gồm có Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam…

Năm tới, Kiểm toán nhà nước cũng dự kiến thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng, tổ chức tài chính (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam; Ngân hàng TMCP Quân đội Việt Nam; Ngân hàng chính sách xã hội; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…). Việc này để đánh giá thực trạng tài chính của đơn vị và hiệu quả công tác quản lý, điều hành chính sách tiền tệ.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước cũng thực hiện đánh giá việc xử lý nợ xấu, đặc biệt là phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém; việc thực hiện chính sách tiền tệ, tín dụng của các ngân hàng thương mại, trong đó tập trung vấn đề kiểm soát tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, việc cấp tín dụng tập trung vào một số doanh nghiệp, nhóm khách hàng lớn (đặc biệt là các khách hàng có liên quan đến lợi ích của chủ sở hữu ngân hàng), việc tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư)…

Lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án được dự kiến thực hiện 19 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, quan trọng quốc gia, như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án xây dựng đường bộ cao tốc như: Cao tốc Cao Lãnh - An Hữu giai đoạn 1, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; các dự án nhà máy điện…

Năm 2025 Kiểm toán nhà nước cũng sẽ lựa chọn một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, hiệu quả hiệu lực thực thi chính sách đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn. Bên cạnh đó, nghiên cứu lựa chọn các chủ đề kiểm toán năm 2025 gắn với chức năng quản lý nhà nước, lĩnh vực chuyên ngành của các bộ, cơ quan trung ương, các chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, những vấn đề được quan tâm tại địa phương, phục vụ HĐND giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, phù hợp với phạm vi, đối tượng kiểm toán, những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.

Trong 25 chuyên đề dự kiến có chuyên đề “Việc thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư tại Khu kinh tế, Khu công nghiệp giai đoạn 2022-2024” tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương nhằm đánh giá việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với các doanh nghiệp đầu tư và hoạt động trong Khu kinh tế, khu công nghiệp.

Chuyên đề “Việc quản lý, sử dụng, sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021” tại các bộ, cơ quan trung ương và doanh nghiệp nhằm đánh giá việc sắp xếp lại và xử lý nhà, đất theo quy định của nhà nước, những bất cập, tồn tại, khó khăn trong việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất của các đơn vị để kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết (nếu có), cũng được đưa vào tầm ngắm của năm sau.

Tin bài liên quan