Du khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục tăng

0:00 / 0:00
0:00
Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng của năm 2022, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87,8%, gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước; đường bộ tăng 47%; bằng đường biển giảm 50,8%.
Du khách trải nghiệm phố cổ Hội An. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN).

Du khách trải nghiệm phố cổ Hội An. (Ảnh: Đoàn Hữu Trung/TTXVN).

Thông tin từ Tổng cục Thống kê cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5/2022 tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Đây là kết quả của việc Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại và nhiều đoàn khách quốc tế đến Việt Nam tham dự SEA Games 31.

Tính chung 5 tháng của năm 2022, khách quốc tế đến nước ta tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

Trong tổng số khách quốc tế đến Việt Nam 5 tháng của năm 2022, khách đến bằng đường hàng không chiếm 87,8%, gấp 6,3 lần so với cùng kỳ năm trước; đường bộ tăng 47%; bằng đường biển giảm 50,8%...

Cũng theo Tổng cục Thống kê, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 5 tháng của năm 2022 tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước khi nhu cầu của người dân tăng cao. Bên cạnh đó, chuỗi sự kiện SEA Games 31 đã giúp doanh thu của ngành này trong tháng 5/2022 tăng 69,3% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu du lịch lữ hành trong 5 tháng qua cũng tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, sự kiện SEA Games 31 đã thu hút nhiều đoàn quốc tế đến Việt Nam.

Thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Theo báo cáo mới nhất của Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum), chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới.

Báo cáo cũng nêu rõ, Việt Nam là quốc gia có mức tăng điểm số cao nhất thế giới (+4,7%). Về xếp hạng, du lịch Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019 (kết quả xếp hạng năm 2019 cũng đã được tính toán, điều chỉnh lại theo Chỉ số năng lực phát triển).

Cùng với Việt Nam, Indonesia (tăng 12 bậc) và Saudi Arabia (Ả-rập Xê-út) (tăng 10 bậc), là 3 quốc gia có chỉ số năng lực phát triển du lịch tăng hạng cao nhất. Một số điểm đến nổi tiếng ở Đông Nam Á lại giảm điểm, như Thái Lan giảm 1 bậc, xếp thứ 36; Malaysia giảm 9 bậc, xếp thứ 38; Philippines giảm 2 bậc, xếp thứ 75...

Theo Tổng cục Du lịch, kết quả xếp hạng của ngành du lịch Việt Nam theo hướng tiếp cận mới của Diễn đàn Kinh tế thế giới đã phản ánh thành tựu trong công cuộc phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta; sự thích ứng linh hoạt, an toàn, nỗ lực không ngừng nghỉ của toàn ngành để triển khai hoạt động du lịch an toàn. Nhà nước ta cũng đã có những quyết sách kịp thời nhằm phục hồi, mở cửa trở lại toàn bộ du lịch nội địa và quốc tế sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt...

Báo cáo cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của công nghệ số trong tái thiết và phục hồi du lịch bền vững. Ngày càng nhiều các dịch vụ du lịch được tiếp cận qua nền tảng số như đại lý du lịch trực tuyến (OTA), kinh tế chia sẻ, đặt phòng trực tuyến, thanh toán điện tử, thiết bị di động... Việc này đã mang lại cho du khách nhiều tiện ích, nhiều lựa chọn hơn và giảm bớt tiếp xúc trực tiếp, gia tăng trải nghiệm liền mạch của du khách.

Từ ngày 27/4/2022, Việt Nam đã tạm dừng các quy định về khai báo y tế; từ ngày 15/5 tiếp tục tạm dừng xét nghiệm COVID-19 đối với khách nhập cảnh. Điều này đã tạo điều kiện rất cởi mở, thuận lợi nhằm thu hút đông đảo du khách đến nước ta, hướng tới mùa cao điểm về khách quốc tế từ tháng 9 hằng năm...

Tin bài liên quan